Cà Mau: Đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn giao thông năm 2024

Thứ tư, 13/03/2024 13:56
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu 100% cơ quan báo chí của tỉnh Cà Mau đều có chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng, chống tác hại của rượu, bia; 80% trường học từ bậc học trung học cơ sở được giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, tuyên truyền hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn…

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Theo đó, các cơ quan báo chí, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, hệ thống truyền thanh cơ sở, cổng, trang thông tin điện tử và các nền tảng xã hội của các cơ quan báo, đài; của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và tuyên truyền phòng, chống tác hại của rượu, bia. Cách ứng xử văn hóa, xử lý tình huống khi tham gia giao thông, vận động xây dựng “văn hóa giao thông” cho mọi người tham gia giao thông, người kinh doanh vận tải và người thi hành nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đấu tranh lên án các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; giới thiệu các mô hình, bài học kinh nghiệm trong công tác đảm bảo an toàn giao thông tại các địa phương trong nước và các nước trên thế giới.

Cà Mau đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tác hại của rượu, bia, cách ứng xử văn hóa, xử lý tình huống khi tham gia giao thông. Ảnh: TL

Kế hoạch cũng nêu rõ tuyên truyền các quy tắc giao thông, việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng; hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông; phổ biến tuyên truyền về mức xử phạt, hình thức xử phạt khi vi phạm giao thông, những hậu quả sức khỏe, gánh nặng bệnh tật, gánh nặng kinh tế, gánh nặng cho xã hội, di chứng do tai nạn giao thông gây ra.

Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc phương tiện “xanh” (như xe đạp, đi bộ) nhằm tránh ùn tắc và tai nạn giao thông. Tuyên truyền các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường thủy, trong hoạt động chở khách du lịch, chở khách trên sông; chủ phương tiện, người lái phương tiện đường thủy (có chứng chỉ điều khiển phương tiện; kiểm định định kỳ an toàn kỹ thuật phương tiện; áo phao, dụng cụ nổi cá nhân...).

Cách ứng xử văn hóa giao thông hàng không, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn, an ninh hàng không và các dịch vụ có liên quan; hình thức xử lý các trường hợp vi phạm, cố tình vi phạm an toàn hàng không. Tác hại của uống rượu, bia khi tham gia giao thông; các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; vận động hạn chế uống rượu, bia và không điều khiển phương tiện giao thông, vận hành máy móc sau khi uống rượu, bia; tuyên truyền mọi người dân “đã uống rượu, bia - không lái xe”. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số và khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh.

Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu 100% cơ quan báo chí của tỉnh (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử) đều có chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng, chống tác hại của rượu, bia; 100% đài truyền thanh cơ sở tổ chức tiếp sóng và có nội dung thông tin tuyên truyền về an toàn giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp với địa phương; 80% trường học từ bậc học trung học cơ sở được giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, tuyên truyền hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn; 100% đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô được tuyên truyền kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp cho các lái xe./.

Diễm Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực