Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh dự khởi công xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu - Ảnh: Gia Minh
Chiều 30/1/2018, tại xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu), Tập đoàn Việt - Úc long trọng tổ chức lễ khởi công Khu NNƯDCNCPTT Bạc Liêu với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các doanh nghiệp trong, ngoài nước.
Khu NNƯDCNCPTT được xây dựng trên diện tích hơn 418ha, với mục tiêu là làm hạt nhân tác động, dẫn dắt và nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh, vùng bán đảo Cà Mau, khu vực ĐBSCL và cả nước. Đồng thời là nòng cốt, động lực để xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Khu NNƯDCNCPTT là trung tâm liên kết với các viện, trường, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực tôm, tạo thành một chuỗi phức hợp từ khâu nghiên cứu sản xuất tôm bố mẹ, tôm giống, đến các khâu nuôi tôm siêu thâm canh, sản xuất, chế biến, bảo quản tôm, nghiên cứu sản xuất thức ăn cho tôm; nghiên cứu, trình diễn các ngành công nghiệp phụ trợ; đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; thực hiện các dịch vụ kiểm định, quan trắc, xét nghiệm và chẩn đoán bệnh tôm và tổ chức các sự kiện, hội thảo liên quan đến ngành tôm.
Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung nhấn mạnh: Lễ khởi công Khu NNƯDCNCPTT Bạc Liêu là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển, mở ra hướng đi mới cho ngành tôm của tỉnh, khu vực và cả nước.
Ngay sau khi khởi công, đã có hơn 20 doanh nghiệp đăng ký đầu tư và nhiều viện, trường đăng ký liên kết, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào Khu NNƯDCNCPTT. Đây là những doanh nghiệp lớn, nắm giữ nhiều công nghệ tiên tiến hàng đầu Việt Nam và thế giới trong nhiều lĩnh vực và phân khúc ngành tôm, với tổng vốn đầu tư đã đăng ký lên đến hơn 2.600 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi lễ khởi công, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hiện nay, trong xu thế hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, nước ta đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao năng suất, giá trị và hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp. Sự kiện Bạc Liêu được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận cho thành lập Khu NNƯDCNCPTT chính là minh chứng phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và là hướng đi phù hợp trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Đây là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong ngành tôm, cũng chính là nơi sẽ lan tỏa mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cho toàn khu vực cũng như 28 tỉnh, thành có nuôi tôm trong cả nước. Qua đó góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm, đưa kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 10 tỷ USD (giai đoạn 2021 - 2025) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, ấn nút phát lệnh khởi công xây dựng biểu tượng con tôm lớn nhất Việt Nam, với chiều cao thiết kế 25m - Ảnh: Gia Minh
Nhân dịp này, Tập đoàn Việt - Úc cũng khởi công xây dựng biểu tượng con tôm lớn nhất Việt Nam, với chiều cao thiết kế 25m. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành nghi thức thả tôm giống tại ao nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh trong nhà kín, ứng dụng công nghệ cao do Tập đoàn Việt - Úc đầu tư.
*Chiều cùng ngày, tại xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu), Công ty Cổ phần Super Wind Energy Công Lý Bạc Liêu (gọi tắt là Công ty Công Lý) cũng tổ chức lễ khởi công dự án Nhà máy điện gió giai đoạn III, công suất 142MW. Đến dự có ông Wissanu Krea Ngam, Phó Thủ tướng Vương quốc Thái Lan cùng các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các tỉnh trong khu vực.
Quang cảnh buổi Lễ khởi công dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu III, với công suất 142MW (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) - Ảnh: Gia Minh
Tại buổi lễ, ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Công Lý, cho biết Nhà máy điện gió I, II có công suất 99,2MW đã hòa vào lưới điện quốc gia 500 triệu kWh điện, doanh thu đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Năm 2017, Công ty Công Lý đã quyết định mở rộng đầu tư một số dự án điện gió trong vùng, trong đó dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu III với công suất 142MW, tổng vốn đầu tư gần 8.300 tỷ đồng. Triển khai trên diện tích hơn 6.250ha. Tiến độ thực hiện dự án là 36 tháng kể từ ngày khởi công. Dự án được lắp dựng 71 trụ turbine gió, công suất mỗi turbine từ 2 - 2,3MW. Các turbine gió được sử dụng công nghệ tiên tiến nhất do các tập đoàn có uy tín trên thế giới cung cấp. Việc đầu tư các dự án điện gió của Công ty Công Lý trong thời gian qua đã thúc đẩy phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường và phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu. Các dự án hoàn thành và đưa vào khai thác vận hành sẽ cung cấp hàng năm khoảng hơn 370MW.
Việc khởi công hai dự án động lực trên đã tạo nên sức lan tỏa lớn và hứa hẹn đưa Bạc Liêu phát triển nhanh, bền vững.