Kon Tum chủ động phòng chống cháy rừng

Chủ nhật, 05/05/2024 08:02
(ĐCSVN) - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết, trong những ngày qua, do diễn biến bất thường của thời tiết, nắng nóng kéo dài, khô hạn khiến nhiều địa phương có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm.
Hanh khô, nắng nóng kéo dài khiến nhiều diện tích cây trồng ở Kon Tum bị chết. (Ảnh: kontum.gov) 

Các huyện Ia H'Drai, Đăk Hà, Đăk Tô, Kon Rẫy, Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Glei (gồm các xã Đăk Long, Đăk Môn, Đăk Kroong, thị trấn Đăk Glei), Tu Mơ Rông (gồm các xã Đăk Na, Đăk Sao, Đăk Rơ Ông, Đăk Tờ Kan, Đăk Hà) và thành phố  Kon Tum có nguy cơ cháy ở cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm.

Khu vực các huyện Kon Plông, Đăk Glei (gồm các xã Mường Hoong, Ngọc Linh, Đăk Choong, Xốp, Đăk Man, Đăk Pék, Đăk Plô, Đăk Nhoong), Tu Mơ Rông (gồm các xã Tu Mơ Rông, Văn Xuôi, Ngọc Yêu, Ngọc Lây, Tê Xăng, Măng Ri) có nguy cơ cháy ở cấp IV - cấp nguy hiểm.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết như hiện nay luôn tiểm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng, các đơn vị, địa phương của tỉnh Kon Tum đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Các địa phương đều xây dựng kế hoạch tăng cường bảo vệ rừng, trong đó đảm bảo công tác phòng, chống cháy rừng, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị triển khai hiệu quả phương án 4 tại chỗ khi có cháy rừng xảy ra. Xác định phương châm phòng là chính, các cán bộ Kiểm lâm phụ trách địa bàn luôn chú trọng công tác kiểm tra, giám sát tại các khu vực trọng điểm cháy; quản lý, hướng dẫn chặt chẽ người dân đốt dọn nương rẫy đúng thời điểm, không để cháy lan sang khu vực có rừng. Đồng thời, hướng dẫn các chủ rừng thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy rừng đảm bảo. Tại các địa phương, đã chủ động phân công lịch trực phòng cháy chữa vào mùa khô từ sớm, chỉ đạo bộ phận chuyên môn thường xuyên tuần tra, canh gác để kịp thời báo cáo tình hình.

Trước tình hình trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đề nghị Uỷ ban Nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là các vùng trọng điểm cháy rừng; kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào rừng, cấm các hoạt động đốt dọn nương rẫy, đốt xử lý thực bì, đốt giảm vật liệu cháy trong rừng; bố trí trực phòng cháy, chữa cháy rừng, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực, phương tiện để ứng cứu kịp thời khi xảy ra cháy rừng. Các đơn vị chủ rừng, các đơn vị trồng cao su trên đất lâm nghiệp phân công trực canh gác các khu vực trọng điểm cháy rừng 24/24 giờ trong ngày; khi xảy ra cháy rừng, phải huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay đám cháy, không để cháy lan trên diện rộng.

Đồng thời, để phòng, chống cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Tổ công tác liên ngành quản lý bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện chỉ đạo Tổ công tác liên ngành quản lý bảo vệ và phát triển rừng cấp xã và các chủ rừng theo chức năng nhiệm vụ tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt trên các vùng trọng điểm cháy, đảm bảo 24/24h trong ngày, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào rừng, cấm các hoạt động đốt dọn nương rẫy, thực bì, đốt giảm vật liệu cháy trong rừng.

Cùng với đó là tham mưu chính quyền địa phương thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; các đơn vị chủ rừng thực hiện Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Thông tin cảnh báo liên tục, kịp thời cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn, bố trí trực phòng cháy, chữa cháy rừng, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực, phương tiện để ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Khi xảy ra cháy rừng, phải huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay đám cháy, không để cháy lan trên diện rộng; nếu đám cháy vượt quá tầm kiểm soát phải báo cáo ngay về Ban chỉ đạo cấp tỉnh để được hỗ trợ kịp thời.

Trong đó, lưu ý chú trọng thực hiện nghiêm túc công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, bố trí lực lượng trực phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định; tăng cường tuần tra, kiểm tra tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, kịp thời phát hiện và xử lý đám cháy ngay từ ban đầu; trường hợp đám cháy vượt quá khả năng kiểm soát của cơ sở, báo cáo về Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo (Chi cục Kiểm lâm) để tham mưu cấp có thẩm quyền huy động lực lượng ứng cứu kịp thời. Quan điểm là phát hiện kịp thời, ngăn chặn từ sớm và có hiệu quả, hạn chế thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra.

Tăng cường đôn đốc việc phát, thu gom vật liệu cháy, bổ sung biển báo cấm lửa, biển báo cấm chặt phá, cấm chăn thả gia súc, cấm các hoạt động sản xuất nương rẫy (đặc biệt chú trọng tại các khu vực rừng trồng đang trong thời kỳ chăm sóc; các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng).

Thường xuyên theo dõi, tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị và trực phòng cháy chữa cháy rừng của các đơn vị chủ rừng đảm bảo theo quy định, nhất là đối với các vùng có nguy cơ cháy rừng cao. Theo dõi thông tin về thời tiết và các hiện tượng thời tiết cực đoan để có giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng phù hợp. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia ứng cứu, chữa cháy... khi có cháy rừng xảy ra.

Khi có các vi phạm Luật Lâm nghiệp và cháy rừng xảy ra, tổ chức kiểm tra, xác minh, xác định rõ nguyên nhân, các đối tượng vi phạm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan khi để các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp và cháy rừng xảy ra nhưng không kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Người đứng đầu các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm chính đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý./..

Bảo Châu (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực