“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc

Thứ ba, 05/11/2024 10:16
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Khu Di tích K9 không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa giàu tính nhân văn sâu sắc, mà còn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, giúp thế hệ trẻ có nhận thức đúng đắn về lịch sử góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, đẩy mạnh việc tu dưỡng, học tập và rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khu di tích K9 tại Đá Chông cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 70 km về phía Tây. Tháng 5/1957, trong một lần đến thăm Sư đoàn 308 tập mẫu chiến thuật Trung đoàn Bộ binh tăng cường tiến công quân địch phòng ngự có chuẩn bị. Trên đường về, Bác đã dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa, nơi có 3 mỏm đá nhọn như hình mũi chông, ngọn mác xếp liền nhau (người dân gọi là Đá Chông). Thấy địa thế nơi đây hiểm trở, phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, Bác đã trao đổi với các đồng chí cùng đi, ngỏ ý chọn vị trí này làm nơi nghỉ ngơi và làm việc của Bác và Trung ương. Ngày 23/2/1958, Bác Hồ lên thăm và xem xét lại địa bàn khu vực Đá Chông. 

Sau chuyến đi của Bác, Tổng cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam được lệnh xây dựng một số ngôi nhà trong khu vực Đá Chông. Đến năm 1960, nguy cơ của cuộc chiến tranh phá hoại có thể xảy ra quá rõ ràng, Cục Doanh trại được lệnh tiếp tục lên xây dựng ngôi nhà sàn làm vị trí hội họp, nghỉ ngơi của Bác và Bộ Chính trị khi cần thiết. Cùng với việc xây dựng ngôi nhà sàn, bộ đội công binh còn xây dựng hệ thống công sự kiên cố và đặt tên là K9. Điều đáng kể là cả hầm và nhà đều do Bác cắm cọc, nhắm hướng. Tại đây, trong những năm 1960 - 1969, Bác Hồ và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã nhiều lần họp bàn, tiếp khách quốc tế, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. 

Hằng năm, Khu Di tích K9 đón tiếp số lượng lớn đồng bào trong nước đến tham quan, học tập; tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa...

Sau khi Bác Hồ qua đời ngày 2/9/1969, đề phòng chiến tranh có thể xảy ra trên phạm vi cả nước, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định: Nếu tiếp tục để thi hài Bác tại Hà Nội, khi xảy ra chiến tranh, công trình 75A không đủ kiên cố chống đỡ sức phá hoại của bom đạn Mỹ. Hà Nội lại là một mục tiêu đánh phá quan trọng của địch, việc bảo đảm điện, nước thường xuyên cho công trình cũng là điều hết sức hạn chế...

Xuất phát từ nhận định như vậy, Bộ Chính trị quyết định giao cho Quân ủy tìm một vị trí thật yên tĩnh, bí mật, xa Hà Nội và thuận tiện cho việc di chuyển thi hài Bác khi chiến tranh lan rộng. Sau khi cân nhắc, xem xét kỹ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn K9 làm nơi giữ gìn thi hài Bác. Đó là khu đồi thông yên tĩnh nằm bên bờ hữu ngạn một dòng sông, hồi ấy còn là con sông hung dữ nhưng cũng đầy thơ mộng. Vào mùa mưa lũ, dòng sông réo ầm ầm, nước sông tràn lên mênh mang như dang rộng cánh tay ôm lấy quả đồi, trên đồi có những mỏm đá lô nhô sắc nhọn như những mũi mác lớn. Chính tại vùng đất sơn thủy hữu tình này đã tạo ra một trong những huyền thoại đẹp nhất về sức mạnh của con người chế ngự sự hung dữ của thiên nhiên. Đó là chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh.

Ngày 10/9/1969, đoàn cán bộ, chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Công binh và Lữ đoàn 144 đã có mặt tại K9 để khảo sát, thiết kế, cải tạo lại công trình và nhận bàn giao toàn bộ khu vực do các đơn vị công an võ trang và Văn phòng Trung ương giao lại. Thoạt đầu ở K9, Ban Chỉ đạo chỉ có ý định dùng ngôi nhà kính đã có sẵn để lắp đặt thiết bị máy móc gìn giữ thi hài Bác ở ngay trên mặt đất. Nhưng về sau, Quân ủy Trung ương quyết định phải cải tạo cả hệ thống hầm ngầm để có thể đưa Bác xuống phòng khi chiến tranh có thể lan rộng tới khu đồi yên tĩnh và thơ mộng này.

Khối lượng công việc lớn, vị trí thi công chật hẹp, nhưng các đơn vị thi công nhận được lệnh phải hoàn thành công trình, đầu tháng 12 đưa vào sử dụng. Cả thời gian thiết kế và thi công chỉ vẻn vẹn chưa đầy ba tháng. Ngày 15/12/1969, công trình K9 hoàn thành những chi tiết cuối cùng, vượt mức thời hạn quy định 10 ngày. Để giữ bí mật, K9 được đổi thành K84 cho đến ngày 18/7/1975 thi hài Bác được di chuyển về Công trình Lăng của Người tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Gọi K84 là xuất phát từ một phép tính rất đơn giản: K75 + K9 = K84.

 Khu di tích K9 là một trong số gần 700 di tích, điểm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi lưu giữ những ký ức về Bác Hồ không chỉ khi Người còn sống, mà ngay cả khi Bác mất, bao gồm các công trình: Ngôi nhà 2 tầng được thiết kế phỏng theo kiểu nhà sàn, các xe di chuyển thi hài Bác, Nhà kính và công trình giữ gìn thi hài Bác trong những năm tháng chiến tranh... Ngoài ra còn có ngôi nhà khách và hầm đặt tổng đài điện thoại, ngôi nhà phục vụ, hầm trú ẩn, hòn non bộ, con đường rèn luyện sức khỏe...

Để đáp ứng nhu cầu tình cảm của Nhân dân với Bác Hồ kính yêu, đồng thời giáo dục truyền thống cho các thế hệ người Việt Nam, đầu năm 1995, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đỗ Mười - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII), sau khi báo cáo Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức đón tiếp các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước đến dâng hương tưởng niệm Bác, sinh hoạt chính trị và tham quan Khu di tích. Hàng năm, Khu di tích K9 đón nhiều đoàn công tác của các cơ quan Trung ương, địa phương và Nhân dân đến thăm Khu di tích thông qua các hoạt động tham quan, học tập, báo công dâng Bác, trao Huy hiệu Đảng, kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, trồng cây lưu niệm... Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị thông qua Đề án “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới” (tháng 4/2010), Khu di tích K9 được đầu tư tôn tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng để phục vụ đồng bào cả nước đến với Bác. 

Khu di tích K9 không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa giàu tính nhân văn sâu sắc, với tấm lòng thành kính hướng về Bác, mà còn trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam; đồng thời, giúp thế hệ trẻ có nhận thức đúng đắn về lịch sử góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, từ đó tiếp tục phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp “Uống nước, nhớ nguồn”, thường xuyên tu dưỡng, học tập và rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Quang Huy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực