Cần cân nhắc việc hạ độ tuổi của người lái xe gắn máy khi tham gia giao thông

Thứ hai, 04/12/2023 09:16
(ĐCSVN) – Đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề cập đến việc hạ độ tuổi của người lái xe gắn máy và cho rằng cần cân nhắc sửa quy định này trong dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Ảnh: QH

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Phát biểu tranh luận tại Hội trường Quốc hội, đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề cập đến việc hạ độ tuổi của người lái xe gắn máy…Đại biểu Thái Thị An Chung cho biết, thực tế đối với xe gắn máy, chúng ta cũng xác định đây là một loại phương tiện giao thông cơ giới. Việc đủ điều kiện về thể chất chỉ là một phần trong vấn đề điều khiển xe gắn máy khi tham gia giao thông. Theo đại biểu, điều quan trọng nhất chính là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

“Do vậy, nếu như chúng ta hạ độ tuổi của người điều khiển xe gắn máy xuống độ tuổi 13, 14 tức là độ tuổi đang học trung học cơ sở thì các em chưa đủ điều kiện về nhận thức cũng như ý thức trong vấn đề tham gia giao thông. Như vậy rất tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, theo quy định của luật hiện hành cũng như dự thảo luật chúng ta đang dự kiến, có quy định người đủ 16 tuổi trở lên thì được điều khiển xe gắn máy. Nhưng thực tế lâu nay xã hội cũng như phụ huynh vẫn cứ hiểu rằng học sinh bắt đầu bước vào trung học phổ thông thì đều có thể là sử dụng xe gắn máy. Do vậy, cần cân nhắc sửa quy định này”, đại biểu nêu quan điểm.

Tranh luận với nội dung về quy định người lái xe mô tô hai bánh, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô, xe gắn máy chỉ được chở một người, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết: Hiện nay trẻ em được chăm sóc kỹ càng, dưới 14 tuổi các em đã lớn rồi, nên đề nghị ban soạn thảo cân nhắc lại việc mà người thứ hai ngồi trên xe chứ không phải hạ tuổi lái xe xuống.

 Các đại biểu thảo luận tại Hội trường Quốc hội. Ảnh: QH

Liên quan đến nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, việc quy định nghiêm cấm tuyệt đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Chính phủ đã có ý kiến giải trình hợp lý. Theo đó, quy định này nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông, hạn chế thấp nhất các tai nạn giao thông quan trọng.

Trên thực tế, việc xử lý quyết liệt vi phạm liên quan đến nồng độ cồn có tác dụng tích cực nhất định về thay đổi ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, quy định này cũng có phần chưa phù hợp dưới góc độ văn hóa, tập quán sinh hoạt của người Việt Nam, cũng như góc độ sinh học… Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng quy định này trên cơ sở đảm bảo yêu cầu thực tiễn, các căn cứ khoa học, đảm bảo tính khả thi.

Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng, Quốc hội quyết định các vấn đề phải dựa trên bằng chứng khoa học, kết luận khoa học của các cơ quan có thẩm quyền, không thể quyết định dựa trên cảm tính hoặc theo dư luận.

Qua nghiên cứu hồ sơ dự án luật Phòng chống tác hại của rượu bia, đại biểu cho rằng, hồ sơ không có tài liệu của cơ quan có thẩm quyền khẳng định bằng chứng khoa học cho quy định này. Hơn nữa, không nên cấm các hành vi liên quan đến nét đẹp văn hóa của nhân loại. Không nên đưa ra các quy định hạn chế, gây ảnh hưởng đến việc hành nghề của các ngành nghề khác, trong trường hợp này là các nghề liên quan đến y học dân tộc.

Đại biểu cho rằng bằng chứng và căn cứ khoa học sẽ là nền tảng cơ bản, chắc chắn cho những quy định đúng đắn. Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời chính thức cho Quốc hội về căn cứ khoa học, bằng chứng khoa học làm cơ sở cho quy định này.

KN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực