Trước đó, chiều 21/12, ông N.K.D (30 tuổi, cán bộ công an huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) điều khiển ô tô tới khu vực tổ 10 phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang thì bất ngờ gặp xe máy đi ngược chiều đang sang đường, buộc phải đánh lái để tránh và đâm vào nhà ven đường khiến bé gái 17 tháng tuổi tử vong.
Sau đó, vợ ông D. nhận là người lái xe nhưng qua xác minh hiện trường, thực nghiệm và trích xuất camera bước đầu công an xác định người trực tiếp lái xe là ông D. Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ. Nhiều bạn đọc muốn biết ai phải chịu trách nhiệm với cái chết của nạn nhân?
Về nội dung này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng đây là sự việc đáng tiếc, gây thiệt hại nghiêm trọng về con người cũng như ảnh hưởng tới tâm lý, tinh thần của gia đình nạn nhân.
Chắc chắn cơ quan chức năng sẽ khẩn trương xác minh, làm rõ nhằm đảm bảo sự công bằng, tính nghiêm minh của pháp luật cũng như xác định trách nhiệm pháp lý của các cá nhân liên quan với gia đình nạn nhân.
Một số vấn đề cần tập trung làm rõ như sau:
Thứ nhất, tốc độ của ô tô tại thời điểm trước khi phát hiện xe máy, đánh lái là bao nhiêu và thời gian từ khi phát hiện xe máy đi ngược chiều tới khi phải đánh lái là bao lâu. Đây sẽ là căn cứ để xác định tình huống xe máy xuất hiện có phải sự kiện bất ngờ, bất khả kháng hay không và người lái ô tô đã tuân thủ quy định về tốc độ, quan sát khi điều khiển xe và xử lý khi gặp chướng ngại vật trên đường hay chưa.
Thứ hai, khi phát hiện xe máy, người lái ô tô đã xử lý phương tiện như thế nào, đó đã phải là cách xử lý tối ưu để tránh thiệt hại xảy ra hay chưa.
|
Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: Hoàng Linh) |
Đồng thời, cần xác định sau khi xử lý để tránh phương tiện, vì sao xe tô lại có thể tiến thêm một đoạn để lao vào nhà dù khoảng cách từ mặt đường tới cửa nhà còn một đoạn đủ để dừng xe lại. Từ đó, cần làm rõ có yếu tố lỗi trong việc xử lý của tài xế dẫn tới hậu quả chết người hay không.
“Từ hai căn cứ nêu trên, tổng hợp với các dữ liệu thu thập, cơ quan chức năng sẽ đánh giá một cách chính xác, cẩn trọng trách nhiệm của tài xế ô tô trong trường hợp này”, luật gia Tuấn phân tích.
Nếu xét thấy có yếu tố lỗi như chưa đảm bảo tốc độ, quan sát hay xử lý chủ quan, xử lý sai dẫn tới tai nạn, có thể xem xét khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Mục 1 Chương XXI phần thứ hai Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bởi Khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.
Dù khu vực nạn nhân tử vong không được xác định là đường bộ nhưng do nguyên nhân sự việc xuất phát từ việc tham gia giao thông đường bộ nên vẫn có thể xem xét trách nhiệm theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 trong trường hợp xét thấy có dấu hiệu hình sự.
Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ làm việc nghiêm minh, khách quan với các nội dung liên quan khác như nồng độ cồn với tài xế, đăng kiểm phương tiện, giấy tờ tùy thân….
Theo luật sư Tuấn, về trách nhiệm của người lái xe máy, cơ quan chức năng sẽ triệu tập người này tới làm việc để làm rõ việc người này đã sang đường như thế nào, có vi phạm quy định về tham gia giao thông như không giảm tốc độ, chuyển hướng không có tín hiệu hay đi ngược chiều hay không. Trường hợp xác định có dấu hiệu của hành vi vi phạm, người này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tương ứng.
Ngoài ra, cần xác minh kỹ quan hệ nhân quả giữa hành động sang đường của người đi xe máy và cái chết của nạn nhân. Nếu có dấu hiệu lỗi vi phạm và đây là một phần nguyên nhân gây ra hậu quả chết người, có thể xem xét trách nhiệm liên đới về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (nếu có) trong trường hợp khởi tố vụ án hình sự.
Nếu không chứng minh được mối quan hệ nhân quả mà chỉ xác định đây là lỗi vi phạm hành chính đơn thuần, người đi xe máy có thể được xem xét loại trừ trách nhiệm hình sự.
“Người lái xe cần nắm vững quy tắc “nhường tốc độ chứ không nhường đường” để tránh các thiệt hại nghiêm trọng”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.