Bộ Giao thông vận tải cho biết, kể từ khi Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải có hiệu lực (01/7/2017), công tác quản lý nhà nước về hàng hải đã phát huy được hiệu quả, đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính đối với tàu thuyền vào, rời cảng biển, là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng, triển khai cơ chế một cửa quốc gia đối với tàu thuyền vào, rời cảng biển.
Tuy nhiên, sau hơn 06 năm thực hiện đã phát sinh một số tồn tại, bất cập phát sinh từ thực tiễn và từ chính những quy định của Nghị định cần nghiên cứu, sửa đổi bổ sung cho phù hợp để bảo đảm sự thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật và yêu cầu thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước.
|
Dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải sẽ được điều chỉnh thành dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải. Ảnh: MH
|
Tại dự thảo mới, dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải được điều chỉnh thành dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải để phù hợp với Nghị định số 32/2019 quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Theo đó, dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải bao gồm: Vận hành, bảo trì hệ thống đèn biển, đăng tiêu độc lập (gồm cả nhiệm vụ đột xuất bảo đảm an toàn hàng hải); Vận hành, bảo trì hệ thống luồng hàng hải công cộng (gồm cả báo hiệu chướng ngại vật; kiểm tra thường xuyên đê chắn sóng, đê chắn cát, kè hướng dòng và kè bảo vệ bờ luồng hàng hải, nhiệm vụ đột xuất bảo đảm an toàn hàng hải); Khảo sát, xây dựng và phát hành, cập nhật hải đồ vùng nước cảng biển, luồng hàng hải và tuyến hàng hải.
Dịch vụ cũng bao gồm việc khảo sát định kỳ phục vụ công bố thông báo hàng hải đối với luồng hàng hải công cộng, khu chuyển tải, khu neo đậu, khu tránh, trú bão trong vùng nước cảng biển được giao cho cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về hàng hải thuộc Bộ GTVT quản lý; Thông báo hàng hải; Nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng để đảm bảo độ sâu của luồng theo chuẩn tắc thiết kế.
Việc bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải được giao cho cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về hàng hải thuộc Bộ GTVT quản lý.
Bộ GTVT cũng là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đấu thầu, đặt hàng cho các đơn vị và doanh nghiệp bảo đảm an toàn hàng hải thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm hàng hải, thông tin duyên hải theo quy định.
Về công bố thông báo hàng hải, dự thảo Nghị định mới quy định Cảng vụ hàng hải là đơn vị công bố thông báo hàng hải quy định, còn Cục Hàng hải VN thực hiện công bố thông báo hàng hải về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam.
Hiện nay, doanh nghiệp bảo đảm an toàn hàng hải (BĐATHH) đang được giao thẩm quyền thực hiện 6 thủ tục công bố thông báo hàng hải. Trong khi, các doanh nghiệp BĐATHH là tổ chức đề nghị công bố thông báo hàng hải (TBHH) với phần lớn các loại thông báo hàng hải (là chủ đầu tư hoặc người khai thác). Tuy nhiên, thông báo hàng hải TBHH là một loại thủ tục hành chính, nên để cơ quan quản lý Nhà nước về hàng hải thực hiện nhiệm vụ này. Do đó, việc giao cho hai Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc và miền Nam thực hiện công bố là chưa phù hợp… Vì vậy, cần nghiên cứu để sửa đổi thẩm quyền công bố thông báo hàng hải của Nghị định.
Đối với kết cấu hạ tầng cảng biển tạm thời: cắt giảm các thành phần hồ sơ cần thiết đối với kết cấu hạ tầng cảng biển tạm thời phục vụ mục đích xây dựng công trình, dự án khi công bố đưa vào sử dụng vì các kết cấu này không thực hiện kinh doanh khai thác, chỉ tiếp nhận vật liệu trong quá trình thi công, do vậy không cần thiết phải đầy đủ hồ sơ về chấp thuận nghiệm thu nhà nước, phòng cháy chữa cháy, môi trường, an ninh cảng biển.
|
Chú trọng bảo đảm an toàn hàng hải. Ảnh: Phạm Đức |
Ngày 28/9/2022, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định số 1254/QĐ-BGTVT của phê duyệt Đề án phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam. Để thực hiện Đề án phát triển đội tàu vận tải biển Việt Nam, cần nghiên cứu sửa đổi quy định về sử dụng tàu lai hỗ trợ cho phương tiện thủy nội địa để nâng chiều dài của phương tiện nhằm tăng năng suất hoạt động vận tải.
Thêm vào đó, thực hiện Luật Giao dịch điện tử sửa đổi năm 2023, các quy định liên quan đến thực hiện thủ tục điện tử đối với tàu thuyền cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; bổ sung trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành để bảo đảm cho việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Ngoài ra, để quản lý các công trình thi công nạo vét duy tu, khảo sát cầu bến cảng... không nằm trên luồng hàng hải, dự thảo Nghị định cũng quy định về việc phân loại thông báo hàng hải.
Theo đó, thông báo hàng hải về khu vực thi công công trình trên biển, trong vùng nước cảng biển hoặc trên luồng hàng hải gây ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải, phải công bố thông báo hàng hải về công trình đó theo mẫu quy định.
Đối với các công trình giao cắt với vùng nước cảng biển, luồng hàng hải phải được công bố thông báo hàng hải định kỳ tối thiểu 2 năm/lần, trừ trường hợp có quy định khác./.