Báo chí với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay theo quan điểm Hồ Chí Minh

Thứ bảy, 20/11/2021 11:10
(ĐCSVN) - Báo chí phải ngày càng trở thành lực lượng tiên phong, xung kích truy đến tận gốc, tức là phải xác định, phân loại chủ thể và loại hình của các quan điểm sai trái, thù địch để có biện pháp đấu tranh phản bác phù hợp.

1.  Quan điểm của Hồ Chí Minh về báo chí bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Thứ nhất, vị trí, vai trò của báo chí bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Trong Hội nghị thành lập Đảng ta (tháng 2-1930), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị thông qua các văn kiện quan trọng và quyết định: “Ban Trung ương có thể xuất bản một tạp chí lý luận và ba tờ báo tuyên truyền”[1]. Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã nhận thức tầm quan trọng của báo chí đối với việc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới; báo chí là một mặt trận quan trọng thể hiện là “người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung”. Khi bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi và trực tiếp khảo sát, viết bài, đăng báo và Người trực tiếp thực hiện các khâu trong quá trình làm báo để cho ra đời những ấn phẩm lên án tội ác man rợ của chế độ thực dân, đế quốc, phản ánh tính chiến đấu và thức tỉnh nhân dân thế giới đứng lên đấu tranh giành độc lập.

Báo chí có vai trò và ý nghĩa to lớn trong việc tuyên truyền, định hướng đường lối chính trị của tổ chức Đảng lãnh đạo. Người khẳng định: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”, “chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện”[2]. Trên cơ sở những chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các sản phẩm của báo chí mang đến cho xã hội và nhân dân những định hướng thông tin chính trị, góp phần thấm nhuần đường lối chính trị trong đời sống và xây dựng thế giới quan chính trị, nhân sinh quan chính trị, phương pháp luận khoa học, củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng.

Báo chí là lực lượng xung kích trong đấu tranh chính trị, bảo vệ thành quả cách mạng. Báo chí với sức mạnh: “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ/Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Người cho rằng: “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư… Một tờ báo có ảnh hưởng trong dân chúng rất mạnh, có thể giúp Chính phủ rất nhiều”[3]. Báo chí cách mạng là vũ khí tư tưởng, lý luận của Đảng. Người nói: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”[4]. Trong giai đoạn 1925 - 1945, báo chí đã đấu tranh chống chủ nghĩa quốc gia cải lương, những xu hướng thỏa hiệp, đầu hàng; những sai lầm tả khuynh và hữu khuynh trong nội bộ Đảng và trong các tổ chức quần chúng cách mạng. Báo chí đã trực diện tham gia chống chủ nghĩa tờrốtkít, Người chỉ rõ: “Đối với bọn tờrốtkít, không thể có thỏa hiệp nào, một nhượng bộ nào. Phải dùng mọi cách để lột mặt nạ chúng làm tay sai cho chủ nghĩa phát xít, phải tiêu diệt chúng về chính trị”[5]. Vì vậy, báo chí tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, truyền bá lý luận cách mạng vô sản và tư tưởng cộng sản vào Việt Nam, nâng cao nhận thức chính trị cho giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân.

Thứ hai, mục đích của báo chí bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

 Năm 1931, Tạp chí Cộng sản của Đảng đã khẳng định đường lối của Đảng là: “Mục đích của Đảng chúng ta, kịch liệt công kích những tư tưởng sai lầm, những xu hướng hoạt đầu và biệt phái, để làm cho nền tư tưởng và hành động trong Đảng được nhứt thống”[6]. Những năm 30 của thế kỷ XX đã diễn ra các cuộc khẩu chiến, bút chiến, đấu tranh tư tưởng, lý luận trên báo chí đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, xây dựng và củng cố tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời làm phân hóa các thành phần trong Quốc dân Đảng dẫn đến một số người đã ly khai Đảng, từ chỗ có quan điểm trung lập đã ủng hộ chủ nghĩa Mác và trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương như: Trần Huy Liệu, Tô Hiệu, Trịnh Tam Tỉnh, Tưởng Dân Bảo, Nguyễn Bình,… Họ trở thành người cộng sản chân chính nhưng đã phải trải qua quá trình nhận thức đầy trăn trở, băn khoăn, như hồi ký của đồng chí Trần Huy Liệu cho rằng: “Phải sống với những mâu thuẫn gay gắt, cái cũ xung đột với cái mới, cái cũ chống lại cái mới một cách bướng bỉnh, dẳng dai và cuối cùng cái mới dần lấn đất cái cũ”[7], một quá trình “đến với Đảng không phải bằng con đường bình thản mà khúc khuỷu, gập ghềnh”. Có người chưa thành đảng viên cộng sản như Phạm Tuấn Tài, nhưng tư tưởng đã chuyển hẳn sang chủ nghĩa Mác và Đảng Cộng sản, để lại bản di chúc lịch sử trước khi trút hơi thở cuối cùng.

Hồ Chí Minh cho rằng: “Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo”[8]. Vì mục đích là kháng chiến và kiến quốc, để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thì phải “Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc”[9]. Diễn đàn trên báo chí không chỉ là nơi để nhân dân nói, mà là nơi nói lên tiếng nói phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân. Vì mục đích của báo chí cách mạng cũng là “vì dân”. Vì vậy, trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh luôn định hướng cho báo chí cách mạng phải thức tỉnh quần chúng nhân dân, nâng cao lòng yêu nước, nhận thức đầy đủ và đúng đắn hệ tư tưởng Mác - Lênin và đường lối lãnh đạo của Đảng. Bằng nhiều hình thức khác nhau trong tuyên truyền bằng báo viết tay, báo in li tô, viết ở trong ngục tù hay các vùng nông thôn,… thì mục đích vẫn là động viên nhân dân đứng chung quanh Đảng, ủng hộ Đảng để lợi dụng thời cơ, đấu tranh kẻ địch, giành thắng lợi cách mạng và giữ vững thành quả cách mạng. Chính vì những định hướng của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tờ báo cách mạng có nhiều bài viết đấu tranh chống những luận liệu xảo trá hòng che đậy bản chất bóc lột của thực dân và sự bành trướng của chủ nghĩa phát xít, tuyên truyền đường lối chính trị của Đảng. Năm 1939, Trung ương Đảng đã chỉ rõ: “Cái cốt yếu là phải ra báo bí mật” để trang bị vũ trang tư tưởng cho toàn Đảng và nhân dân. Đánh giá cao vai trò của báo chí trên mặt trận tư tưởng vì “Không đánh tan sức mạnh tuyên truyền phản động của bọn tay sai đế quốc Pháp, bọn Pháp Việt đề huề, bọn quốc gia cải lương, bọn thân Nhật, không gỡ mặt nạ bọn Tờrốtkít bọn khoác áo thầy tu làm đầy tớ cho đế quốc trong dân chúng, thì phong trào phản đế không phát triển được”. Trong giai đoạn cách mạng 1945 đã có gần 40 tờ báo và tạp chí in trong nước như: Việt Nam độc lập, Thanh niên, Cờ Giải phóng; Cứu quốc, Kèn gọi lính... do các cán bộ chủ chốt của Trung ương Đảng, Xứ ủy, Liên Khu ủy và Tỉnh ủy, tiêu biểu là nhà báo Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh... trực tiếp phụ trách. Báo Cờ Giải phóng (10/10/1942 – 18/11/1945), cơ quan tuyên truyền của Đảng có chuyên mục vấn đề xây dựng Đảng, kêu gọi “Hãy gạt bỏ thành kiến mà đi vào đường lối của Đảng, thủ tiêu khẩu hiệu của riêng mình mà theo khẩu hiệu của Đảng. Sự thống nhất của Đảng ở Nam Kỳ, một phần lớn là do thái độ tự phê bình Bônsêvích của các đồng chí ấy mà quyết định. Chúng ta sẽ phạm một tội lớn, nếu trước giờ quyết liệt, chúng ta còn chia rẽ mãi”. Năm 1949, trong thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, Người nêu ra những khuyết điểm của báo chí là “tuyên truyền thì không kịp thời và chính trị suông quá nhiều”, “không biết giữ bí mật”, “đôi khi đăng tin vịt”, “tin quan trọng thì bài ngắn và in chữ nhỏ”, “tin tức chậm”[10].

