Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung (thứ hai từ phải qua) tham quan mô hình
nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình.
Tăng cường kiểm tra tôm giống
Bạc Liêu là tỉnh đứng hàng thứ hai khu vực ĐBSCL cũng như cả nước về sản lượng và diện tích nuôi tôm nước lợ với tổng sản lượng gần 304.000 tấn, trong đó sản lượng tôm 123.500 tấn (năm 2016). Toàn tỉnh có hơn 128.600ha đất nuôi trồng thủy sản, vì thế nhu cầu tôm giống thả nuôi hàng năm rất cao, khoảng 10 - 12 tỷ con tôm post. Các cơ sở sản xuất tôm giống trong tỉnh đáp ứng 80 - 90%. Tuy nhiên, do lượng giống lớn không có cùng lúc nên người nuôi trong tỉnh phải mua con giống từ các tỉnh miền Trung. Điều này dẫn đến tình trạng khó kiểm soát về giá cả, chất lượng tôm giống. Vì vậy, ngành chức năng luôn tăng cường kiểm tra việc nhập tôm giống.
Từ đầu năm 2017 đến nay, ngành chức năng kiểm tra, kiểm dịch 102 lượt xe nhập tỉnh với hơn 840 triệu con tôm post; kiểm tra, kiểm dịch 1.037,98 triệu con tôm giống sản xuất trong tỉnh, không phát hiện tôm giống nhiễm bệnh. Cũng trong 6 tháng đầu năm, ngành chức năng đã lấy 1.199 mẫu tôm giống xét nghiệm, trong đó có 491 mẫu nhiễm bệnh còi, 5 mẫu nhiễm đốm trắng, 7 mẫu nhiễm đầu vàng, 10 mẫu nhiễm bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu, 21 mẫu nhiễm vi bào tử trùng. Đồng thời lấy 496 mẫu tôm thịt xét nghiệm, trong đó có 37 mẫu bị nhiễm các loại bệnh.
Hiện nay, toàn tỉnh có 4.506ha tôm nuôi bị thiệt hại (959ha tôm nuôi thiệt hại từ 30 - 70%, 3.547ha tôm thiệt hại trên 70%). Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã có Công văn số 2978/UBND/KT về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi. Theo đó, chỉ đạo Sở NN&PTNT và các sở, ngành liên quan phối hợp với các huyện, thị, thành phố thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thủy sản; ban hành lịch thời vụ thả nuôi tôm; tăng cường quản lý vùng nuôi; đảm bảo điều kiện đầu tư cho nuôi tôm an toàn dịch bệnh, nhất là chú trọng chất lượng tôm giống…
Nâng cao chất lượng tôm
Gần đây, ngành chức năng đã mở nhiều đợt cao điểm kiểm tra, triệt phá một số cơ sở bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu. Song vấn nạn này vẫn chưa được ngăn chặn triệt để và vẫn còn tiếp diễn.
Ông Võ Hồng Ngoãn (ngụ xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu), cho rằng: “Thời gian qua, chúng ta chỉ xử lý phần ngọn chứ chưa xử lý phần gốc việc bơm chích tạp chất vào tôm (có nghĩa là mới xử lý người bơm chích tạp chất). Để việc bơm chích tạp chất vào tôm chấm dứt, cần phải xử lý nghiêm, phạt thật nặng các cơ sở, các nhà máy thu mua tôm có bơm tạp chất (phần gốc)”.
Còn theo ông Hà Văn Buôl, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT: “Việc ngăn chặn tôm bơm chích tạp chất thời gian qua chưa đạt hiệu quả là do các cơ sở thu mua, các nhà máy chế biến vẫn còn thu mua tôm “bẩn” để đưa ra thị trường tiêu thụ. Sự liên kết giữa các ngành, các cấp trong công tác kiểm tra, xử lý chưa chặt chẽ và thiếu đồng bộ. Vì vậy, gần đây, các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng đã ký kết phối hợp kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm việc vận chuyển, tiêu thụ tôm”.
Tại hội nghị phát triển ngành tôm, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Chính phủ nghiêm khắc xử lý các cơ sở thu mua, các nhà máy chế biến, những cá nhân vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng môi trường sản xuất tôm Việt Nam, mất uy tín thương hiệu tôm Việt Nam. Tuy nhiên, “cuộc chiến” với vấn nạn này không đơn giản, bởi nhiều năm nay, dù các bộ, ngành và chính quyền địa phương đã nhiều lần mở các đợt cao điểm ngăn chặn nạn bơm chích tạp chất nhưng vì lợi nhuận, nhiều cơ sở, thậm chí là doanh nghiệp lớn cũng vẫn vi phạm.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, thời gian qua, Bạc Liêu đã phát động các huyện, thị, thành phố cam kết xử lý tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm. Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung, việc làm này nhằm thể hiện trách nhiệm của các địa phương. Sau khi ký cam kết, các địa phương sẽ tập trung quyết liệt để xử lý dứt điểm tình trạng tôm bơm chích tạp chất trên địa bàn tỉnh.