Tập trung tháo gỡ khó khăn trong đầu tư công

Thứ hai, 14/08/2023 21:56
(ĐCSVN) - Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị tỉnh Bắc Giang khẩn trương nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch tỉnh, vùng trên cơ sở quy hoạch ngành, quy hoạch quốc gia; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tháo gỡ khó khăn trong đầu tư công;…
Đồng chí Nguyễn Hồng Diên kết luận buổi làm việc. 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu, chiều 14/8, Đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang.

Làm việc với đoàn, về phía tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Mai Sơn, Lê Ô Pích, Phan Thế Tuấn; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành.

Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đều ấn tượng với kết quả Bắc Giang đạt được về giá trị sản xuất công nghiệp, thu ngân sách, kim ngạch xuất, nhập khẩu, thu hút đầu tư. Đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo phát huy ưu điểm, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra năm 2023. Về lâu dài, tỉnh cần quan tâm thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng các dự án bảo vệ môi trường; phối hợp thực hiện các dự án điện trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, sinh hoạt.

Toàn cảnh buổi làm việc. 

Qua nghe ý kiến của các đại biểu, đồng chí Dương Văn Thái bày tỏ vui mừng vì nhiều kiến nghị của Bắc Giang ở cuộc làm việc trước được các bộ, ngành tập trung giải quyết. Đồng chí mong muốn, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng tiếp tục quan tâm đến những đề xuất của tỉnh, xử lý theo thẩm quyền trên cơ sở các quy định cụ thể, vận dụng vào thực tế địa phương. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, Bắc Giang chỉ đạo rõ người, rõ việc, một việc giao cho một đơn vị, một người chủ trì để kiểm điểm. Bám sát tinh thần đó, các đồng chí trong Ban Thường vụ, Thường trực HĐND, UBND tỉnh đã gương mẫu thực hiện; kiểm điểm thường xuyên, thông tin kết quả thực hiện.

Thực tiễn luôn phát sinh những vấn đề cần giải quyết. Qua rà soát, Bắc Giang đã kiến nghị T.Ư 31 thủ tục còn vướng mắc, đặc biệt là thủ tục đầu tư, đất đai. Một số khu công nghiệp của Bắc Giang đã được đầu tư hạ tầng nhưng còn thiếu công trình điện. Đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ tỉnh cải tạo, nâng cấp lưới điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Bắc Giang đã nỗ lực, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều chỉ tiêu cả nước giảm hoặc tăng nhẹ nhưng Bắc Giang lại tăng cao như: Chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất, nhập khẩu, DN thành lập mới, thu hút đầu tư…

Tuy nhiên, qua nắm bắt vẫn còn một số hạn chế về thu ngân sách, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Nguyên nhân của tình trạng này có cả yếu tố khách quan, chủ quan song chủ yếu vẫn là chủ quan. Đó là sự chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định pháp luật. TTHC còn rườm rà, phức tạp. Mặt bằng lãi suất vốn tín dụng giảm nhưng khó tiếp cận vốn. Các giải pháp về phục hồi thị trường bất động sản chưa hiệu quả. Để giải quyết cần cải tổ, kiến nghị cơ chế phù hợp. Vì vậy Chính phủ đã thành lập các tổ công tác nắm bắt tình hình tại các địa phương.

Với thực tế Bắc Giang, đồng chí đề nghị tỉnh khẩn trương nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch tỉnh, vùng trên cơ sở quy hoạch ngành, quy hoạch quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tháo gỡ khó khăn trong đầu tư công. Nghiên cứu thực hiện mô hình đầu tư công, quản trị tư hay đầu tư tư, quản trị công.

Hiện nay, nhiều quốc gia ban hành quy định về hàng rào kỹ thuật trong nhập khẩu hàng hóa nghiêm ngặt, Bắc Giang cần hướng dẫn DN nhận diện đúng, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, hạn chế vướng vào vụ kiện thương mại.

Hỗ trợ DN xuất khẩu chính ngạch, có cơ chế hỗ trợ DN tiếp cận chính sách mới; khuyến khích đầu tư phát triển điện mặt trời áp mái, sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo; tạo điều kiện cho DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sắp tới làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dự báo tăng cao, trong đó có Bắc Giang nên tỉnh cần tập trung giải phóng mặt bằng; hình thành hệ sinh thái công nghiệp, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong điều hành, quản lý.

Các kiến nghị của tỉnh sẽ được đoàn công tác tổng hợp, giải quyết trong thời gian tới.

 Đồng chí Dương Văn Thái phát biểu tại buổi làm việc.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp đã tác động lớn và toàn diện đến phát triển kinh tế của cả nước nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng. Từ quý IV năm 2022, các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là DN xuất, nhập khẩu. Kể từ tháng 5/2023 đến nay, các DN cơ bản vượt qua giai đoạn ảm đạm nhất song tình hình đầu tư, sản xuất, kinh doanh nói chung của DN vẫn chưa khả quan. 7 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 27 DN hoạt động cầm chừng và tạm dừng sản xuất, 21 DN chấm dứt hoạt động.

Chi phí sản xuất, kinh doanh tăng. Một số DN phản ánh chi phí liên quan đến nhập khẩu và xuất khẩu tăng do giá xăng dầu, kho bãi, nhân công, chi phí khác đều tăng. Việc triển khai các dự án đầu tư, xây dựng còn vướng về cơ chế, chính sách, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Giá xi măng, giá nhựa đường lên cao, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.

Việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia chậm. Nguyên nhân là do nguồn vốn sự nghiệp ngân sách T.Ư phân bổ theo dự toán ngân sách hằng năm, không thông báo vốn cho cả giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, địa phương khó lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch 5 năm 2021-2025 cho các dự án, nhất là các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cần thực hiện từ 2 - 3 năm. Các văn bản hướng dẫn, triển khai của T.Ư quy định nhiều nội dung mà HĐND tỉnh và UBND tỉnh phải ban hành nghị quyết hoặc quy định để triển khai, mất nhiều thời gian hoàn thiện cơ sở pháp lý.

 Đồng chí Lê Ánh Dương phát biểu tại buổi làm việc.

Để khắc phục những “điểm nghẽn”, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bắc Giang kiến nghị một số nội dung. Hiện nay, trên địa bàn có nhiều dự án trong lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử công nghệ cao đang vào giai đoạn lắp đặt, vận hành máy móc, sản xuất thử tiến tới sản xuất hàng loạt cần phải sử dụng số lượng lớn các chuyên gia, nhà quản lý và lao động nước ngoài. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong cấp phép cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại tỉnh, hạn chế gián đoạn sản xuất.

Sớm thông báo nguồn vốn sự nghiệp ngân sách T.Ư hỗ trợ cho địa phương cả giai đoạn 2021-2025 (phần còn lại 2024-2025) để các địa phương có căn cứ, cơ sở xây dựng, thẩm định, phê duyệt kế hoạch 5 năm 2021- 2025 thực hiện các dự án.

Đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính hướng dẫn, xây dựng quy trình thực hiện đối với các dự án có hạng mục dịch chuyển đường dây trung thế và trạm biến áp điện; cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tăng cường phân cấp, cắt giảm các thủ tục không cần thiết trong quá trình thực hiện, bảo đảm việc bàn giao công trình điện sang ngành điện quản lý được nhanh chóng, kịp thời.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu bổ sung vốn cho 9 dự án đã có trong danh mục thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025, phù hợp với đối tượng được bổ sung thêm vốn và có khả năng giải ngân ngay năm 2023 nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả đầu tư với số vốn hơn 243 tỷ đồng.

Trường Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực