Sáng tạo, hiệu quả từ “Phiên tòa giả định” trong giáo dục về an toàn giao thông

Thứ hai, 11/12/2023 08:38
(ĐCSVN) – Đó là khẳng định của các chuyên gia tại Chương trình Tìm hiểu pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định” do Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cùng một số đơn vị liên quan phối hợp tổ chức ngày 9/12, tại Hà Nội.
 
Thẩm phán Nguyễn Đình Tiến - Phó Chánh Toà Hình sự, TAND TP Hà Nội đã phân tích thấu đáo căn cứ theo các quy định của pháp luật. Ảnh: TL 

Chương trình tìm hiểu pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định” là minh chứng rõ nét cho việc chủ động vào cuộc của TANDTC, nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới và Chương trình phối hợp số 204/CTPH-TANDTC-UBATGTQG ngày 05/7/2023 giữa TANDTC và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đặc biệt là Chương trình sự kiện đã bám sát chủ đề Năm An toàn giao thông 2023 “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hoá giao thông an toàn”.

Tại chương trình, các học sinh sinh viên và người lao động đã được theo dõi clip từ “Mô hình phiên tòa giả định”. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa các thủ pháp nghệ thuật hình ảnh truyền hình và tương tác thực tế.

Từ hồ sơ các vụ án, dàn dựng nhiều thể loại video clip tình huống thể hiện hành vi vi phạm của các bị cáo, đồng thời dàn dựng lại diễn biến của các phiên tòa xét xử nhằm giúp các học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò của Viện Kiểm sát, Tòa án, Hội thẩm nhân dân, Luật sư trong các vụ án.

Mỗi clip là một tình huống pháp pháp luật, cùng với đó, các Thẩm phán phân tích các hành vi vi phạm của bị cáo, các quy định của pháp luật liên quan để áp dụng hình phạt cho bị cáo; căn cứ áp dụng những tình tiết giảm nhẹ, hay tăng nặng đối với hành vi của bị cáo trong vụ án?

Giải đáp các vấn đề này, Thẩm phán Nguyễn Đình Tiến - Phó Chánh Toà Hình sự, TAND TP Hà Nội đã phân tích thấu đáo căn cứ theo các quy định của pháp luật.

Về “Tình tiết giảm nhẹ”, Thẩm phát Tiến cho hay, tình tiết giảm nhẹ được hiểu là người có thân thân tốt, khai báo thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại một phần cho bị hại. Gia đình bị hại có đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo, hay bị cáo phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.

Các em học sinh trả lời câu hỏi và tìm hiểu về  bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định”. Ảnh: TL

Theo chuyên gia đánh giá, “Phiên tòa giả định” là cách làm sáng tạo, hiệu quả, sát thực tế của nhiều địa phương. Cùng với các hình thức truyền thông, giáo dục pháp luật trực tiếp tại các trường học, cộng đồng dân cư, hoạt động tuyên truyền bằng hình thức này đã tạo chuyển biến mới trong công tác tuyên truyền pháp luật cho nhiều đối tượng trong tình hình hiện nay.

Các chuyên gia tin tưởng trong thời gian tới, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống TAND cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và các cơ quan liên quan, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tạo dựng môi trường văn minh, an toàn./.

 

 

 

KT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực