Xử nghiêm đối tượng nổ súng đe dọa người khác

Thứ năm, 18/05/2023 01:27
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Theo luật sư, khi đối diện với hành vi đe dọa người khác, người bị đe dọa cần nhanh chóng trình báo sự việc với cơ quan công an địa phương sở tại, cơ quan điều tra thuộc Công an quận/huyện nếu có đầy đủ các bằng chứng, chứng cứ chứng minh người kia sẽ hoặc có thể thực hiện hành vi của mình hoặc khởi kiện ra tòa án.

Ngày 14/5, Công an thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình cho biết, đã bắt khẩn cấp, khám xét nơi ở đối với Nguyễn Đức Quý (SN 1983, trú thị xã Ba Đồn) do có hành vi dùng súng đột nhập nhà dân, gây hoang mang, mất trật tự an ninh khu dân cư.

Trước đó, chiều ngày 12/5, camera an ninh tại nhà riêng của anh Phan Cô Vích (SN 1983, trú tại tổ dân phố Minh Lợi, phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn) đã ghi lại cảnh khi anh đang ngồi ở phòng khách sử dụng điện thoại thì Quý đi ô tô vào rồi dùng súng bắn liên tiếp nhiều phát đạn. Nghe tiếng súng, bà Nguyễn Thị Lý (SN 1953) và ông Phạm Xuân Vinh (SN 1950) là bố mẹ anh Vích từ tầng hai đi xuống kiểm tra.

Lúc này, Quý đang dí súng vào đầu anh Vích. Khi bà Lý vào can ngăn, Quý tiếp tục dí súng vào bà Lý thì ông Vinh vào van xin.  Sau khoảng thời gian ngắn cãi vã thì Quý rời đi.

 Đối tượng Quý đe dọa các thành viên trong gia đình anh V. (Ảnh cắt từ clip)

Thông tin ban đầu, gia đình anh Vích không có mâu thuẫn gì với Quý. Vợ anh Vích là chị Nguyễn Thị Phúc Hiền có bán vật liệu xây dựng cho Quý làm nhà và 2 bên có khúc mắc tài chính. Thời điểm xảy ra sự việc, chị Hiền không có ở nhà. 

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho biết Điều 22 Chương II Hiến pháp 2013 (ngày 28 tháng 11 năm 2013) và Bộ luật Dân sự 2015 khẳng định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.

Do đó, việc Quý tự ý xông vào nhà anh V. là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của Tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Khoản 1 Điều 158 Chương XV Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cụ thể, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

b) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;

c) Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ;

d) Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp.

Cũng theo Khoản 2 Điều 8 Chương III Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác có mức độ nguy hiểm đáng kể cho xã hội mới bị coi là tội phạm, những trường hợp hành vi có tính chất mức độ nguy hiểm không đáng kể thì được xử lý bằng các biện pháp khác.

Theo luật sư Tuấn, để xác định hành vi có phạm tội không, cần xem xét tới các yếu tố cấu thành của tội phạm. Theo đó, người thực hiện hành vi phạm tội phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, phạm tội với lỗi cố ý, hình thức phạm tội đa dạng nhằm hướng tới các mục đích khác nhau như khám xét, đuổi trái pháp luật, chiếm giữ hay xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

Đối tượng tác động là chỗ ở hợp pháp của công dân và được pháp luật bảo vệ. Chỗ ở có thể gồm nhà ở, ký túc xá, tàu thuyền, phương tiện giao thông (trong trường hợp họ sinh sống trên đó)… và hành vi của đối tượng gây hậu quả là làm cho người khác mất chỗ ở, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt bình thường của công dân/gia đình.

Theo nội dung clip, sau khi vào nhà anh V, đối tượng Quý đã dùng vật giống súng bắn nhiều phát rồi dí vào đầu chủ nhà để đe dọa. “Như vậy, bên cạnh hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác, lực lượng chức năng cũng sẽ làm rõ vật đối tượng cầm trên tay có phải súng không? Là vũ khí thô sơ hay vũ khí quân dụng”, luật sư Tuấn phân tích.

Nếu là vũ khí quân dụng, đối tượng Quý có thể bị xem xét xử lý hình sự về Tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo Điều 304 Mục 3 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.

Nếu là vũ khí thô sơ, tùy thuộc tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, Quý có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự về Tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ theo Điều 306 Mục 3 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015. 1. Cụ thể, người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Nếu phạm tội lần đầu, Quý có thể bị xử phạt hành chính về hành vi sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo Khoản 3 Điều 11 Mục 1 Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ với mức phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Để xác định hành vi dùng vật nghi là súng dí vào đầu chủ nhà có phạm tội đe dọa giết người theo Điều 133 Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015 hay không, cơ quan chức năng sẽ làm rõ những yếu tố cấu thành như sau:

Về hành vi, cần làm rõ đối tượng thực hiện hành vi đe dọa giết bằng lời nói, hành động, cử chỉ... có nhằm mục đích giết người hay không hay chỉ nhằm làm người bị hại phải lo lắng, sợ hãi, hình thành trong tư tưởng rằng người phạm tội sẽ thực hiện hành vi giết người bị hại như đã đe dọa.

Về mặt hậu quả, cần xác định hành động đó có gây ra tâm lý lo lắng, sợ hãi cho người bị hại, khiến người bị hại thật sự tin rằng hành vi đe dọa sẽ được thực hiện hay không.

Theo hướng dẫn tại Chương 2 Nghị quyết 04-HĐTPTANDTC/NQ của TAND Tối cao (Số 04-HĐTPTANDTC/NQ, ngày 29 tháng 11 năm 1986), Tội đe dọa giết người phải có hai dấu hiệu bắt buộc có hành vi đe dọa giết người; có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện.

Cụ thể, phải xác định hành vi đe dọa giết người là có thật (như: nói trực tiếp công khai là sẽ giết, giơ phương tiện như súng, dao đe dọa), và phải xem xét “căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ…”, một cách khách quan, toàn diện như: thời gian, hoàn cảnh, địa điểm diễn biến, nguyên nhân sâu xa (nếu có) và trực tiếp của sự việc, mối tương quan giữa bên đe dọa và bên bị đe dọa (về thể lực, tuổi đời, trình độ v.v…). Nếu thông thường ai cũng phải lo lắng là sự đe dọa (về thể lực, tuổi đời, trình độ…). Nếu thông thường ai cũng phải lo lắng là sự đe dọa sẽ được thực hiện, thì đó là trường hợp lo lắng có căn cứ.

“Như vậy, nếu đủ 2 yếu tố cấu thành nêu trên, đối tượng Quý sẽ bị xử lý thêm về Tội đe dọa giết người theo Điều 133 Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015. Mức phạt đối với hành vi này là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực