Họa tiết trên trang phục người Cơ Tu

Thứ bảy, 24/09/2016 10:15
(ĐCSVN) - Những hoa văn, họa tiết giản dị trang trí trên chất liệu thổ cẩm các bộ trang phục người dân tộc Cơ Tu đã tạo nên bản sắc riêng ở núi rừng Trường Sơn.

Đến các bản làng của người Cơ-tu trong sinh hoạt hằng ngày, hay vào dịp diễn ra các lễ hội truyền thống, chúng ta có dịp chiêm ngưỡng những thiếu nữ Cơ-tu trong bộ trang phục truyền thống với những hoa văn, sắc màu rực rỡ trên nền vải thổ cẩm như những đoá hoa rừng khoe sắc giữa núi rừng đại ngàn làm nên một bức tranh văn hoá dân tộc Cơ-tu sống động... 

Mặc trên mình bộ váy sặc sỡ trong Lễ hội mừng nhà Gươi mới của người Cơ Tu, thiếu nữ  Alăng Thị Pari xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Ngay từ khi còn nhỏ phụ nữ Cơ Tu đã được học dệt thổ cẩm. Lên 14 - 15 tuổi là các cô gái dân tộc Cơ Tu đã tự may trang phục của mình”. 

Bằng sự khéo léo và những kinh nghiệm các đời trước để lại, người phụ nữ Cơ Tu trồng bông, đay, chế biến thành vải. Họ dệt hoàn toàn thủ công, những đường nét hoạ tiết hoa văn tinh tế, tạo thành dãy hoa văn đặc sắc bằng chì hoặc cườm trắng trên nền vải chàm đen, thể hiện tính thẩm mỹ và tài năng sáng tạo của người phụ nữ Cơ-tu rất cao. Điều đó tạo nên sự khác biệt rõ nét trên trang phục của đồng bào dân tộc Cơ Tu so với các dân tộc khác. 

Các họa tiết hoa văn trên bộ trang phục của phụ nữ dân tộc Cơ Tu. 

Chi tiết cách điệu thêu trên vải thổ cẩm, chất liệu để tạo ra những bộ trang phục của người Cơ Tu. 

Xuất hiện trong không gian văn hóa lễ hội, trang phục truyền thống góp phần bảo tồn, kế thừa và
phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc Cơ Tu.
 

Thiếu nữ dân tộc Cơ Tu Alăng Thị Pari rạng rỡ với bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. 

Với 3 tông màu chính vàng, đỏ, đen cùng họa tiết hoa văn trang trí hình kỷ hà, nhẹ nhàng, sinh động,
trang phục truyền thống đã tạo nên sức quyến rũ nổi bật cho người phụ nữ Cơ Tu.
 

Nam giới người Cơ Tu thường mặc áo chui đầu, cổ xẻ. Đây là loại áo cộc tay, thân áo có đường trang trí sọc đỏ chạy dọc.
Đằng sau áo được thêu trang trí mô típ hoa cách điệu.
 

Áo váy cho phụ nữ người Cơ Tu trang trí theo nguyên tắc bố cục dải băng theo chiều ngang. Những họa tiết hình kỷ hà nằm ngang thân áo và váy. Các hoa chính sử dụng để tạo hình gồm: Hoa văn bằng cườm Ablơm (hoa tình yêu), hoa văn bằng cườm Atút (hình chiếc chong chóng), hoa văn bằng cườm hình đàn ông Cơ-tu múa tung tung (múa nam), hoa văn cườm hình thiếu nữ Cơ-tu múa dadá (múa nữ), lá trầu (A bá)… 

Đi liền với trang phục là trang sức, yếu tố không thể thiếu tạo nên chỉnh thể hài hoà trong quan niệm về cái đẹp của phụ nữ dân tộc Cơ Tu. 

Thiếu nữ dân tộc Cơ Tu với trang phục truyền thống biểu diễn trong các lễ hội. 

Trang phục truyền thống của già làng người Cơ Tu.

Để có những bộ trang phục in đậm bản sắc dân tộc mình, người phụ nữ Cơ-tu phải tốn rất nhiều công sức. Họ trồng bông, đay lấy sợi rồi tách hạt, tách bông, cán bông, vấn bông, se sợi... màu đỏ chế từ củ nâu, màu chàm từ cây tà râm, màu vàng từ củ ma rớt... Màu vàng trên trang phục Cơ-tu dùng rất ít chỉ là những đường nét hoạ tiết, hoa văn. Trong các màu thì đồng bào Cơ Tu coi trọng màu chàm đen màu của đất (Abhuyh-Catiếc), màu đỏ là màu của mặt trời (Abhuyh-plêếng). Hai màu sắc này không thể thiếu trong đời sống cũng như trang phục và gắn với tín ngưỡng của họ như một sức mạnh siêu nhiên.

Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực