|
Sửa Luật PPP góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án cao tốc trọng điểm. (Ảnh minh họa: TL) |
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), tính đến trước thời điểm Luật PPP ban hành (năm 2020), cả nước đã huy động gần 319.000 tỷ đồng đầu tư 140 dự án giao thông theo phương thức PPP, hình thức hợp đồng BOT.
Các dự án PPP đưa vào khai thác góp phần mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời từng bước hiện thực hóa Nghị quyết số 13-NQ/TW của Đảng, với trọng tâm là phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt ưu tiên nguồn lực cho hạ tầng giao thông.
Dù vậy, sau khi Luật PPP chính thức có hiệu lực vào năm 2021, số lượng dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo phương thức này có xu hướng giảm. Tình trạng này đã đặt ra nhu cầu cấp thiết cần sửa đổi Luật PPP để tháo gỡ “điểm nghẽn” cho các nhà đầu tư.
Dự án sửa đổi Luật PPP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì xây dựng. Trong dự thảo trình Quốc hội, Bộ KH&ĐT đã đưa ra giải pháp đối với các dự án phải chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, cơ chế hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước (NSNN) cho các dự án PPP đã đưa vào khai thác nhưng gặp khó khăn tài chính hay các điều kiện chuyển tiếp trong quá trình áp dụng Luật vẫn chưa được quan tâm đưa vào dự thảo Luật dù đã được nhiều Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kiến nghị.
Là một trong những dự án cao tốc trọng điểm đầu tiên tại vùng núi Đông Bắc của đất nước, sau 5 năm đi vào khai thác, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn ghi nhận doanh thu thu phí chỉ đạt 32% phương án tài chính ban đầu, dẫn đến thâm hụt dòng tiền hoàn vốn của Dự án vì những nguyên nhân khách quan không xuất phát từ nhà đầu tư.
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, trong quá trình khai thác Dự án Bắc Giang - Lạng Sơn, kết hợp với việc tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 (đoạn Km 1+800 - Km 106+500) theo hình thức hợp đồng BOT, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc xem xét khả năng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các dự án BOT đang khai thác, trong bối cảnh sửa đổi Luật PPP.
Cũng liên quan dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đưa nội dung này vào dự thảo Luật PPP sửa đổi để trình Quốc hội xem xét. Mục tiêu là tạo cơ sở pháp lý cho việc hỗ trợ một số dự án theo hình thức hợp đồng BOT.
Ngoài ra, giao Văn phòng Chính phủ tham mưu cho Thủ tướng để xây dựng báo cáo trình Chủ tịch Quốc hội về nội dung này, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Về mức độ hỗ trợ, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để tính toán và xác định cụ thể, đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm tối đa, tránh lãng phí nguồn lực nhưng vẫn hỗ trợ hiệu quả cho các dự án, góp phần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông.
Tại buổi làm việc với tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng ngày 14/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh lên tiếng về vướng mắc thực tế tại dự án Bắc Giang - Lạng Sơn, xác định Luật là để gỡ vướng, thúc đẩy phát triển chung của đất nước. Cũng trong chuyến này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc rút ngắn quy trình, giảm bớt rào cản không cần thiết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Cũng tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nêu, việc đầu tư các dự án theo phương thức PPP không chỉ tiết kiệm Ngân sách Nhà nước để đầu tư cho những dự án khác mà còn không phải bỏ ra chi phí, thời gian và nhân lực trong vận hành, duy tu bảo dưỡng các công trình khi đi vào khai thác.
Trao đổi với báo chí, PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) khẳng định, nếu những bất cập trong Luật PPP hiện hành không được giải quyết triệt để, các cam kết đồng hành của lãnh đạo Nhà nước với các doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia đầu tư, tháo gỡ những dự án khó khăn, đình trệ sẽ trở nên mất ý nghĩa. Một số doanh nghiệp đã quyết tâm vừa làm vừa tháo gỡ mà không khiếu kiện, đặt niềm tin vào việc hệ thống pháp luật sẽ dần được hoàn thiện. Tuy nhiên, đến nay, thực trạng "đâu vẫn vào đấy" khiến kỳ vọng này chưa được đáp ứng.
Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư. Nhiều dự án lẽ ra có thể triển khai theo hình thức PPP lại bị chuyển sang đầu tư công, dẫn đến lãng phí nguồn lực và đi ngược lại mục tiêu thu hút đầu tư xã hội hóa.
Phát biểu tại nghị trường 6/11, Đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, nhận định một số nội dung sửa đổi được các nhà đầu tư rất quan tâm, trong đó bao gồm bổ sung nguồn vốn Nhà nước để xử lý rủi ro giảm doanh thu của các dự án PPP.
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH Lạng Sơn cho rằng, đối với những dự án BOT đang vận hành đã định lượng được những khó khăn, vướng mắc do nguyên nhân khách quan, không xuất phát từ nhà đầu tư, cần có các giải pháp hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các bên liên quan. “Đề nghị cơ quan soạn thảo Luật cân nhắc và xem xét kỹ hơn để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và cơ quan liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả của phương thức đầu tư PPP,” Đại biểu tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Lưu Bá Mạc nhận định cần điều chỉnh cơ chế chia sẻ phần tăng và giảm doanh thu như quy định tại điều 82 của Luật PPP hiện hành, nhằm áp dụng với các dự án BOT đã ký hợp đồng trước khi Luật PPP có hiệu lực. Điều này giúp xử lý linh hoạt các hợp đồng cũ, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên và phù hợp với thay đổi pháp lý mới./.