Bài 3: Cần ưu tiên các cảng biến, cụm cảng biến trọng điểm

Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế
Thứ tư, 28/07/2021 17:11
(ĐCSVN) - Hệ thống cảng biển Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên, rất cần ưu tiên cho các cảng biển, cụm cảng biển trọng điểm trong tiến trình hội nhập sâu rộng như hiện nay. Đây cũng là một trong các cách thức hiệu quả nâng cao năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế nước ta.

Bài 2: Tận dụng ưu thế cảng biển trong phát triển kinh tế

Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), năm 2000, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam chỉ đạt gần 82 triệu tấn, đến năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển vẫn duy trì tăng trưởng, đạt hơn 680 triệu tấn (tăng 4% so với năm 2019).

Chú trọng phát triển hạ tầng cảng biển

Hệ thống cảng biển Việt Nam ngày càng quy mô, hiện đại (Ảnh: HNV) 

Sau 20 năm quy hoạch, hệ thống cảng biển Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng, cơ bản đáp ứng được mục tiêu phát triển theo quy hoạch được duyệt.

Đến thời điểm hiện nay, để điều chỉnh hệ thống cảng biển sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa tăng và để đáp ứng vận tải đa quốc gia, Bộ GTVT giao Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị liên quan triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một quy hoạch tổng thể. Đây là một quy hoạch rất cần thiết, tạo cơ sở triển khai các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành như quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước và quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển nhằm đảm bảo hệ thống cảng biển Việt Nam được phát triển liên tục theo một quy hoạch tổng thể và thống nhất trên quy mô cả nước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta hội nhập sâu rộng và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng. Đặc biệt trong quy hoạt cảng biển sắp tới cần ưu tiên phát triển các cảng biển, cụm cảng biển trọng điểm. 

Theo đó, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tận dụng lợi thế vị trí địa lý điều kiện tự nhiên kết hợp khoa học, công nghệ để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam một cạch bền vững, toàn diện, hiện đại, đồng bộ hạ tầng phụ trợ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của toàn hệ thống, góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tới đây, Bộ GTVT sẽ ưu tiên phát triển cảng cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển quốc tế tại Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu; cảng cửa ngõ quốc tế tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với lộ trình phù hợp, tiếp nhận được tàu trọng tải lớn phù hợp xu thế phát triển đội tàu biển thế giới; phát triển các cụm cảng biển có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng gồm: Cụm cảng Hải Phòng, Quảng Ninh; Cụm cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Đông Hồi (Nghệ An); Cụm cảng Đà Nẵng, Quảng Nam, Dung Quất (Quảng Ngãi); Cụm cảng Quy Nhơn (Bình Định) – Vân Phong (Khánh Hòa); Cụm cảng TP Hồ Chí Minh – Cái Mép Thị Vải.

Để phù hợp với điều kiện phân vùng kinh tế - xã hội hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được thu gọn thành 5 nhóm cảng biển gồm: nhóm cảng biển số 1 gồm cảng biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình; Nhóm cảng số 2 từ các cảng biển Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế; Nhóm cảng số 3 gồm cảng biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận; Nhóm cảng biển số 4 gồm cảng biển vùng Đông Nam Bộ và Nhóm cảng số 5 gồm các cảng biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đầu tư phát triển cảng biển trong thời kỳ mới

 Hệ thống cảng biển hiện nay cũng phần nào đáp ứng được mục tiêu phát triển theo quy hoạch (Ảnh: HNV)

Thực tế cho thấy, việc đầu tư phát triển hệ thống cảng biển là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt lên hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Về cơ bản, hệ thống cảng biển Việt Nam hiện nay cũng phần nào đáp ứng được mục tiêu phát triển theo quy hoạch được duyệt, tạo động lực phát triển các khu kinh tế, công nghiệp - đô thị ven biển, đảm bảo tốt việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và vận tải hàng hóa bằng đường biển giữa các vùng miền trong cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Song song với ưu tiên các cảng, cụm cảng trọng điểm, theo kiến giải của các chuyên gia, nhà quản lý trong ngành, việc cải tiến mô hình quản lí cảng biển cũng là một yêu cầu cần thiết. Thực tế, mô hình quản lý cảng biển ở Việt Nam hiện nay đang lạc hậu hơn so với thế giới nên chưa mang lại hiệu quả cao. Hiện tại, hệ thống cảng biển ở Việt Nam đang chủ yếu đầu tư bằng vốn ngân sách. Những năm gần đây, ở phía Nam bắt đầu có tư nhân đầu tư, liên doanh hoặc được đầu tư bằng FDI và sau khi đầu tư xong, Nhà nước lại giao cho doanh nghiệp nhà nước quản lý khai thác, tiền vốn đầu tư cảng biển của Nhà nước không được thu hồi để tiến hành tái đầu tư, dẫn đến thất thoát, lãng phí.

Thêm nữa, do hoạt động đầu tư phát triển cảng biển có đặc trưng đòi hỏi vốn lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, chịu nhiều biến động kinh tế quốc tế, nhất thiết phải xây dựng quy hoạch có tầm nhìn dài hạn. Nếu tầm nhìn của quy hoạch ngắn và năm mục tiêu để lập dự báo gần, quy hoạch được phê duyệt vẫn chỉ mang tính chất phát triển tiếp theo những cảng biển hiện có, dẫn đến tình trạng đầu tư xây dựng cảng manh mún, bị động, đối phó với các nhu cầu phát sinh mà thiếu quy hoạch tầm xa để hoạch định cho những cảng chủ lực hiện đại có sức cạnh tranh cao trong tương lai.

Ngoài ra, nâng cao chất lượng công tác dự báo nhu cầu hàng hóa thông qua các cảng biển quan trọng ở các vùng kinh tế trọng điểm. Chỉ khi tiến hành dự báo đúng nhu cầu hàng hóa, chúng ta mới có thể xây dựng được kế hoạch đầu tư hợp lí. Ngược lại, nếu công tác dự báo lượng hàng hóa thông qua cảng cao hơn nhu cầu thực tế, sẽ dẫn đến tình trạng đầu tư vượt quá nhu cầu cần thiết, gây lãng phí tiền của và tài nguyên đất nước. Hoặc nếu dự báo nhu cầu thấp hơn thực tế, sẽ tiến hành xây dựng nên các cảng biển có công suất không đáp ứng được, dẫn đến tình trạng ứ đọng hàng hóa tại cảng lớn như Cảng Sải Gòn, Cảng Hải Phòng trong thời gian qua. Tiến hành mời các tổ chức tư vấn quốc tế có uy tín tham gia lập, góp ý kiến hoặc phản biện quy hoạch xây dựng cảng biển để đạt được hiệu quả cao trong quá trình xây dựng quy hoạch.

Hơn nữa, việc quy hoạch cảng phải đặc biệt chú ý đến tính kết nối giữa cảng với mạng lưới giao thông khác. Để có được hệ thống vận tải thông suốt, tránh sự rối loạn và ách tắc cho các cảng, phải đặc biệt chú ý kết nối giữa cảng biển với đường bộ, đường sắt và đường thủy. Đồng thời, cũng phải tính toán xây dựng vùng hậu phương rộng lớn cho cảng (vùng nguyên liệu hoặc các khu vực sản xuất hàng hóa) để đảm bảo cung ứng đều đặn và liên tục cho cảng hoạt động, đảm bảo hàng hóa lưu thông, tăng khả năng cạnh tranh với các cảng trong khu vực. Đặc biệt là đường sắt, chúng ta cũng cần phát triển hệ thống đường sắt song hành, vì cảng biển là nơi xuất nhập hàng, còn đường sắt giữ vai trò phân phối và gom hàng trong cả nước, trong khi đó hệ thống đường sắt hiện nay của ta đã lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng nhiều như hiện nay. Do đó, cần tiến hành nâng cấp cải tạo hệ thống đường sắt cũ, đồng thời xây dựng phát triển hệ thống đường bộ để việc vận chuyển hàng hóa từ cảng biển đi các nơi được nhanh chóng và thuận tiện.

Có thể thấy, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hệ thống cảng biển của Việt Nam đã được đầu tư và không ngừng phát triển. Đặc biệt từ sau năm 2007, hệ thống cảng biển nước ta đã có những bước phát triển đột phá. Điều này cho thấy định hướng phát triển cảng biển ở nước ta đang đi đúng hướng, đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh đang diễn ra vô cùng phức tạp, cũng như các xung đột trên thế giới ngày càng căng thẳng, vấn đề đầu tư phát triển cảng biển càng cần phải được xem xét với tầm nhìn chiến lược dài hạn. Việc khắc phục tồn tại, hạn chế của cảng biển thời gian qua và hiện nay sẽ giúp cho hệ thống cảng biển của Việt Nam có những đóng góp tích cực hơn nữa vào tiến trình phát triển chung của đất nước trong giai đoạn tới./.

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực