Hoạt động nằm trong khuôn khổ của chương trình “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”, diễn ra từ ngày 4 - 5/2, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây - Hà Nội).
Tết Nào Pê Chầu là một hoạt động dân gian đã được cộng đồng thừa nhận, lưu truyền và bảo tồn qua nhiều thế hệ người Mông, có ý nghĩa to lớn trong việc kết nối cộng đồng, cũng như góp phần cho vườn hoa văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam thêm lung linh sắc màu.
Đồng bào tỉnh Điện Biên đón mừng Tết Nào Pê Chầu với niềm tin thiêng liêng của thời khắc đất trời chuyển giao sang một năm mới. Đây là khoảng thời gian mọi người đoàn tụ, nghỉ ngơi, trao đổi kinh nghiệm sau một năm lao động, dịp để các gia đình H’ Mông thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên, bày tỏ tín ngưỡng với các đấng thần linh phù trợ cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, và gửi gắm những ước nguyện tốt đẹp trong một năm mới, đặc biệt là dịp để trai gái người Mông vui xuân, thổi sáo, ném pao… tìm kiếm bạn đời.
Tết Nào Pê Chầu gồm hai phần Lễ và Hội. Phần Lễ có các nghi thức như: Lễ quét bồ hóng;
lễ cúng Xử Ka; lễ Tất Niên; lễ Lấy nước; lễ Hạ Mâm… Lễ quét bồ hóng là nghi thức đầu tiên
trong chuỗi các nghi lễ đón năm mới, với quan niệm quét đi những điều xấu, rủi ro,
đón điều may mắn, tốt lành đến với gia đình trong năm mới.
Trong đời sống tín ngưỡng người Mông, Xử, Ka, Lò, De được coi là 4 vị thần quan trọng nhất,
vì vậy, mỗi dịp Tết đến các gia đình thường dán lại giấy tại bàn thờ Xử Ka Lò De
để cầu mong năm mới gia đình sẽ được các vị thần che chở, phù hộ.
Tiếp đó, chủ nhà sẽ mổ gà lấy tiết và ít lông gà dán lên mảnh giấy trên bàn thờ Xử Ka,
rồi bày gà luộc, 2 chén rượu, 1 đôi đũa lên mâm cúng mời Xử Ka Lò De về nhận thành quả,
phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, trông giữ nhà cửa tránh điều xấu.
Lễ cúng tất niên ngày 30 Tết của người Mông.
Lễ lấy nước lộc năm mới diễn ra sáng ngày mồng 1 Tết, chủ nhà mang theo 3 thẻ hương,
một tập giấy dó (tiền âm phủ) đi về phía đầu nguồn nước. Đến nơi, chủ nhà sẽ thắp hương
và đốt tiền âm phủ khấn cầu xin tiền lộc và xin lấy nước lộc về nhà.
Lễ hạ mâm nghi thức cuối cùng diễn ra vào chiều ngày mồng 3 Tết, để tạ ơn và tiễn đưa tổ tiên
trở về thế giới bên kia.
Trong ngày Tết Nào Pê Chầu, người Mông cũng có những điều kiêng kỵ như: Kiêng đổ nước xuống nền nhà; tránh nước lớn cản trở khi làm nương rãy; Kiêng quét nhà mang ra ngoài đổ trong 3 ngày đầu năm mới; Kiêng không ăn rau vì rau thể hiện cho sự nghèo khó, tránh để nhiều cỏ dại mọc trên nương rẫy; Kiêng không ngủ trưa vì nếu ngủ trưa thì cả năm đó sẽ lười biếng; Kiêng cãi vã, gây sự để tránh những ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ gia đình.
Tết cổ truyền Nào Pê Chầu là một lễ hội tiêu biểu, thể hiện rõ nhất bản sắc riêng văn hóa dân tộc Mông. Trong những ngày Tết tất cả mọi người đều mặc cho mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, chúc nhau những lời tốt đẹp, cùng hòa mình với những hoạt động văn nghệ, thể thao và trò chơi dân gian phong phú, thu hút mọi người nhiệt tình, sôi nổi tham gia.
Hát ống một hình thức giao lưu văn nghệ độc đáo của người Mông.
Đánh cù (tù lu) trò chơi dân gian của người Mông.
Đánh cầu lông gà của các thanh niên Mông.
Ném Pao.
Bên cạnh những nghi thức tạ ơn tổ tiên, đất trời và cầu mong cuộc sống luôn bình yên hạnh phúc, Tết Nào Pê Chầu còn là ngày hội đoàn kết, đưa mọi người đến gần nhau hơn để cùng nhau xây dựng và phát triển bản làng. Thông qua các hoạt động văn nghệ như hát ống (cha xái), thổi khèn (tsua kênh), thổi sáo (tsua cha), kéo nhị (ko tra), thổi đàn môi (tsua chà),.. hay các môn thể thao dân gian như đánh cù (tù lu), ném pao (pó po),…, không khí sôi nổi diễn ra trên khắp bản làng, tạo nên một không gian vui tươi, náo nhiệt của mùa lễ hội đầu năm.