Hà Nội đề xuất bổ sung tuyến giao thông thuỷ phục vụ du lịch dọc sông Hồng

Thứ sáu, 08/12/2023 15:49
(ĐCSVN)- Hà Nội bổ sung tuyến giao thông thủy phục vụ du lịch dọc sông Hồng. Đây là thông tin trong Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 HĐND thành phố Hà Nội thông qua sáng ngày 8/12.

Đồ án, thành phố phía Bắc Hà Nội sẽ gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn với tổng diện tích 633 km2. Thành phố phía Bắc sẽ là đô thị hiện đại, thông minh, năng động, khai thác phát huy tối đa tiềm năng của sân bay Nội Bài, vị trí giao thoa giữa trục kinh tế Đông - Tây và Bắc Nam của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Tại Đồ án, Hà Nội mở rộng không gian phát triển đô thị khu vực phía đông huyện Gia Lâm và phát triển khu vực này theo hướng đô thị nén, cao tầng với bán kính khoảng 0,5-1 km xung quanh khu vực ga đường sắt đô thị.

Khách tham gia tour du lịch sông Hồng do Công ty CP Thăng Long GTC tổ chức. Ảnh: Hoài Nam 

Theo Đồ án, vị trí, phạm vi, quy mô cụ thể sẽ được cơ quan tư vấn chuyên ngành nghiên cứu báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định. Thời gian dự kiến đầu tư xây dựng sân bay thứ 2 vào năm 2040, đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2050. Kết nối phát triển sân bay phía Nam với đô thị Phú Xuyên được quy hoạch theo mô hình đô thị sân bay, để hình thành trung tâm đầu mối dịch vụ vận tải tổng hợp về đường không, đường sắt (đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị), đường thủy (sông Hồng), đường bộ (cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, Quốc lộ - Tây Bắc, Quốc lộ 1, trục phía Nam), trở thành đầu mối giao thông quan trọng của vùng phía Bắc, đô thị cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội.

Dự trữ hành lang phát triển các trục phía Nam, đường sắt đô thị nối từ trung tâm ra sân bay phía Nam và trục giao thông liên kết Đông-Tây để phát huy lợi thế của đầu mối giao thông quan trọng phía Nam.

Mô hình phát triển đô thị của Hà Nội là chùm đô thị, đa cực, đa trung tâm, gồm: Đô thị trung tâm: (gồm Đô thị phía Nam sông Hồng; Đô thị Long Biên, Gia Lâm. Thành phố phía Bắc thuộc Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn). Thành phố phía Tây gồm đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Xuân Mai, các đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên, thị trấn sinh thái và thị trấn.

Ven sông Hồng hiện đang có nhiều điểm du lịch văn hoá thu hút du khách. Ảnh: ITN

Hệ thống đô thị phân cách bằng các hành lang liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai hướng tâm. Hệ thống nông thôn phát triển theo chương trình nông thôn mới, hình thành các cụm công nghiệp văn hóa gắn với phát triển làng nghề truyền thống, phát triển kinh tế phục vụ du lịch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị gắn với chuỗi dịch vụ phục vụ đô thị và xuất khẩu".

Theo định hướng quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ, Quy hoạch chung Thủ đô bổ sung thêm các tuyến đường bộ kết nối với các tỉnh, thành phố lân cận và các tuyến cao tốc đô thị, đường sắt trên cao, đường trục đô thị kết nối đô thị trung tâm với cảng hàng không quốc tế Nội Bài và cảng hàng không thứ 2.

Với định hướng quy hoạch mạng lưới đường thủy, Hà Nội đề xuất bổ sung tuyến giao thông thủy du thuyền trên sông phục vụ du lịch hành trình văn hóa di sản từ Đền Hùng - Sơn Tây - Hoàng Thành - Cổ Loa - Phố Hiến.

Hà Nội cũng đề xuất xây dựng hành lang tàu thủy buýt dọc sông Hồng, kết nối hai bên bờ sông Hồng, vừa là phương tiện giao thông vừa là hành trình kết nối di sản văn hóa; chú trọng khai thác cảnh quan, không gian mở và du lịch văn hóa dọc sông./.

Nguyên Nhung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực