Đến dự có bà Cecilia Piccioni, Đại sứ Cộng hoà Italia tại Việt Nam; bà Carlotta Colli, Tổng lãnh sự Italia tại TP.Hồ Chí Minh; đại diện Tổng lãnh sự Liên bang Nga, Lãnh sự Lào tại Đà Nẵng; các công dân Italia đang làm việc tại Đà Nẵng.
Về phía TP.Đà Nẵng có ông Đặng Việt Dũng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Đà Nẵng; đại diện các sở, ngành TP; đại diện các trường Đại học, Viên nghiên cứu cùng đông đảo các du khách, nhà nghiên cứu lịch sử, Văn hoá tại Đà Nẵng.
Lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; bảo tàng một số tỉnh, thành miền Trung….
Phát biểu Khai mạc, ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho biết, từ năm 2009, trong khuôn khổ chương trình hợp tác khoa học kỹ thuật giữa hai nhà nước: Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Italia, các giáo sư ngành kiến trúc thuộc trường Đại học Bách khoa Marche và Đại học khoa học Huế đã xúc tiến một dự án nghiên cứu bảo tồn các di sản kiến trúc tại miền Trung Việt Nam. Ở địa bàn phía Bắc đèo Hải Vân, dự án đã tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ di tích Võ Thánh của tỉnh Thừa Thiên Huế và tham gia công tác trùng tu di tích Thành cổ tại Quảng Trị. Ở địa bàn các tỉnh phía Nam đèo Hải Vân, dự án đã tiến hành nghiên cứu tại các di tích Chăm. Kết quả nghiên cứu của dự án không chỉ cung cấp dữ liệu cho việc trùng tu, bảo tồn các đền tháp Champa mà còn là nguồn thông tin hữu ích cho du khách và nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về văn hoá Champa, đặc biệt là mối quan hệ giữa nghê thuật kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc.
Phát huy kết quả nghiên cứu này, Giáo sư Fausto Pugnaloni (Đại học Marche, Chủ nhiệm dự án) đã có ý tưởng xây dựng một trung tâm dữ liệu nghiên cứu về Champa tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
“Với tầm vóc, diện mạo hiện đại của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng sau khi nâng cấp, cải tạo hoàn thành trong năm nay, việc hình thành Trung tâm dữ liệu- thư viện liên ngành, sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu và công chúng nói chung có thể tiếp xúc và truy cập các thông tin cần thiết phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn, quảng bá văn hoá, kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc Chăm. Đây là một nhu cầu thiết thực và cần thiết. Và vì vậy, việc trưng bày và giới thiệu sách về Công trình nghiên cứu “Kiến trúc Champa- Đền tháp tại miền Trung Việt Nam” hôm nay là một bước trước mắt, mang tính chất mở đầu, gợi mở sự quan tâm và đầu tư cho ý tưởng nói trên” – ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi Lễ, bà Cecilia Piccioni, Đại sứ Cộng hoà Italia tại Việt Nam bày tỏ xúc động tham gia sự kiện này, đồng thời cho biết: Việc tổ chức Trưng bày và giới thiệu Công trình nghiên cứu “Kiến trúc Champa- Đền tháp tại miền Trung Việt Nam” – Một công trình của Đại học Bách khoa Marche phối hợp với phía Việt Nam tiến hành nhiều năm qua tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng lần này đúng vào dịp kỷ niệm Ngày quốc khánh nước Cộng hoà Italia (2/6). Và đây là một trong các hoạt động lớn được tổ chức trong dịp kỷ niệm Quốc khánh Cộng hoà Italia tại Việt Nam sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.
“Tôi cho rằng, các nghiên cứu và hoạt động được thực hiện tại hơn 19 di tích Chăm bởi nhóm dự án của Giáo sư Fausto Pugnaloni là những minh chứng sống động nhất cho sự tham gia của Italia trong việc hợp tác với các bạn để khôi phục và bảo tồn các di sản Văn hoá Chăm, một trong những cấu thành quan trọng của nền văn hoá Việt Nam của các bạn”- bà Cecilia Piccioni, Đại sứ Cộng hoà Italia tại Việt Nam cho biết và khẳng định thêm: Không thể phủ nhận rằng, văn hoá là công cụ hữu hiệu và mạnh mẽ nhất để tăng cường các mối quan hệ hữu nghị, hợp tác của 2 nước chúng ta. Và tới đây, cùng với Văn hoá, nhiều vấn đề khác như chính trị, ngoại giao, kinh tế… sẽ được 2 nước tiếp tục nâng tầm hợp tác lên mức cao hơn, xứng tầm mối quan hệ hợp tác chiến lược mà 2 nước đã ký ký thoả thuận.
Dịp này, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cũng giới thiệu đến công chúng 46 pano hồ sơ giữ liệu tình hình thực tế của 19 nhóm kiến trúc đền tháp Champa được nhóm dự án thực hiện qua kỹ thuật quét la-de và chụp ảnh 3D./.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận tại buổi Lễ:
Giáo sư Fausto Pugnaloni (Đại học Marche, Chủ nhiệm dự án) giới thiệu về Công trình nghiên cứu mà ông và nhóm nghiên cứu của mình tham gia tại 19 điểm di tích văn hoá Chăm ở miền Trung- Việt Nam
Bà Cecilia Piccioni, Đại sứ Cộng hoà Italia tại Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ
Đại sứ Italia tại Việt Nam và đại diện lãnh đạo TP.Đà Nẵng tham gia cắt băng khai mạc
Nhiều người Italia đang sinh sống, làm việc tại Đà Nẵng tham quan gian trưng bày
Đây là một trong những hiện vật có liên quan tại các di tích văn hoá Chăm
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ, kiêm Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Đà Nẵng và đại diện các sở, ban, ngành TP đến tham quan
không gian trưng bày