Bổ sung nhiều quy định mới về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa

Thứ ba, 17/10/2023 14:25
(ĐCSVN) – Việc sửa đổi, bổ sung, cập nhật mới các quy định có liên quan về điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và tình hình thực tiễn tại Việt Nam nhằm nâng cao điều kiện an toàn của phương tiện khi hoạt động.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa (Quy chuẩn 72).

Tháo gỡ bất cập, nâng cao điều kiện an toàn của phương tiện khi hoạt động

Theo Bộ GTVT, Quy chuẩn 72 ban hành năm 2013 đã được sửa đổi bổ sung nhiều lần. Đến nay, một số quy định không còn phù hợp do điều kiện kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học kỹ thuật thế giới trong lĩnh vực phương tiện thủy nội địa (PTTNĐ) đã thay đổi, tốc độ phát triển PTTNĐ cả về cỡ và kiểu loại phương tiện nhanh, gây khó khăn trong quá trình áp dụng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT về tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động phương tiện thủy nội địa tuyến vận tải ven biển, Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) đã nghiên cứu, rà soát các quy định có liên quan đối với phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB. Theo đó, đã sửa đổi, bổ sung, cập nhật mới các quy định có liên quan về điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và tình hình thực tiễn tại Việt Nam nhằm nâng cao điều kiện an toàn của phương tiện khi hoạt động.

Bổ sung nhiều quy định mới về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa.

Ảnh minh họa. Nguồn: TL.

Theo Ban soạn thảo, quy chuẩn mới không làm phát sinh chi phí đối với các chủ tàu, cơ sở thiết kế PTTNĐ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa PTTNĐ; Cơ sở sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm máy, vật liệu, trang thiết bị sử dụng cho PTTNĐ; Cơ sở cung cấp dịch vụ kỹ thuật, mà còn sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ các bất cập, vướng mắc, bảo đảm phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam và thông lệ quốc tế, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc đăng kiểm PTTNĐ.

Đối với các cơ quan quản lý, việc sửa đổi, bổ sung, hợp nhất quy chuẩn tạo điều kiện tốt hơn cho việc tra cứu, rõ ràng hơn trong áp dụng.

Tăng trách nhiệm với cơ sở thiết kế, chủ tàu

Tại quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, dự thảo bổ sung trách nhiệm của các cơ sở thiết kế phải thực hiện kiểm tra, khảo sát tàu thực tế trước khi tiến hành lập hồ sơ thiết kế cho phương tiện nhập khẩu (trừ mô tô nước nhập khẩu để sử dụng cho mục đích thể thao, vui chơi giải trí) hoặc phương tiện đã đóng không có sự giám sát của đăng kiểm (bao gồm phương tiện làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tàu cá chuyển đổi thành PTTNĐ) và lập hồ sơ thiết kế hoán cải.

Đồng thời, chịu trách nhiệm về tính chính xác của các số liệu, phương pháp tính trong hồ sơ thiết kế, tính hợp pháp, hợp lệ của các hồ sơ, tài liệu theo quy định.

Theo Ban soạn thảo, quy định này nhằm nêu cao trách nhiệm của các cơ sở thiết kế, phòng ngừa việc xử lý số liệu tính toán thiết kế cẩu thả nhằm tăng chất lượng thiết kế tàu.

Đối với chủ tàu, cũng bổ sung trách nhiệm phải thông báo cho đăng kiểm biết mọi sự cố, vị trí hư hỏng, việc sửa chữa hư hỏng giữa hai lần kiểm tra đối với các hạng mục được quy định tại quy chuẩn và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan của PTTNĐ để đăng kiểm cùng phối hợp kiểm tra an toàn kỹ thuật của tàu.

Bổ sung quy định về trường hợp đặc biệt trong hoạt động giám sát kỹ thuật

Quy chuẩn mới đề xuất bổ sung thuật ngữ tàu cao tốc và phân biệt rõ tàu cao tốc chở người để làm rõ quy định phải áp dụng liên quan đối với tàu cao tốc có sức chở người đến 12 người.

Tàu cao tốc Côn Đảo Express 36. Ảnh: TL. 

Bổ sung thuật ngữ về hoán cải lớn là hoán cải đối với tàu hiện có mà thay đổi đáng kể kích thước hoặc khả năng chở của tàu (ví dụ như kéo dài tàu bằng cách thêm một phần mới vào thân tàu hiện có) hoặc thay đổi loại tàu (ví dụ như thay đổi từ tàu chở hàng lỏng sang tàu chở hàng khô); Thay đổi kết cấu có ảnh hưởng đến yêu cầu cần thiết liên quan đến phân khoang tàu.

Đồng thời, bổ sung quy định về trường hợp đặc biệt trong hoạt động giám sát kỹ thuật, nếu có loại PTTNĐ, sản phẩm công nghiệp mà trong nước chưa có các quy định áp dụng hoặc quy định của Việt Nam chưa cập nhật so với thông lệ quốc tế, Cục ĐKVN nghiên cứu, báo cáo Bộ GTVT để áp dụng các quy định, tiêu chuẩn của các tổ chức đăng kiểm quốc tế là thành viên của Hiệp hội các tổ chức phân cấp quốc tế (IACS) hoặc tổ chức chứng nhận được các quốc gia có tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến thừa nhận (các quốc gia là thành viên của G7, EU, các quốc gia UK, Úc, Newzealand, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga) hoặc áp dụng các quy định của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật của tàu biển.

Theo Ban soạn thảo, bổ sung quy định này nhằm tạo thuận lợi trong việc áp dụng các quy định hiện có trong nước cũng như các quy định của nước ngoài bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam và thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, quy chuẩn cũng bổ sung nhiều quy định mới trong quy định chung về phân cấp như: Kiểm tra phân cấp tàu không có kiểm tra của đăng kiểm trong đóng mới; Tàu chuyển cấp từ tàu đang được đăng ký là tàu biển Việt Nam về PTTNĐ; Kiểm tra sản phẩm công nghiệp.

Đối với các quy định về thân tàu; hệ thống máy tàu; trang bị điện; phòng, phát hiện và chữa cháy; vật liệu hàn; ổn định nguyên vẹn; mạn khô; trang bị an toàn; ngăn ngừa ô nhiễm tàu, quy chuẩn mới cũng được rà soát, chỉnh lý, cập nhật, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn và thông lệ quốc tế theo hướng chi tiết, rõ ràng hơn để dễ áp dụng khi triển khai…/.

Mai Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực