Cách đây gần 9 năm, ngày 22/4/2012, tôi (khi đó đang là Phó Chủ nhiệm khoa Công tác đảng, công tác chính trị - Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng) cùng đoàn công tác của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt nam có mặt tại Sơn Ca để chuẩn bị cho quá trình hoàn thiện giáo trình huấn luyện chiến đấu cho bộ đội Trường Sa và DK1. Thật may mắn, chỉ ba ngày sau, 25/4, chúng tôi vinh dự được tham gia Lễ kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng đảo Sơn Ca. Là một trong số ít người của đoàn công tác đã nhiều lần ra Sơn Ca song cảm giác của tôi trong chuyến công tác này thật lạ và thật tuyệt vời tưởng như vừa lạc vào một thiên đường giữa đại dương bao la.
|
Tác giả (ngoài cùng, bên phải) cùng đoàn công tác và cán bộ đảo Sơn Ca. |
Sơn Ca, một đảo nhỏ trong xã đảo Nam Yết thuộc Huyện đảo Trường Sa mang tên một loài chim nằm trong nhóm Tứ đại danh ca có giọng hót mê hoặc tuyệt vời và kiểu bay liệng kỳ dị nhất. Sơn Ca hình bầu dục, hẹp chiều ngang nằm dọc theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, dài 450 mét, rộng 102 mét và có thảm thực vật phong phú, đa dạng bậc nhất trong các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa, nhiều hơn cả là Cây bàng quả vuông, Sồi, Phi lao, muống biển, Phong Ba, Bão táp, Nhầu…Trên đảo còn có nhiều đu đủ và các loại cây thân mềm do bộ đội ta mang từ đất liền ra đảo. Chim ở đây cũng rất nhiều và đặc biệt, nhiều nhất vẫn là Sơn Ca. Có lẽ cũng vì vậy mà đảo nhỏ mang tên loài chim tuyệt đẹp này?
Nhớ lại năm đó, trong Lễ kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng đảo Sơn Ca, Đại tá Lê Bá Sổ, Tham mưu phó Quân chủng hải Quân trong diễn văn của mình đã đưa chúng tôi quay trở về với những ngày tháng hào hùng, tháng 4/1975 trong Chiến dịch giải phóng Trường Sa.
Ngày 9/4/1975, Tổng Quân ủy điện cho Bộ tư lệnh tiền phương Quân chủng Hải Quân đặt tại Đà Nẵng: “Có tin đối phương chuẩn bị rút khỏi các đảo của Trường Sa, kiểm tra lại ngay và chỉ thị cho lực lượng hành động kịp thời theo phương án đã định...”
Theo kế hoạch, ba tầu Hải quân của Lữ đoàn 125 chở theo lực lượng của Đoàn 126 hóa trang thành tầu cá thẳng hướng Trường Sa thực hiện nhiệm vụ chiến dịch.
Ngày 14/4, sau khi giải phóng Song Tử Tây, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải Quân dự định tấn công cùng một lúc ba đảo: Nam Yết, Sơn Ca và Sinh Tồn nhưng các tầu Hải quân của Ngụy đã án ngữ Nam Yết nên kế hoạch không giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ. Kế hoạch được điều chỉnh theo hướng tiến đánh Sơn Ca trước.
Đêm 24/4, tàu 641 chở lực lượng tiến đánh Sơn Ca... trên đảo Ba Bình phát hiện 641 đi qua nhưng chỉ bắn pháo sáng để quan sát. 01 giờ 30 phút ngày 25/4, ba trung đội của Đoàn 126 đổ bộ lên Sơn Ca. Đến 02 giờ 30 phút, cuộc tấn công bắt đầu. Ngay trong loạt đạn đầu tiên, 02 binh sỹ địch đã bị loại khỏi vòng chiến đấu; 23 tên còn lại kéo vào công sự ẩn nấp và sau đó ra hàng lúc 03 giờ. Ta giải phóng hoàn toàn đảo Sơn Ca sau thời gian khoảng nửa tiếng...
Câu chuyện Tham mưu phó Quân chủng Hải Quân như gợi lên trong mỗi người niềm tự hào về ý chí và quyết tâm của bộ đội Hải quân anh hùng.
Tôi còn nhớ, tại thời điểm tháng 4/2012, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân cả nước, đảo nhỏ Sơn Ca đã được trang bị hệ thống điện năng lượng mặt trời, sức gió; hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, vũ khí, khí tài quân sự tiên tiến, nhà cửa khang trang, sạch, đẹp, công sự chiến đấu liên hoàn, vững chắc. Đảo có nhà văn hóa hai tầng đẹp, khang trang. Trên đảo còn có ngọn hải đăng với nhiệm vụ dẫn đường cho tàu thuyền qua lại. Đây là ngọn đèn biển có vị trí quan trọng trên tuyến đường hàng hải quốc tế và cũng để khẳng định chủ quyền và vai trò của Việt nam đối với toàn bộ Quần đảo Trường Sa...
|
Đoàn công tác thắp hương tại Công viên Võ Nguyên Giáp. |
Đến nay, trên đảo Sơn Ca còn có cả một ngôi chùa nhỏ để ngư dân sinh hoạt tâm linh và đặc biệt có một công viên mang tên Đại tướng của nhân dân – Đại tướng của hòa bình - Đại tướng huyền thoại, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam: Công viên Võ Nguyên Giáp - một công trình văn hóa mà nhân dân cả nước, gia đình của Đại tướng cùng cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân, Quân đội ta góp công, góp sức và gửi gắm cả tấm lòng của mình với Đại tướng, với sự nghiệp gìn giữ mảnh đất biên cương thiêng liêng nơi Biển đông của Tổ quốc.
Dù còn nhiều khó khăn, song với tinh thần trách nhiệm, những năm qua, tập thể cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sơn Ca đã luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Liên tục trong nhiều năm, đảo Sơn Ca đã được tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng (1999, 2000, 2002, 2007, 2008, 2009, 2011, 2013, 2015 đến 2017); đảo cũng được tặng nhiều bằng khen của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng; Thủ trưởng Tổng cục Chính trị và Thủ trường Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân.
Riêng với tôi, đảo Sơn Ca nói riêng và các đảo còn lại trong Quần đảo Trường Sa nói chung còn gắn với kỷ niệm về những học viên thân yêu của mình. Tại Sơn Ca, năm 2021, khi vừa đặt chân lên đảo, tôi gặp lại Phạm Tài Bá, cậu học viên tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chính trị năm 2009. Dáng thư sinh, trắng trẻo ngày nào đã nhường chỗ cho nước da đen sạm nhuốm màu cái nắng, cái gió của biển, gương mặt toát lên vẻ rắn rỏi, chững trạc của người lính Hải quân sau 4 năm gắn bó với các công trình chiến đấu trên Trường Sa. Được biết, Phạm Tài Bá là một trong số nhiều cựu học viên của Trường Sĩ quan Chính trị đang thực hiện nhiệm vụ tại các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa. Mong các em cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền trên biển của Tổ quốc.
Sơn Ca đảo nhỏ anh hùng, đã cùng những đảo khác luôn kiên cường, vững vàng trước biển lớn. Đó là nhờ vào sự cố gắng, nỗ lực thường xuyên của những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng. Chúc các anh sẽ tiếp tục vững tay súng bảo vệ vững chắc vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Quân và dân cả nước sẽ luôn bên cạnh các anh!