Khi trả lời câu hỏi: “Báo chí phải phục vụ ai?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới”[11]. Dù là báo chí của Đảng hay của các đoàn thể chính trị - xã hội, trước hết phải là cơ quan tuyên truyền cổ động, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng, là diễn đàn của quần chúng nhân dân về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội. Theo Người, báo chí là người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể để phục vụ nhân dân, báo chí góp phần tác động vào nhận thức xã hội nhằm thay đổi nhận thức theo hướng tích cực để đưa quần chúng vào hoạt động thực tiễn cách mạng. Vì vậy, báo chí không thể đi chệch mục tiêu cao cả của Đảng và dân tộc là “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”[12].

Thứ ba, yêu cầu đối với báo chí và đội ngũ nhà báo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Trách nhiệm chính trị của đội ngũ báo chí được Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chiến sĩ ở các mặt trận thì dùng súng chống địch, các bạn thì dùng bút chống địch”[13]. “Chính vì thế cho nên, tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”[14].  Đội ngũ báo chí có lập trường tư tưởng, chính trị vững vàng thì phải thể hiện bằng hành động qua ngòi bút có tính Đảng, có tính chiến đấu cao. Đội ngũ nhà báo tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng, phải tuyên truyền về giáo dục về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng cho nhân dân. Báo chí phải “giải thích cho dân chúng hiểu rõ”, “giải thích chính sách của Chính phủ”, “bày tỏ nguyện vọng của dân chúng cho Chính phủ biết”, “cổ động dân chúng, huấn luyện dân chúng”, “tổ chức lực lượng của mình”, “kêu gọi toàn dân đoàn kết, hăng hái kháng chiến, tin tưởng về sự thắng lợi”[15].

Báo chí và đội ngũ nhà báo phải tham gia vào việc bảo vệ Đảng, bảo vệ đường lối chính trị của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, đấu tranh chống lại những luận điệu sai sái và các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Người nói chuyện với các nhà báo nước nhà, Người căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”[16], “ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”[17], “cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”[18]. Người yêu cầu nhà báo phải: “Vạch rõ âm mưu, chính sách và những hành động tàn bạo của địch”[19] để có biện pháp đấu tranh cho phù hợp và hiệu quả.

Người đòi hỏi đội ngũ người làm báo phải có phương pháp khoa học trong đấu tranh quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Theo Người, chính vì có nhiều quan điểm, ý kiến trái chiều nhau, nên các nhà báo “đem các ý kiến khác nhau để so sánh kỹ, phân tích kỹ các nội dung của các tầng lớp xã hội có cái ý kiến đó. Tìm ra mối mâu thuẫn trong những ý kiến khác nhau đó. Xem rõ cái nào đúng, cái nào sai”[20]. Làm như vậy sẽ chọn lấy ý kiến đúng, tránh khỏi độc đoán và tránh khỏi sai lầm. Người nhấn mạnh việc đội ngũ nhà báo chớ khư khư giữ theo “sáo cũ”, mà phải: “Luôn luôn phải theo tình hình thiết thực của dân chúng nơi đó và lúc đó, theo trình độ giác ngộ của dân chúng, theo sự tình nguyện của dân chúng mà tổ chức họ, tuỳ hoàn cảnh thiết thực trong nơi đó, và lúc đó, đưa ra tranh đấu”[21].

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Người xác định báo chí phải “lãnh đạo dư luận”, nghĩa là phải định hướng dư luận đúng đắn, lành mạnh, phải “nâng cao tinh thần đấu tranh của nhân dân”. Nhưng Người nhấn mạnh: “Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. Nhưng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hoá nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng”[22]. Là một nhà báo cộng sản, Người yêu cầu những người làm báo phải “gần gụi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực”[23]; phải đảm bảo tính trung thực, tôn trọng sự thật trong mỗi bài báo, bởi vì “có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe”[24]. Vì vậy, trước khi công bố, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, nhà báo phải kiểm tra tính chính xác của thông tin, không được phép xuyên tạc, sai lệch hoặc bóp méo, buộc tội vô căn cứ và bịa đặt thông tin hay phỉ báng, chống lại cơ quan công quyền, đe dọa, dùng lời lẽ ngông cuồng gây thù hằn dân tộc hay tôn giáo, gây mất đoàn kết nội bộ.

Người đặc biệt lên án nhà báo với thói quan liêu, lối viết dài dòng, rỗng tuếch, phóng đại, khô khan, cứng nhắc, mà phải dùng từ thuần Việt, giản dị, ngắn gọn, dễ hiểu, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình. “Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách mách có chứng”[25], nếu hoạt động báo chí có mắc sai sót thì công khai “đăng báo nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa. Nếu phê bình sai, thì đăng báo giải thích”[26]. Trong quá trình xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo khác của Đảng đã kiên quyết đấu tranh chống lại các khuynh hướng tả khuynh và hữu khuynh trong Đảng, xác lập đường lối chính trị đúng đắn. Tác phẩm Tự chỉ trích của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là một mẫu mực về tinh thần tự phê bình và phê bình trong Đảng, cũng là mẫu mực về tinh thần đấu tranh quyết liệt chống lại các luận điệu sai trái. Người làm báo phải: “Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ… thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí”[27].

2. Định hướng hoạt động của báo chí bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Việc vận dụng sáng tạo những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên báo chí có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng phát triển báo chí cách mạng và tìm ra những khuynh hướng, phương cách đấu tranh phòng, chống các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch đang diễn ra một cách đa dạng, nhiều chiều, nhiều lĩnh vực trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại.

Thứ nhất, báo chí tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về nền tảng tư tưởng của Đảng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Báo chí tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước để cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân “ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”[28]. Báo chí tập trung tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội. Các cơ quan báo chí cần tăng cường giáo dục nâng cao trình độ lý luận chính trị, bản lĩnh chính trị, tư cách đạo đức cho các nhà báo để họ có nhận thức đầy đủ, kiên định và vững vàng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Đại hội XIII xác định: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”[29]. Báo chí phải đi đầu trong việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào việc hình thành và từng bước hoàn chỉnh lý luận sự nghiệp đổi mới của Đảng, lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về đổi mới tổ chức và phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới. Công tác tuyên truyền tập trung vào một số vấn đề lớn như: chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tình hình mới; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phát triển kinh tế - xã hội; quảng bá hình ảnh đất nước, con người, thành tựu đổi mới đất nước với nước ngoài; tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; truyền tải kịp thời những phản ánh, tâm tư và nguyện vọng của nhân dân, khích lệ những tấm gương người tốt, việc tốt và phong trào thi đua yêu nước; chống “diễn biến hòa bình”, củng cố lòng tin của nhân dân, giữ vững an ninh, trật tự, góp phần ổn định chính trị của đất nước.

Thứ hai, báo chí là vũ khí tư tưởng, lý luận hàng đầu về đường lối chính trị của Đảng lãnh đạo.

Sự nghiệp báo chí là bộ phận trong sự nghiệp của giai cấp vô sản, do Đảng lãnh đạo, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng chính trị. Người chỉ rõ: “Đảng ta mạnh vì Đảng ta tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, suốt từ trên xuống dưới. Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất”[30]. Lý tưởng, mục tiêu, tôn chỉ của báo chí cách mạng là góp phần vào mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước hùng cường, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Báo chí phải có khuynh hướng tính Đảng đậm nét, có lập trường chính trị kiên định, tính chiến đấu cao, luôn đi tiên phong trong mọi hoạt động tuyên truyền và công tác tư tưởng của Đảng.

Đường lối chính trị của Đảng là vì nhân dân, với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Các cơ quan báo chí và đội ngũ báo chí cũng phải tôn chỉ vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc; sản phẩm của báo chí mang đến cho xã hội những thông tin đáng tin cậy, thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận của nhân dân và phản ánh nguyện vọng của công chúng. Niềm tin của công chúng đối với báo chí là sự tin tưởng vào chất lượng và nội dung thông tin được báo chí đưa ra. Hồ Chí Minh luôn xem công chúng là người thẩm định, đánh giá báo chí qua thái độ tiếp nhận thông tin, nên báo chí phải bám sát cuộc sống xã hội để cung cấp tri thức cho nhân dân, tăng cường sự nhất quán về chính trị, tư tưởng trong nhân dân. Người nói: “Ý kiến bạn đọc là những ý kiến đấu tranh. Cái mới đấu tranh với cái cũ, cái tốt đấu tranh với cái không tốt. Đấu tranh thì phải đấu tranh đến kết quả thắng lợi”[31]. Do vậy, báo chí phải biểu dương gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, lấy “cái đẹp” dẹp “cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, kết hợp giữa “xây” và “chống”, tích cực đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái và các biểu hiện tiêu cực trong xã hội.

Hồ Chí Minh đòi hỏi đội ngũ những người làm báo chí phải biết đặt danh dự cá nhân và uy tín ngòi bút vì Tổ quốc. Điều này đặt ra cho mỗi nhà báo phải thể hiện lập trường, bản lĩnh, xung kích, luôn có tinh thần học hỏi không ngừng, thái độ khiêm tốn; văn phong giản dị, nội dung thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ. Người nói: “có chừng mực, chớ phóng đại, có thế nào nói thế ấy”[32]; “Viết giản dị thôi, và phải đúng sự thật. Không được bịa đặt ra”[33]. Đội ngũ báo chí cần trau dồi và noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức nhà báo cách mạng “nói đi đôi với làm”, “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.

Thứ ba, báo chí là công cụ đắc lực, trực diện đấu tranh và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Hoạt động báo chí với bề dày lịch sử là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, định hướng thông tin chính thống, chống lại luận điệu sai trái thù địch. Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, đã xác định rõ, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Ðó là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, trong đó các cơ quan báo chí tuyên truyền các cấp là nòng cốt. Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng trên báo chí được triển khai ngày càng bài bản, thống nhất, đồng bộ, toàn diện, quyết liệt, đi vào chiều sâu, nhất là trên các trang báo và tạp chí của Đảng.

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ ý đồ chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, luôn toan tính tạo ra “khoảng trống” về tư tưởng, lý luận trong đời sống chính trị - xã hội của nước ta, với âm mưu cơ bản, lâu dài và rất thâm độc là xoay chuyển quỹ đạo phát triển của đất nước ta đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Có một bộ phận kêu gọi phải có một nền báo chí “không biên giới”, tuyệt đối hóa vai trò của báo chí như một “quyền lực thứ tư”, hay là việc khích lệ và khuếch trương cho một thứ dân chủ vô hạn độ với “tính sáng tạo vô biên”, thực dụng để kích động sự vô cương, vô pháp của báo chí, thậm chí có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc, mà chạy theo xu hướng dân túy, vì lợi ích cá nhân. Tình trạng thiếu nhạy bén chính trị, buông rơi chức năng tư tưởng - văn hóa của báo chí, thông tin thiếu chính xác, làm lộ bí mật quốc gia, ảnh hưởng danh dự cá nhân, cơ quan và lợi ích dân tộc. Toàn cầu hóa mang đến nguy cơ “xâm lược chính trị”, những quan điểm, ý kiến, chính kiến được phơi bày trên các phương tiện truyền thông đa phương tiện; những thông tin xô bồ, ác ý, với những âm mưu chống phá chính trị, nhiễu loạn dư luận gây tác động tư tưởng tiêu cực, bất lợi cho sự ổn định chính trị - xã hội là một thực tế đang diễn ra. Việc phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, thông tin số, mạng xã hội, làm cho báo chí phát triển nhanh về quy mô, cơ cấu và loại hình, việc phát tán các quan điểm sai trái, thù địch trở nên rất dễ dàng cho nên báo chí cần tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng là yêu cầu cấp thiết. Do vậy, báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát huy những thành tựu, ưu thế và khắc phục những khó khăn, yếu kém, thách thức để phát triển nền báo chí thực sự là công cụ, vũ khí chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, là phương tiện thiết yếu của xã hội, góp phần quan trọng vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước đối với báo chí để phù hợp với yêu cầu mới, định hướng cho báo chí phát triển lành mạnh, trở thành một lực lực xung kích trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch. Thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII: “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”[34]. Tiếp tục thực hiện tốt nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đồng thời tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Kết luận 53, ngày 04-6-2019, của Ban Bí thư Trung ương tạo cơ chế phối hợp giữa Thông tin và Truyền thông, Tuyên giáo, Công an các đơn vị, địa phương và lực lượng Quân đội góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phản bác, đẩy lùi các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch.

Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã và đang sử dụng hệ thống thông tin ngày càng tinh vi và quyết liệt để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, báo chí phải ngày càng trở thành lực lượng tiên phong, xung kích truy đến tận gốc, tức là phải xác định, phân loại chủ thể và loại hình của các quan điểm sai trái, thù địch để có biện pháp đấu tranh phản bác phù hợp. Lấy bảo vệ là chính, kết hợp với đấu tranh trực diện những âm mưu và thủ đoạn trên báo chí về mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Báo chí cần phát hiện và cảnh báo kịp thời những vấn đề, những điểm nóng chính trị - xã hội, những bức xúc của nhân dân, cung cấp thông tin cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả. Báo chí cần có chiến lược phủ sóng trên không gian mạng, xây dựng những hệ bài chuyên luận và những tuyến bài bảo vệ kết hợp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Báo chí phải nắm chắc dư luận xã hội, phát hiện những “thông tin xấu, độc”, những vi phạm pháp luật, những hoạt động chính trị cá nhân và có tổ chức có dấu hiệu chống đối chính quyền, những biểu hiện kích động, kêu gọi tập trung đông người,… để phản ánh với các cơ quan chức năng xử lý kịp thời nhằm giữ vững kỷ cương pháp luật và đảm bảo ổn định chính trị. Các cơ quan báo chí phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà báo trẻ, cây bút sắc bén sáng tạo những sản phẩm báo chí có giá trị cao trong việc bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng; có khả năng nhận diện, phòng ngừa, đấu tranh phản bác và bẻ gãy có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

------------------------------------------------------

[1] Văn kiện Đảng, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t. 2, tr. 12.

[2] Lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam (1925 - 2010), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr. 46.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 465.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 14, tr. 540.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 3, tr. 167.

[6] Tạp chí Cộng sản, số 1, ngày 11-2-1931.

[7] Hồi ký Trần Huy Liệu, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991. Tr. 155.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 6, tr. 102.

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 6, tr. 102.

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 6, tr. 102-103.

[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 12, tr. 166.

[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 10, tr. 153.

[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 5, tr. 210.

[14] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 12, tr. 166.

[15] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 5, tr. 210.

[16] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 13, tr. 466.

[17] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 5, tr. 157.

[18] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 12, tr. 167.

[19] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 6, tr. 210.

[20] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 5, tr. 337.

[21] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 5, tr. 338.

[22] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 5, tr. 338.

[23] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 6, tr. 102.

[24] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 4, tr. 172.

[25] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 13, tr. 463.

[26] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 13, tr. 463.

[27] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 6, tr. 103.

[28] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 2, tr. 289.

[29] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, t. 1, 146.

[30] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 8, tr. 514.

[31] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 7, tr. 433.

[32] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 8, tr. 206.

[33] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 15, tr. 673.

[34] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, sđd, t. 1, 146.

TS. Lê Trung Kiên, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực