Hội làng Yên Lạc
Thứ tư, 05/04/2017 09:39 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Hội làng Yên Lạc một nghi lễ có ý nghĩa tâm linh nhưng lại rất đời thường của nhân dân xã Đồng Lạc (Chương Mỹ - Hà Nội) được tổ chức đều đặn hằng năm. Nghi lễ gắn liền với những dấu ấn lịch sử, văn hóa lâu đời tại vùng đất này.
Bên cạnh những giá trị lịch sử, làng cổ Yên Lạc hiện còn lưu giữ nhiều di vật khảo cổ, những dấu ấn của một làng Việt cổ như: cổng làng, cây đa, giếng nước sân đình, đặc biệt là ngôi đình làng – Di tích văn hóa cấp quốc gia được xây dựng từ thế kỷ 17, thờ vị anh hùng Chu Đạt, nguời đứng lên khởi nghĩa dưới cờ của Hai Bà Trưng chống lại sự xâm lăng của nhà Hán.
Điểm nhấn trong hội làng Yên Lạc là lễ rước truyền thống - một hoạt động phản ánh tinh thần gắn kết cộng đồng làng, xã đồng thời biểu đạt sâu sắc nét văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của người dân vùng đất này.
Lễ hội diễn ra vào các ngày 5,6,7 tháng ba (âm lịch), để tưởng nhớ vị anh hùng Chu Đạt - nguời đứng lên khởi nghĩa chống lại sự xâm lăng của nhà Hán. Theo tục lệ truyền thống, sau nghi thức lễ tại đình làng Yên Lạc, các bô lão và đoàn rước kiệu ông, sang làng bên rước “bà” và đón hộp chứa sắc phong về làng. Lễ rước diễn ra với nhiều hoạt động văn nghệ dân gian độc đáo.
Vai trò chủ lễ, chủ tế trong các nghi thức rước, dâng hương truyền thống được các bô lão đảm nhận.
Nghi thức truyền thống trong lễ rước tại đình Bà.
Rước kiệu Bà...
và kiệu Ông được các nam thanh, nữ tú đảm nhận.
Lớp lớp người rước lễ đã đi vào quá khứ của làng Yên Lạc nhưng truyền thống thì vẫn hiển hiện trong sinh hoạt hằng ngày của người dân nơi đây...
Có được điều đó là do văn hoá dân tộc tiếp tục chảy mãi như mạch nguồn không bao giờ cạn.
Thế Dương