Lễ Ok Om Bok của đồng bào Khmer

Thứ tư, 26/10/2022 09:58
(ĐCSVN) - Lễ hội Ok Om Bok còn gọi là lễ cúng trăng, một lễ hội dân gian lớn trong năm của người Khmer tổ chức khi kết thúc vụ mùa, để bày tỏ lòng biết ơn đối với mặt trăng - vị thần theo tín ngưỡng của người Khmer đã giúp bảo vệ mùa màng, điều hòa thời tiết, đem lại cây trái tốt tươi, no ấm cho người dân ở phum, sóc.

Đồng bào Khmer sinh sống ở khu vực Nam bộ nằm trong vùng khí hậu gió mùa Đông Nam Á với 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 11, mùa khô từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 4 dương lịch hàng năm.

Theo cách tính của đồng bào Khmer, đến giữa tháng 4 dương lịch là thời điểm giao mùa từ mùa khô sang mùa mưa, gió mùa Tây Nam thổi đến mang theo hơi nước tạo ra mưa giúp cây cỏ đâm chồi nảy lộc. Theo đồng bào Khmer, đây là thời khắc chuyển tiếp từ năm cũ sang năm mới, nên đồng bào Khmer tổ chức Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây để chuẩn bị tinh thần và điều kiện bước vào vụ mùa sản xuất chính trong năm.

Đến ngày rằm tháng mười âm lịch, khoảng đầu tháng 11 dương dịch là thời điểm chuyển mùa từ mùa mưa sang mùa khô, gió mùa Đông Bắc thổi về mang theo thời tiết mát mẻ có chút se lạnh. Theo quan niệm của người Khmer, mặt trăng là vị thần điều hòa thời tiết làm cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, lúa về đầy kho, thóc đầy bồ, vì vậy đồng bào Khmer tổ chức Lễ hội Ok Om Bok để tạ ơn vị thần mặt trăng bằng những nông sản vừa thu hoạch được trong vụ mùa vừa qua.

 Để chuẩn bị cho Lễ hội Ok Om Bok, đồng bào Khmer chuẩn bị các loại nông sản đã được trồng cấy trong vụ mùa: Lúa nếp chín rộ; rặng dừa sai trái; vườn chuối chín vàng; khoai, môn cho củ; loài hoa khoe sắc…
 Các nam nữ thanh niên Khmer chế biến nông sản thành các lễ vật cúng trăng. Trong các vật phẩm lễ Ok Om Bok luôn có cốm dẹt – vật phẩm gắn với hình tượng tín ngưỡng về nền văn minh lúa nước của người Khmer.
 Các thanh niên Khmer mang lúa nếp, buồng dừa, buồng chuối, củ quả từ đồng ruộng, nương rẫy làm lễ vật cúng trăng.
Các nam thanh niên Khmer chuẩn bị cơm mới trong Lễ. 
 Nghi lễ cúng trăng có thể tổ chức theo từng hộ gia đình, hoặc vài hộ gia đình sinh sống liền kề nhau trong phum, sóc. Người tham dự lễ không phân biệt độ tuổi hay phân biệt là nam hay nữ.
 Trong nghi lễ này, chủ trì lễ là người trụ cột trong gia đình hoặc là người có uy tín với cộng đồng, có vai trò dẫn dắt và điều hành buổi Lễ.

 

 Có một nghi thức phản ánh đời sống tín ngưỡng về nông nghiệp trong Lễ. Trong phần Lễ chính chủ lễ sẽ đọc lời cầu nguyện “Hôm nay, ngày Rằm tháng Mười, chúng con kính dâng lễ vật đến thần Mặt trăng với lòng thành kính vô hạn, vì thần đã điều tiết khí hậu, làm cho mưa thuận gió hòa mang lại mùa màng bội thu, người dân có cuộc sống sung túc, ấm no”.

 

 Trong Lễ hội Ok Om Bok diễn ra nghi thức thả đèn gió trong đêm cúng trăng, hay còn gọi là đêm hội Ok Om Bok, với ý nghĩa để đồng bào gửi gắm những ước nguyện theo đèn gió lên cung trăng để thần Mặt trăng thấu hiểu và phúc đáp lại ước nguyện của người dân.
Trong lễ  Ok Om Bok lưu giữ nhiều điệu múa cổ truyền và nền âm nhạc truyền thống của người Khmer.

 

 Lễ Ok Om Bok là một hoạt động điểm nhấn trong Chương trình tháng 10 có chủ đề “Ấn tượng miền Tây” tổ chức tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, tại Đồng Mô (Sơn Tây - Hà Nội).
N.Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực