Theo một số tư liệu lịch sử mỹ thuật Việt, tranh Kiếng Nam Bộ đã xuất hiện trong cung đình Huế từ thời Nguyễn (triều Minh Mạng, Thiệu Trị). Những năm 1920 nghề làm tranh Kiếng rất được ưu chuộng tại khu vực miền Trung, sau đó cùng với các ngành nghề thủ công mỹ nghệ khác, tranh Kiếng đã có những bước phát triển vượt bậc. Khoảng năm 1940-1950 dòng tranh này đã có mặt tại khắp lục tỉnh Nam kỳ và nhiều vùng miền cả nước. Trong hơn một thế kỷ phát triển loại hình nghệ thuật này đã hình thành nhiều dòng tranh nổi tiếng với phong cách và đặc điểm riêng biệt, tiêu biểu là các dòng tranh Kiếng Khơ Me – Nam bộ (tỉnhTrà Vinh và Sóc Trăng), dòng tranh Lái Thiêu (Thủ Dầu Một - Bình Dương), dòng tranh Chợ Lớn (Sài Gòn).
Trong số các dòng tranh tiêu biểu, tranh Kiếng Nam Bộ là một sản phẩm không thể thiếu trong nghệ thuật trang trí nội thất của người dân Nam bộ, việc treo tranh Kiếng trong nhà đã tạo ra nét văn hóa tao nhã của người dân Nam bộ so với các vùng miền khác ở nước ta. Dòng tranh Kiếng có nhiều chủng loại đa dạng: Tranh thờ tổ tiên, tranh Thần, Phật, tranh chúc tụng, tranh cảnh vật trang trí nội thất.... Ở đó có loại vẽ thuần bằng sơn màu đa sắc (thêm ngân nhũ và kim nhũ) hoặc kết hợp với kỹ thuật tráng thủy, độc đáo nhất là tranh Kiếng gắn ốc xà cừ.
Tranh Kiếng đã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và mĩ thuật của công chúng khắp các thôn xã từ miền Đông Nam bộ đến miền Tây Nam Bộ và trở thành loại hình nghệ thuật dân gian phát triển cùng giai đoạn lịch sử đất nước, hòa quyện với các dòng tranh dân gian khác như tranh Đông Hồ, làng Sình, hàng Trống, Kim Hoàng, tranh Thập vật… ạo nên bức tranh văn hóa Việt. Ngày nay, nghệ thuật vẽ tranh Kiếng dân gian Nam Bộ không còn được ưa chuộng và phát triển như xưa, vì vậy cần có các phương án bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống này để lưu giữ một vốn quý trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam.
Tranh Kiếng Nam Bộ phong phú về đề tài, có nội dung phản ánh sinh động những sinh hoạt, quan hệ xã hội nơi thôn quê, thẩm thấu hơi thở cuộc sống.
Loại hình mỹ thuật này có đặc điểm vẽ ngược vào mặt sau tấm kiếng bằng bột màu trộn với dầu cây du đồng, khi trở tấm kiếng qua mặt kia tác giả sẽ có được bức tranh với màu sắc rực rỡ và sáng bóng.
Qua bức tranh cổ người xem được cảm nhận không gian sống dung dị của hàng trăm năm trước, với sự hiện hữu của những dãy núi xa xa, dòng kênh uốn khúc, hay những câu ca dao trầm lắng, dặt dìu nhắc nhở mọi người nhớ về nguồn cội…
Một loại tranh phổ biến của dòng tranh kiếng Nam Bộ xưa.
Những bức tranh Tết, Phước (Phúc), Lộc, Thọ, tranh chim công (đại cát), nai (lộc)... lưu dấu trong ký ức của những cụ ông, cụ bà Nam Bộ.
Loại tranh thờ phật Trời, Tổ tiên thường treo ở bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà, thường thể hiện các đề tài như: Bức tranh hoành phi, liễn đối, chung quanh trang trí viền bằng cây trúc, cây tùng minh họa...
Các dòng tranh cửa buồng, tranh trang trí, phản ánh đời sống sinh hoạt ngày xưa.
Tranh kiếng khảm xà cừ Gò Công.
Với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và nhân cách hoá các hiện tượng thiên nhiên thành các vị thần cùng với tranh Tết và tranh thờ, tranh Kiếng Nam Bộ đã trở thành nhu cầu của nếp sống văn hoá, là thành tố của mỹ thuật cổ truyền hợp thành văn hoá truyền thống của dân tộc.