|
Đồng chí Lê Ánh Dương cùng lãnh đạo UBND huyện Lục Nam kiểm tra thực tế tại khu vực sạt lở núi ở thôn Dốc Lỉnh, xã Nghĩa Phương. |
Điểm sạt lở này xảy ra đầu tháng 8 do ảnh hưởng của mưa lớn từ bão số 2 gây ra và được đánh giá có mức độ đặc biệt nguy hiểm bởi phạm vi cung sạt rộng, địa hình vách núi dốc, khối lượng đất, đá ước lớn (khoảng 150 nghìn m3). Vì vậy, nếu xuất hiện mưa lớn sẽ tiếp tục gây nguy cơ sạt lở, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân nơi đây. Hiện các vết nứt chia thành nhiều cung nối tiếp, điểm rộng nhất là 0,3 m, tiếp tục mở rộng và xuất hiện thêm vết nứt mới.
Đại diện UBND huyện thông tin, trước tính chất đặc biệt nguy hiểm của khu vực sạt lở, huyện đã bố trí kinh phí tổ chức khảo sát, đánh giá, lập phương án cấp bách xử lý sự cố; ban hành lệnh xử lý khẩn cấp công trình. Tuy vậy, do đang trong mùa mưa bão, việc cắt tầng, hạ cốt, thi công hạng mục công trình đang gặp vướng mắc một số quy định nên địa phương cần có thêm thời gian để từng bước khắc phục.
Trước mắt, chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo, ngăn người dân không vào khu vực nguy hiểm; dùng nilon che phủ vết nứt để ngăn nước mưa chảy vào. Riêng đối với 3 gia đình có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do sạt lở đất đã được hướng dẫn di chuyển đến nhà người thân ở tạm. Đồng thời đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu với UBND tỉnh bổ sung 3 hộ này vào kế hoạch bố trí dân cư năm 2024-2025.
|
Khu vực sạt lở đất tại thôn Dốc Lỉnh, xã Nghĩa Phương. |
Kiểm tra thực tế tại đây, đồng chí Lê Ánh Dương ghi nhận tinh thần chủ động, tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện song kinh nghiệm cho thấy tuyệt đối không chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác với thiên tai. Nhất là khi cơn bão này được đánh giá đặc biệt nguy hiểm, khi vào đất liền hoàn lưu bão sẽ gây mưa to đến rất to, lượng mưa lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở đất ở những khu vực địa hình núi cao, nền đất yếu.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngay chiều và tối nay, cấp ủy, chính quyền xã Nghĩa Phương cần tiếp tục rà soát, bổ sung các phương án dự phòng ứng phó với cơn bão số 3; xây dựng phương án phải thật cụ thể, thông tin rộng rãi đến ban quản lý thôn và từng hộ gia đình trong khu vực cảnh báo có nguy cơ sạt lở. Phân công, giao việc cho từng cá nhân các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN để nắm bắt kịp thời, sẵn sàng ứng phó trong tình huống khẩn cấp.
Đối với 3 hộ trong vùng nguy hiểm phải bảo đảm an toàn, không để các hộ quay trở lại nhà ở. Ngoài ra cần tính toán phương án sẵn sàng di dời đối với các hộ sinh sống khu vực xung quanh.
Trong những ngày ảnh hưởng của bão số 3, đề nghị UBND xã bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ; theo dõi sát sao diễn biến khu vực sạt lở, kịp thời báo cáo với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp để có biện pháp chỉ đạo xử lý kịp thời.
|
Đồng chí Lê Ánh Dương hỏi thăm, động viên người dân địa phương phải di dời khỏi nơi nguy hiểm. |
Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình sự cố sạt lở tại thôn Dốc Lỉnh; phối hợp với UBND huyện Lục Nam tháo gỡ vướng mắc để tổ chức thực hiện xử lý sự cố.
Cùng thời gian, đồng chí Lê Ánh Dương gặp gỡ, động viên gia đình ông Lương Thế Tuyển - một trong ba hộ phải di dời ra khỏi nhà do nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất.