Thực hiện ngay các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ ba, 28/02/2017 10:46
Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) không còn là các kịch bản hay những cảnh báo, mà cứ liên tiếp xảy ra. Đối tỉnh Bạc Liêu, BĐKH để lại những hậu quả nặng nề, để khắc phục tình trạng này cần thực hiện ngay các giải pháp ứng phó.

Kè Gành Hào bị những đợt sóng cao uy hiếp (ngày13.2). 

Thiệt hại nặng nề

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2010 đến nay tỉnh Bạc Liêu đã chịu ảnh hưởng của 50 cơn bão, 34 cơn áp thấp nhiệt đới, 16 đợt triều cường, 230 cơn lốc xoáy, 23 trường hợp người bị sét đánh, 37 trường hợp sạt lở đất, 4 đợt hạn hán, xâm nhập mặn khiến hơn 96.420ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, với tổng số tiền gần 680 tỷ đồng. Riêng năm 2016, cùng với tác hại của hạn hán, xâm nhập mặn còn kéo theo triều cường, sóng to gió lớn... làm cho nhiều công trình giao thông, thủy lợi và kè chống sạt lở bị thiệt hại, nhất là xảy ra nhiều đợt lốc xoáy làm sập và tốc mái 275 căn nhà, sạt lở đất... làm thiệt hại hơn 7.473 triệu đồng. Trong tháng 1 và 2/2017, nhiều đoạn kè ở thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) và kè Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) bị sóng đánh sạt lở gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng và làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhiều hộ dân sinh sống ven biển...

Qua đó cho thấy, quá trình BĐKH ngày càng cực đoan và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng ngàn hộ dân. Chỉ cần những thay đổi thất thường về thời tiết sẽ kéo theo hàng loạt các khó khăn trong sản xuất và phá vỡ kế hoạch sản xuất. Như huyện Phước Long trong năm qua, do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm cho kế hoạch sản xuất lúa vụ thu đông chỉ đạt 54% kế hoạch và làm ảnh hưởng đến lịch thời vụ.


Triều cường dâng cao kết hợp mưa lớn gây ngập cục bộ trên địa bàn phường 3 (TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D

Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng với BĐKH

Theo kịch bản BĐKH của tỉnh Bạc Liêu: Dự đoán đến năm 2050, nếu mực nước biển tăng từ 22 - 30cm sẽ có hơn 180.110ha bị ngập, chiếm khoảng 69,4% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, trong đó diện tích ngập trên 100cm chiếm khoảng 28,6% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó, địa bàn các huyện ven biển như: Đông Hải, Hòa Bình và TP. Bạc Liêu sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất. Đặc biệt, nếu lấy ngưỡng mặn 4% thì toàn tỉnh sẽ có hơn 74% diện tích tự nhiên bị ảnh hưởng xâm nhập mặn và đây thật sự là nỗi lo khi bên cạnh con tôm cần nước mặn vẫn còn khoảng 10.000ha đất mà người nông dân phải dựa vào cây lúa, cây màu và cả cá nước ngọt làm sinh kế.

Để chủ động ứng phó với BĐKH và hướng đến phát triển bền vững, tháng 12/2016, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-TU về tăng cường ứng phó với BĐKH và phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó đề ra mục tiêu chung là phấn đấu đến năm 2020, về cơ bản chủ động thích ứng với BĐKH, phòng chống thiên tai, giảm phát khí thải nhà kính, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, sạch, các-bon thấp, thân thiện với môi trường. Đến năm 2030, chủ động phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH, giảm đến mức tối thiểu tác động do thiên tai gây ra, bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái, phát triển nền kinh tế xanh và bền vững...

Tuy nhiên, để thực hiện thắng lợi mục tiêu này và hướng đến sống chung với BĐKH, cùng với các giải pháp công trình, các ngành, địa phương và người dân cần quan tâm đến các giải pháp phi công trình. Đó là nghiên cứu chuyển cơ cấu sản xuất, mùa vụ, các loại cây, con giống thích ứng với thời tiết, chịu được hạn, mặn và mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất, mô hình không phù hợp. Và hơn cả là nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả cộng đồng trước những thách thức do chính quá trình BĐKH tạo ra bằng những hành động cụ thể trong việc bảo vệ môi trường sống, môi trường sản xuất và khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lợi mang lại từ tự nhiên. Đồng thời, có trách nhiệm tái tạo nguồn lợi, phát triển các mô hình có lợi cho tự nhiên như: trồng cây gây rừng, hạn chế thải và lạm dụng các chất cấm phục vụ cho sản xuất gây ô nhiễm môi trường, xem nhiệm vụ bảo vệ môi trường sống là trách nhiệm của bản thân, cộng đồng...

pv
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực