Ngư dân Quảng Ngãi tích cực vươn khơi, bám biển

Thứ năm, 10/08/2023 11:20
(ĐCSVN) - Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng nhiều hình thức hỗ trợ phù hợp, những năm qua, bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực vươn khơi, bám biển. Qua đó, vừa giúp nâng cao thu nhập của bà con, vừa góp phần khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thêm yên tâm bám biển

Quảng Ngãi là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Tính đến tháng 7/2023, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 4.292 tàu cá với tổng công suất trên 1,7 triệu CV, trong đó, có 3.147 tàu chiều dài từ 15m trở lên khai thác ở vùng khơi. Với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, kinh tế biển đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Ngãi. Thời gian qua, ngoài việc đẩy mạnh chương trình cải hoán, nâng cao công suất tàu thuyền, tỉnh Quảng Ngãi cũng đang xúc tiến chương trình hiện đại hóa nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản với việc đầu tư xây dựng hạ tầng nghề cá; khuyến khích ngư dân phát triển dịch vụ cung cấp nhiên liệu trên biển, nâng cao khả năng bảo quản, sơ chế sản phẩm sau thu hoạch để nâng cao giá trị kinh tế sau mỗi chuyến biển. Cùng với đó, Quảng Ngãi cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để ngư dân tự giác chấp hành đầy đủ các quy định của Luật Thủy sản, chấp hành đầy đủ các quy định về chống khai thác đánh bắt hải sản trái phép; trọng tâm là thực hiện Quyết định số 81/QĐ-TTg ban hành “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4”.

Bên cạnh đó, nhờ các chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhiều ngư dân, nhóm hộ ngư dân được vay vốn, đầu tư đóng mới tàu vỏ thép công suất lớn, thiết bị đi biển, thiết bị khai thác, thiết bị bảo quản hiện đại. Thêm vào đó, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa đã góp phần động viên, khuyến khích ngư dân mạnh dạn vươn ra các vùng biển xa.

Tìm hiểu được biết, trước đây vì nhiều lý do, nhất là thói quen sản xuất, nhiều bà con ngư dân Quảng Ngãi chưa có thói quen ghi nhật ký khai thác, chưa chủ động báo trước 1 giờ trước khi tàu cập cảng, gây khó khăn trong công tác điều hành cũng như việc truy xuất nguồn gốc hải sản. Với việc kiên trì vận động, thuyết phục của cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng các cấp, đến nay cơ bản ngư dân đã nhận thức rõ những lợi ích thiết thực của việc ghi nhật ký khai thác, thông báo lịch tàu cập cảng. Đặc biệt, tại các khu vực có cảng cá, việc xác định nguồn gốc khai thác thuỷ, hải sản đã được thực hiện thuận lợi hơn.

 Các cảng cá đã giúp bà con ngư dân có vị trí tránh trú bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền. Ảnh: Viên Nguyễn.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện đang có 5 cảng cá loại II gồm: Cảng cá Lý Sơn, cảng cá Tịnh Hòa, cảng cá Tịnh Kỳ, cảng cá Mỹ Á và cảng cá Sa Huỳnh. Đây là những cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác, từ đó tạo điều kiện thuận tiện trong hoạt động giao dịch mua bán thủy sản các loại.

Ngư dân Dương Năm ở Thôn Tây, An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) chia sẻ: "Khi chưa có Cảng cá Lý Sơn, mỗi khi biển động hay có mưa bão, bà con ngư dân ở đây luôn vất vả lo chỗ tránh trú; nhiều trường hợp tàu bè còn bị hư hỏng do mưa bão. Nhưng khi cảng cá đi vào hoạt động, tàu bè của bà con đã có chỗ tránh trú an toàn. Có cảng cá, tàu bè ra vào ổn định theo luồng lạch, việc thu mua hải sản của bà con cũng thuận lợi hơn, giá cả ổn định, không còn bị thương lái ép giá. Chính quyền xã, huyện cũng mở nhiều lớp đào tạo kỹ thuật đánh bắt trên biển, cách ướp cá, sơ chế sản phẩm để bảo đảm chất lượng… nên mọi người rất phấn khởi. Hiện nay, bà con thêm yên tâm gắn bó cùng nghề, vươn khơi, bám biển”.

Nỗi lo nhân lực nghề truyền thống…

Hiệu quả hoạt động khai thác thủy sản được nâng cao sẽ giúp ngư dân thêm yên tâm vươn khơi, bám biển. Ảnh: Viên Nguyễn.

Với bà con ngư dân ven biển Quảng Ngãi, đi biển đánh bắt hải sản là nghề truyền thống được ông cha nhiều đời truyền lại. Đó không chỉ là sinh kế với người dân mà còn là niềm tự hào, gắn với Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức hằng năm vào ngày 16/3 âm lịch, tại Đình làng An Vĩnh, huyện Lý Sơn. Song, theo chia sẻ của nhiều ngư dân Quảng Ngãi, hiện nay lực lượng lao động trên các tàu cá đang có xu hướng “già hóa”.

Thực tế, bình quân tuổi của ngư dân tham gia khai thác thủy sản ở Quảng Ngãi đang ngày càng tăng; nhiều tàu, các ngư dân có độ tuổi từ 45 - 55. Nghề đi biển không còn hấp dẫn với người trẻ vì nhiều rủi ro, vất vả mà lương không cao hơn các nghề khác. Điều này đã trực tiếp ảnh hưởng tới hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản. Vì vậy, để thu hút lao động tham gia việc đánh bắt, khai thác biển, cần nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác, tăng thu nhập để bà con ngư dân thêm yên tâm vươn khơi bám biển.

Với phương châm phát triển nghề cá hiệu quả, bền vững, thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi, trực tiếp là ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị tuyên truyền cho bà con hiểu về pháp luật trên biển, hỗ trợ về phương tiện, thông tin, trang thiết bị… Cấp ủy, chính quyền địa phương ở cơ sở sẽ tiếp tục cùng ngư dân kiện toàn, củng cố các tổ đoàn kết sản xuất trên biển để ngư dân nương tựa nhau làm giàu từ biển gắn với tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên biển. Khuyến khích ngư dân đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu cá có công suất lớn để vững vàng vươn khơi bám biển, tăng sản lượng hải sản khai thác. Đồng thời, tăng cường các hình thức, biện pháp hỗ trợ ngư dân thực hiện các quy định để không vi phạm "hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU)", từ đó nâng cao giá trị hải sản, tăng thu nhập cho bà con ngư dân./.

Nguyễn Thị Hoàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực