Kon Tum: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TTATGT

Thứ ba, 08/08/2023 00:25
(ĐCSVN) - Việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ cấp bách và thiết thực của các cơ quan nhà nước và cộng đồng. Để thực hiện được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và đông đảo người dân tham gia giao thông. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum sẽ góp phần vào sự an toàn, hạnh phúc và thịnh vượng của địa phương, đất nước.

Trật tự an toàn giao thông là trạng thái xã hội có trật tự được hình thành và điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông, vận tải công cộng mà mọi người tham gia giao thông phải tuân theo, nhờ đó đảm bảo cho hoạt động giao thông thông suốt, trật tự, an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông, gây thiệt hại về người và tài sản. Trật tự an toàn giao thông không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, mà còn liên quan đến sự ổn định chính trị, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, trong những năm qua, tình hình trật tự an toàn giao thông đã được cải thiện đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều những khó khăn và thách thức, cần được quan tâm và giải quyết triệt để.

Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Kon Tum: Từ ngày 16/12/2022 đến ngày 15/6/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 34 vụ tai nạn giao thông (04 vụ rất nghiêm trọng, 29 vụ nghiêm trọng, 01 vụ ít nghiêm trọng) làm chết 37 người, làm bị thương 29 người. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 02 tiêu chí (tăng 03 người chết, tăng 08 người bị thương, không tăng không giảm số vụ). Các vụ tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu do vi phạm quy tắc giao thông của người tham gia giao thông, chiếm tỷ lệ cao nhất là do điều khiển xe không đúng quy định; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông; lấn làn, vượt ẩu; không giữ khoảng cách an toàn; điều khiển xe ở tốc độ cao; sử dụng rượu bia khi lái xe; không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy… Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khách quan như: Tình trạng quá tải của hạ tầng giao thông; chất lượng công trình giao thông không đảm bảo; thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về giao thông; thiếu sót trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm…

Vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 03/5/2023 tại ngã tư đường Bà Triệu- Phan Đình Phùng (thành phố Kon Tum) làm một người tử vong 

Trước tình hình trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum đã có các văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp, các cơ quan đoàn thể triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp về quản lý nhà nước về trật tự giao thông như: Triển khai Năm An toàn giao thông với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, các cơ quan liên quan và các địa phương của tỉnh Kon Tum tập trung tuyên truyền các giải pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tổ chức ra quân, mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội xuân năm 2023; kiểm tra, phát hiện, xử lý các điểm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông, các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ...

Về kết quả công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, các lực lượng chức năng đã phát hiện 11.945 trường hợp vi phạm (so với cùng kỳ năm 2022 tăng 3.115 trường hợp), tạm giữ 5.109 phương và 6.230 giấy tờ các loại, phạt tại chỗ 606 trường hợp. Cơ quan chức năng phạt tiền 10.248 trường hợp với số tiền trên 16 tỷ đồng, phạt cảnh cáo 467 trường hợp, tước GPLX có thời hạn 1.590 trường hợp.

Đáng chú ý, trong công tác tuần tra, xử lý theo các chuyên đề, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 2.425 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông (tăng 1.953 trường hợp so với kỳ năm 2022); 78 trường hợp vi phạm chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ; 136 phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành; 670 phương tiện vi phạm về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; 2.275 trường hợp vi phạm tốc độ (so với cùng kỳ năm 2022 tăng 1.587 trường hợp); 124 trường hợp xe mô tô vi phạm lỗi lạng lách, đánh võng trên đường (tăng 75 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022).

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn một số hạn chế như: Tình hình tai nạn giao thông trong 06 tháng đầu năm 2023 diễn biến phức tạp hơn so với cùng kỳ năm trước; Ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông còn chưa cao; Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông có lúc có nơi còn hạn chế về nội dung, phương thức và hiệu quả.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do: Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đôi lúc còn thiếu sự thống nhất và hiệu quả; Hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn thiếu sót, chưa đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Hệ thống thông tin quản lý giao thông còn lạc hậu, chưa được liên kết và cập nhật các thông tin về trật tự an toàn giao thông.

Đồng chí Y Ngọc - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum và các thành viên Ban ATGT tỉnh tại một cuộc họp

Để khắc phục những bất cập và vấn đề trên, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội cũng như các chính sách và biện pháp hiệu quả để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ban An toàn giao thông tỉnh đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào các quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải…

Hai là, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông. Bảo đảm và tiếp tục nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng… Nâng cấp và mở rộng hạ tầng giao thông, cải thiện chất lượng đường bộ, cầu đường, bến bãi,… để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu giao thông.

Ba là, tăng cường công tác giáo dục và tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông cho mọi đối tượng, nhất là người điều khiển xe máy, xe ô tô, học sinh, sinh viên, người lao động trong các doanh nghiệp vận tải,… Sử dụng đa dạng các phương tiện truyền thông, như báo chí, đài phát thanh, truyền hình, internet,… để nâng cao nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông về việc chấp hành pháp luật và bảo vệ mình và người khác trên đường. Đồng thời, tổ chức các hoạt động thi đua, khen thưởng, vinh danh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cũng như xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bốn là, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông. Kiểm tra, kiểm soát phải được thực hiện liên tục, đồng bộ, có kế hoạch và phương án cụ thể. Xử lý vi phạm cần được thực hiện công khai, minh bạch, kịp thời và có tính răn đe; kịp thời ghi nhận và cập nhật vào hệ thống thông tin quản lý giao thông.

Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông, như xây dựng cơ sở dữ liệu về giao thông, triển khai hệ thống camera giám sát trật tự an toàn giao thông, sử dụng phần mềm quản lý xe cơ giới… Tăng cường xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin quản lý giao thông; hệ thống giám sát, điều khiển và cảnh báo giao thông. Hệ thống thông tin quản lý giao thông cần được liên kết với các cơ quan chức năng trong và ngoài tỉnh; được cập nhật liên tục và chính xác các thông tin về trật tự an toàn giao thông. Quan tâm trang bị các thiết bị hiện đại và tiên tiến để các hệ thống được vận hành ổn định và hiệu quả.

Sáu là, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông. Việc phối hợp phải được thực hiện đồng bộ, thường xuyên và hiệu quả; có sự phân công rõ ràng trách nhiệm và quyền hạn của từng bên. Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,… trong việc tham gia giáo dục và tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông trong cộng đồng.

Trật tự an toàn giao thông là một vấn đề quan trọng, liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội của địa phương và đất nước. Việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ cấp bách và thiết thực của các cơ quan nhà nước và cộng đồng. Để thực hiện được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và đông đảo người dân tham gia giao thông. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum sẽ góp phần vào sự an toàn, hạnh phúc và thịnh vượng của địa phương, đất nước.

Hoàng Phúc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực