Theo phản ánh của bạn đọc, quá trình thi công, công trình số 15 ngõ 21, đường Lê Văn Lương đã gây sụt móng, lún nhà, sàn, ảnh hưởng đến nhà ở của nhiều hộ dân ngõ 21, đường Lê Văn Lương (tức Tổ 1, Cụm Sòi cũ) phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.
Tìm hiểu được biết, công trình xây dựng số 15 Lê Văn Lương được cấp phép xây dựng và xây dựng từ cuối năm 2020. Trong giấy phép xây dựng số 675/GPXD, công trình được cấp phép mang tên ông Nguyễn Trí Dũng, là công trình nhà ở riêng lẻ gồm: 6 tầng nổi, 1 tầng hầm, 1 tầng lửng và 1 tum thang. Tổng diện tích sàn xây dựng là 721,85m2 (không kể diện tích tầng hầm 107m2). Chiều cao công trình là 21,9m (không kể chiều cao tum thang 2,7m).
Theo người dân, trước khi thi công, ông Dũng đã không kiểm tra, chụp ảnh, lập biên bản hiện trạng từng ngôi nhà giáp ranh cho đến khi xảy ra sự cố lún nứt, người dân yêu cầu bồi thường, lúc đó đơn vị thi công mới lập biên bản các hộ bị thiệt hại. Và đến nay, sau nhiều lần đối thoại, giữa gia đình ông Dũng và các hộ bị ảnh hưởng vẫn chưa thể có thống nhất về mức bồi thường.
Trao đổi với phóng viên, những hộ dân ở Tổ 1, Cụm Sòi cũ, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội bức xúc: “Công trình xây dựng này đã đào tầng hầm sát vách nhà chúng tôi đã khiến nhà chúng tôi sụt móng, lún nhà, sàn, sân bê tông lún nứt nghiêm trọng, toàn bộ tường rào ngăn giữa nhà tôi và công trình còn bị họ tự ý phá bỏ. Nghiêm trọng nhất là nhà tôi nứt ở tại nhiều vị trí, có thể bị sậpđổ bất cứ lúc nào khiến mọi người không dám ở mà phải đi thuê trọ tại nơi khác”.
Sau khi người dân gửi đơn kêu cứu đến các cấp, Thanh tra Bộ Xây dựng; UBND TP.Hà Nội cũng đã có văn bản chỉ đạo về vụ việc. Theo đó, yêu cầu UBND quận Thanh Xuân xem xét giải quyết sự việc và hồi âm kết quả giải quyết đến Văn phòng UBND TP.Hà Nội trước ngày 15/3/2021.
|
Hiện trạng công trình số 15 ngõ 21, đường Lê Văn Lương. (Ảnh: TL). |
Đại diện các cư dân ngõ 21 cùng với tổ dân phố tổ 21 đường Lê Văn Lương cũng đã có đơn đề nghị các đơn vị chức năng cho dừng công trình, xem xét bồi thường thiệt hại, các tổn thất do bị sụt lún, gãy nứt và chỉ cho phép doanh nghiệp tiếp tục thi công khi sự việc được giải quyết thỏa đáng. Đồng thời có phương án kỹ thuật, biện pháp đảm bảo an toàn bền vững cho các hộ gia đình đang sinh sống.
Quá trình xử lý vụ việc, UBND phường Nhân Chính đã có biên bản kiểm tra hiện trạng lún nứt của các gia đình bên cạnh công trình xây dựng này và ghi nhận ý kiến các bên; yêu cầu ông Nguyễn Trí Dũng - đại diện chủ đầu tư công trình xây dựng chủ động phối hợp với hộ gia đình bà Nguyễn Thị Khuyên và bà Nguyễn Thị Hậu về việc làm lún nứt nhà và đền bù (nếu có?) xong trước ngày 10/3/2021 để làm căn cứ giải quyết vụ việc; yêu cầu tháo dỡ dải tôn quây công trình để di dời vào đúng vị trí thửa đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Song thực tế, trong khi chưa đạt được thỏa thuận, chưa bồi thường thiệt hại cho các hộ dân thì chủ đầu tư vẫn tiếp tục xây dựng số 15 Lê Văn Lương làm gia tăng mức độ nguy hiểm đối với các công trình xung quanh; xâm hại nghiêm trọng quyền, lợi ích của người dân.
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch UBND phường Nhân Chính cho biết, UBND phường đã nhận được phản ánh của các hộ dân tại ngõ 21 Lê Văn Lương về việc công trình số 15 xây dựng gây ảnh hưởng lún nứt. Ngày 26/02/2020, UBND phường Nhân Chính đã phối hợp với các bên liên quan có biên bản kiểm tra hiện trạng nhà các hộ dân tại ngõ 21, đường Lê Văn Lương. Các bên đã thống nhất ký vào biên bản kiểm tra hiện trạng, xác nhận ngôi nhà của bà Khuyên có: Vết rạn nứt dọc cửa, giữa cột hiên nhà, vết nứt chéo phía hiên dài 70 cm, khu bếp, khu vệ sinh, tường trần có xuất hiện vết rạn nứt… Nhà bà Hậu cũng tương tự có nhiều vết rạn nứt như rạn cổ tường trên góc cửa ra vào vệ sinh, vết nứt rạn khung cửa sổ, tường cột sau nhà bị ảnh hưởng, rạn cột dọc giữa nhà gian phía ngoài có 1 số vết nứt to, nền gạch có nhiều vết nứt lún bong tróc…
Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội nhìn nhận, theo quy định, đối với vụ việc thi công công trình nhà ở gây ảnh hưởng nứt lún nhà bên cạnh, khi có phản ánh của hộ dân thì chính quyền địa phương phải tiến hành họp bàn với các bên liên quan, đánh giá hiện trạng thiệt hại lún nứt do ảnh hưởng bởi công trình thi công, đồng thời có biển bản cam kết của chủ công trình khắc phục bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng mới được phép tiếp tục thi công.
Thực tế, đến nay sau gần 2 năm, vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Công trình tại số 15, ngõ 21, đường Lê Văn Lương vẫn tiếp tục được thi công và dần đi vào hoàn thiện, bất chấp tính mạng, quyền lợi hợp pháp của công dân. Việc này đã thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người dân; xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của công dân. Dư luận cũng đặt nghi vấn về thái độ “khó hiểu” của chính quyền cơ sở khi chưa thực sự quyết liệt trong giải quyết kiến nghị của công dân, để chủ đầu tư vẫn ngang nhiên thi công dù vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm. Theo thông tin, hình ảnh phóng viên có được, quá trình thi công công trình này còn có nhiều biểu hiện vi phạm các quy định về an toàn lao động, gây nguy cơ mất an toàn đối với người dân sinh sống tại khu vực xung quanh.
Để tránh tình trạng đơn thư khiếu kiện kéo dài và bảo vệ tính mạng, tài sản của công dân, thiết nghĩ Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cùng các cơ quan chức năng TP. Hà Nội cần sớm vào cuộc làm rõ những vi phạm của chủ đầu tư công trình số 15, ngõ 21, đường Lê Văn Lương và xử lý theo đúng quy định./.