Bác sỹ “tôm”

Thứ tư, 22/02/2017 20:13
Vốn liếng chỉ với tấm bằng kỹ sư thủy sản, Lê Anh Xuân từ Thanh Hóa lặn lội về Bạc Liêu để nuôi tôm giữa bốn bề đầm hoang. Thất bại. Nhưng bằng ý chí, Lê Anh Xuân giờ đây trở thành Giám đốc Cty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh (Cty Trúc Anh), một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành nuôi tôm của Việt Nam, có tổng tài sản hàng trăm tỉ đồng.

Giám đốc Lê Anh Xuân một DN hàng đầu trong ngành tôm Việt Nam  . Ảnh: N.H

Gian nan khởi nghiệp


Lê Anh Xuân, sinh năm 1976, tại Thanh Hóa, năm 1995, thi đỗ vào Trường Đại học Thủy sản Nha Trang với niềm đam mê cháy bỏng nghiên cứu về con tôm Việt. Nhưng từ ước mơ đến sự thật không dễ dàng đối với chàng sinh viên mới ra trường, nhất là khi hành trang chỉ là những kiến thức lý thuyết trong trường học và chiếc balô vài bộ đồ. Dù tốt nghiệp loại giỏi, mọi cánh cửa tìm việc của Anh Xuân tại Khánh Hòa, TPHCM chẳng rộng mở, đón chào.

Thấy chàng sinh viên mới ra trường có vẻ thật thà, một trại tôm giống tại Khánh Hòa nhận anh vào làm công. Với Xuân, công việc nào cũng vậy, đã làm thì làm cho tới, cho đúng với vị trí và luôn cầu tiến. Làm việc trong trại tôm giống, anh có điều kiện học hỏi và vận dụng kiến thức đã học đưa ra cách nuôi tôm sao cho mau lớn. Tôm lớn thật, nhưng trại tôm giống không đủ lớn để chàng trai 23 tuổi khởi nghiệp. Anh quyết định một chuyến “hành phương Nam” tìm về xứ sở của con tôm sú ở miền Tây.

Tiền Giang miền Tây là mảnh đất đến đầu tiên để Xuân “đầu quân” cho một công ty nuôi tôm. Ở đây anh cùng ăn cùng ở, cùng làm với những người nuôi tôm. Đây là thời điểm con tôm tại ĐBSCL đang phát triển rất mạnh. Dù vậy thời gian đầu của con tôm sú người người cùng nuôi, nhà nhà cùng nuôi và cũng nhà nhà đều thất bại do dịch bệnh đốm trắng, đầu vàng, đỏ thân.

Ở Tiền Giang 2 năm, Xuân tiếp tục khăn gói lên đường về Bạc Liêu, nơi có diện tích nuôi tôm lớn nhất lúc bấy giờ. Mục đích ban đầu đến đây để bán thuốc thú y thủy sản và thông tin “Bạc Liêu dễ sống”. Vậy là đi. Xin vào làm việc cho Cty công nghệ sinh học Sài Gòn chi nhánh tại Bạc Liêu, Xuân tiếp tục “vật lộn” với con tôm.

Quyết biến những khó khăn thành lợi thế, mỗi khi đi xuống người nuôi tôm hướng dẫn kỹ thuật Xuân đều để lại số điện thoại với lời nhắn: “Bà con cần hỗ trợ gì cứ gọi Xuân bất cứ lúc nào”. Có người thử gọi Xuân vào 22 giờ đêm báo tôm bị đâm đầu vào bờ. Vậy là chỉ chưa đầy 1 giờ đồng hồ đã thấy Lê Anh Xuân đến tận ao tôm để tư vấn, tìm cách trị bệnh cho tôm.

Cứ thế, bà con nuôi tôm ở thành phố Bạc Liêu gọi bất cứ lúc nào Xuân cũng có mặt tư vấn tận tình. Chính cách chăm sóc con tôm tận tình này mà người dân nuôi tôm Bạc Liêu trìu mến gọi Xuân là “bác sĩ tôm”. Khác chăng là ở người bệnh tìm đến bác sĩ, còn “bác sĩ tôm” tìm đến “con bệnh” khi được điện thoại.

Nói về chuyện lập công ty ngay khi đang thuê phòng trọ chỉ 300.000 đồng/tháng vào năm 2004 Xuân cười xòa: “Giờ nghĩ lại công nhận mình cũng liều thật. Nhưng cái khó lúc đó không phải ở chuyện DN làm ăn thế nào mà cần phải thay đổi cách nuôi tôm từ việc dùng kháng sinh sang vi sinh và trị nuôi được tôm trong điều kiện khó khăn dịch bệnh”.

Quy trình nuôi tôm 4A

Thời điểm năm 2004, người dân nuôi tôm chủ yếu sử dụng thuốc kháng sinh. Việc dùng vi sinh để trị bệnh cho tôm vẫn còn là điều gì lạ lắm. Ngay chuyện “vua tôm Sáu Ngoãn” dùng mật ong trộn với ốc bươu vàng nấu chín cho tôm ăn đã là chuyện lạ lắm. Hay như chuyện Sở Khoa học Công nghệ Bạc Liêu dùng chế phẩm sinh học EM để xử lý nước, áp dụng quy trình nuôi tôm không thay nước là chuyện vô cùng lạ đối với người nuôi tôm ở Bạc Liêu lúc bấy giờ. Hậu quả của việc nuôi tôm sử dụng kháng sinh dẫn đến hàng loạt diện tích tôm nuôi bị thất bại; ô nhiễm môi trường diễn ra khiến cho diện tích nuôi bị bỏ hoang. Lúc này, Lê Anh Xuân đi tuyên truyền nuôi tôm sử dụng vi sinh. Cách tuyên truyền của anh đụng chạm đến những DN, cơ sở bán thuốc thú y thủy sản. Không ít lần anh bị đe dọa từ những đại lý bán thức ăn thú y thủy sản.

Bực mình, anh tự mò mẫn sáng chế ra quy trình nuôi tôm sạch với những loại vi sinh do mình làm ra và thuê đất để nuôi tôm. Hiệu quả từ việc nuôi tôm sử dụng vi sinh tại Cty Trúc Anh đã dần làm cho người nuôi tôm tại ĐBSCL thay đổi cách nghĩ về công nghệ nuôi chuyển từ dùng kháng sinh sang vi sinh. Không bằng lòng với chính mình, hàng loạt ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất vi sinh được triển khai thực nghiệm và áp dụng trên đầm tôm tại ĐBSCL đem đến thành công cho người nuôi tôm.

Bắt đầu năm 2007 Lê Anh Xuân xây dựng quy trình nuôi tôm sạch sử dụng các chế phẩm sinh học mật độ cao. Với mật độ 15 con/m2, sau 170 ngày nuôi, tôm đạt 22 con/kg, sau khi trừ chi phí phải lãi trên 1 tỉ đồng/ao (500 - 700m2). Thành công của công nghệ nuôi tôm vi sinh sạch bệnh được các kỹ sư của Cty Trúc Anh chia sẻ với bà con nuôi tôm khắp các tỉnh ĐBSCL.

Năm 2016, Cty Trúc Anh đã nghiên cứu thành công quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo công nghệ Biofloc. Anh chia sẻ: “Công nghệ này chia ra làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, thả tôm giống thẻ chân trắng trong nhà màng với mật độ 1.000 - 2.000 con/m2. Giai đoạn 2 sau khi ươm 20 - 25 ngày, tôm được chuyển sang nuôi ngoài trời với mật độ 200 - 300 con/m2. Qua 3 tháng nuôi, tôm đạt cỡ 35 - 50 con/kg. Tất cả quá trình nuôi đều áp dụng quy trình vi sinh, công nghệ sinh học, không sử dụng kháng sinh, hóa chất. Chính vì vậy tôm sạch bệnh nhưng đạt đến năng suất 150 - 200 tấn/ha/năm”.

