Theo Điều 2 Chương I Luật xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam (luật số: 49/2019/QH14 ngày 22 tháng 11 năm 2019), hộ chiếu (passport) là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.
Hộ chiếu có gắn chíp điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp.
|
Ảnh minh họa, nguồn: baophapluat.vn |
Trên hộ chiếu có đầy đủ các thông tin cơ bản, bao gồm: ảnh chân dung; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại. Ngôn ngữ trong hộ chiếu bao gồm cả tiếng Việt và tiếng Anh.
Do có đầy đủ các thông tin về nhận diện cá nhân, nên trong một vài trường hợp bị mất chứng minh nhân dân hay căn cước công dân có thể sử dụng hộ chiếu để thay thế khi thực hiện giao dịch tại ngân hàng; yêu cầu cấp lại giấy phép lái xe bị mất; làm thủ tục đi tàu, máy bay trên các chuyến tàu, máy bay nội địa; đến ngân hàng rút tiền; ký hợp đồng…
Theo Bộ Công an, trong hộ chiếu (mặt trong bìa sau) có nội dung quy định đối với người được cấp hộ chiếu, theo đó yêu cầu không được tẩy xóa, viết thêm, sửa đổi những nội dung ghi trong hộ chiếu.
Vì vậy, để đảm bảo cho việc làm thủ tục xuất nhập cảnh được thuận lợi, người ký tên nhầm vào những phần không dành cho mình trên hộ chiếu cần làm thủ tục cấp lại hộ chiếu nêu trên./.