Những năm gần đây, cây chuối đang trở thành loại cây xóa đói giảm nghèo của không ít hộ gia đình ở các xã như: Tứ Dân, Đại Tập, Đông Kết, Ðông Ninh, Bình Minh..., thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Là một trong những người đầu tư trồng chuối trên diện tích hơn 2 hécta, anh Lê Văn Tuân, thôn Phương Trù, xã Tứ Dân (Khoái Châu - Hưng Yên) cho biết, đặc điểm của cây chuối là dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian thu hoạch ngắn, quả lại bán được quanh năm, có thể phát triển tốt trên đất bãi ven sông, đồng vốn đầu tư không cao, phù hợp với điều kiện kinh tế nhiều hộ gia đình nông dân. Khi đưa ra thị trường, chuối tiêu hồng được nhiều người dân chấp nhận bởi cứng vỏ, mã đẹp, ăn có vị thơm ngon. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ chuối lại rộng. Vì vậy, trồng chuối sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.
Chia sẻ về kỹ thuật trồng chuối, anh Tuân cho biết, chuối có thể phát triển tốt trên đất thịt nhẹ, hay cát pha nhiều màu. Khi trồng đào hố dài 40cm, rộng 40cm, sâu 40cm, khoảng cách giữa các hố từ 2m – 2.5m. Ở điều kiện đồng bằng, mật độ trồng thích hợp là: 1,8 x 1,8 m tương đương 3.500 cây/ha. Thời vụ có vụ thu vào tháng 8, 9, 10, vụ xuân tháng 2, 3.
Tại thôn Ninh Tập, xã Đại Tập (Khoái Châu - Hưng Yên), anh Phạm Năng Thành sản xuất chuối tiêu hồng từ cuối năm 2014, đến đầu năm 2015 được cấp giấy chứng nhận sản xuất 30 hécta trồng chuối theo hướng VietGap, với 1.500 tấn chuối/năm. Hiện đây cũng là hộ gia đình nông dân đang sản xuất chuối với quy mô lớn, theo hướng công nghiệp, đầu tư công nghệ nước tưới tự động, giàn phun mưa, nguồn nước tưới khai thác ở hệ thống sông và giếng khoan sâu hơn 40 mét. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp hộ nông dân này giảm công lao động, phân bón, đem lại hiệu quả trong sản xuất, tăng năng suất cây trồng.
Theo ông Nguyễn Văn Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khoái Châu, từ khi triển khai dự án "Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu "Chuối tiêu hồng Khoái Châu" đến nay, diện tích chuối tiêu hồng của huyện đã tăng lên khoảng 500ha. Phát triển chuối tiêu hồng được Khoái Châu xem là một định hướng ưu tiên trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hằng năm sản lượng đạt khoảng hơn 30.000 tấn, trị giá hơn 200 tỷ đồng. Huyện Khoái Châu đang quy hoạch và phát triển cây chuối tiêu hồng thành vùng sản xuất hàng hóa, cây chủ lực để phát triển kinh tế địa phương.
Diện tích trồng chuối tiêu hồng của huyện Khoái Châu tập trung chủ yếu tại các khu vực đất bãi, ven sông Hồng. Những cánh đồng chuối thay thế “đất lúa” có tại nhiều xã như: Đông Ninh, Tứ Dân, Đại Tập, Đông Kết, Bình Minh...Những cây chuối trồng theo hướng VietGap cho buồng quả to, đều và đẹp.Theo một số chủ vườn tại xã Đông Kết, cây chuối đã trở thành loài cây chủ lực đem lại thu nhập cho người trồng
bình quân 300 triệu đồng/ha/năm, với chi phí khoảng 150 triệu đồng/ ha/năm. Nhiều chủ vườn khoan giếng khai thác nguồn nước tưới ngay tại vườn, để đảm bảo độ ẩm cho cây chuối trong mùa khô. Chuối con trồng xen gối vụ, khi chuối mẹ hạ buồng thu hoạch, chặt bỏ sẽ tiếp tục
tạo đợt cây mới, để giảm chi phí đầu tư cho khâu giống trong sản xuất. Chuối được bọc nilon, tránh sương muối gây thâm vỏ, giữ màu sắc tươi sáng tự nhiên cho chuối thương phẩm. Sau khi thu hoạch, chuối được xử lý các công đoạn kỹ thuật như: vệ sinh, cắt nải, đóng gói thành sản phẩm xuất khẩu.
Sản phẩm chuối đóng gói xuất khẩu tại một xưởng chế biến tại xã Đại Tập, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.