Toàn bộ quy trình này được anh đúc kết thành gọi là 4A: An toàn vệ sinh thực phẩm do không sử dụng kháng sinh, hóa chất, chỉ sử dụng vi sinh, chế phẩm sinh học; an toàn môi trường do không xả thải ra môi trường; an toàn dịch bệnh do khống chế và trị bệnh hoàn toàn bằng vi sinh, chế phẩm sinh học; an sinh xã hội do giảm được rủi ro, tăng năng suất, tăng chất lượng nên người nuôi tôm luôn có lợi nhuận.

Hiện tại quy trình này được chuyển giao cho một doanh nghiệp nuôi tôm tại Bạc Liêu với quy mô lớn. Nói về khởi nghiệp, nhất là các bạn trẻ là sinh viên mới ra trường, anh sôi nổi hẳn: “Ngày xưa mình mò mẫn là chính, bây giờ đã có Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành ủng hộ rồi. Tuy vậy, ngoài kiến thức, lòng nhiệt huyết thôi chưa đủ, cần phải có kiến thức về công nghệ, nhất là công nghệ ứng dụng vào trong sản xuất. Nếu không có kiến thức về công nghệ, đột phá về công nghệ anh sinh viên mới ra trường không thể khởi nghiệp thành công ”

Trăn trở cùng con tôm

Hiện tại Cty Trúc Anh đã là môt DN lớn của ĐBSCL trong lĩnh vực nuôi và chế phẩm sinh học trong ngành tôm ĐBSCL, nhưng Giám đốc Lê Anh Xuân không khỏi trăn trở với ngành tôm Việt. Anh chia sẻ: “Con tôm không phải dễ nuôi, vì vậy muốn làm giàu từ nghề nuôi tôm không dễ dàng chút nào. Muốn đạt được hiệu quả anh phải nắm vững khoa học công nghệ từ quy trình sản xuất thức ăn, công nghệ nuôi, công nghệ chế biến cả công nghệ thu hoạch nữa”.

Anh quả quyết: “Xuất khẩu 10 tỉ USD vào năm 2025 là chuyện không khó. Để con tôm phát triển bền vững mới là chuyện khó. Muốn vậy đã đến lúc cần phải coi ngành tôm là một ngành công nghiệp để đầu tư cho xứng tầm”.

Chuyện đầu tư xứng tầm theo Xuân, cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ như điện, đường và hệ thống thủy lợi, các bộ ngành phải dự báo được quy luật cung cầu trên toàn thế giới để tránh tình trạng nông dân được mùa mất giá.

Bên cạnh đó, phải quản lý chặt sản phẩm đầu vào, quảng bá cho những mô hình có hiệu quả. Đưa khoa học kỹ thuật vào trong quản lý và quy trình nuôi, đặc biệt là công nghệ cao (ưu tiên cho những sản phẩm, quy trình sinh học, bảo vệ môi trường). Một cơ chế để tính được giá trị tài sản trên đất nuôi tôm của bà con nông dân để có chính sách vay vốn, hỗ trợ vốn phù hợp là cần thiết bởi hiện tại giá trị chưa được tính toán hợp lý. Thứ tư là phải tạo được thương hiệu con tôm Việt Nam đầy trách nhiệm, bảo vệ sức khỏe con người.

Cuộc trò chuyện với phóng viên thi thoảng bị ngắt quãng bởi những cuộc tư vấn qua điện thoại. Sau một hồi tư vấn dùng loại vi sinh nào, hàm lượng bao nhiêu, thời gian thực hiện để tôm không còn nổi đầu, Xuân quay sang cười hì hì: “Mình vẫn thích tư vấn cho người nuôi tôm. Cái cảm giác giúp người khác nuôi tôm mau lớn, không bị bệnh - nó vui lắm”.

Hình như Lê Anh Xuân vẫn chưa thôi làm “bác sĩ tôm” dẫu rằng đang túi bụi chuẩn bị vào vụ nuôi mới và những dự án nuôi tôm vi sinh an toàn dịch bệnh, năng suất cao bền vững đang chờ anh xem lại lần cuối để chuyển giao rộng rãi cho người nuôi tôm.

 

laodong.com.vn
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực