Cẩn trọng với thủ đoạn giả mạo cơ quan thuế để lừa đảo

Thứ năm, 07/11/2024 21:29
(ĐCSVN) - Các đối tượng giả mạo cơ quan thuế gửi giấy mời yêu cầu người nộp thuế đến làm việc và cung cấp các thông tin quan trọng như: Căn cước công dân, giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép đăng ký thuế, các hợp đồng liên quan… Yêu cầu cập nhật thông tin doanh nghiệp, cá nhân vào các đường link giả phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra hoặc hoàn thuế giá trị gia tăng để đánh cắp thông tin người nộp thuế.

Ngày 7/11, Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, hiện có một số đối tượng mạo danh cơ quan thuế gửi giấy mời người nộp thuế đến làm việc, kiểm tra, thanh tra… nhằm mục đích đánh cắp thông tin doanh nghiệp, thông tin cá nhân phục vụ mục đích xấu. Người dân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác, tránh trở thành nạn nhân của các đối tượng nói trên.

Theo đó, các đối tượng giả mạo cơ quan thuế gửi giấy mời yêu cầu người nộp thuế đến làm việc và cung cấp các thông tin quan trọng như: Căn cước công dân, giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép đăng ký thuế, các hợp đồng liên quan… Yêu cầu cập nhật thông tin doanh nghiệp, cá nhân vào các đường link giả phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra hoặc hoàn thuế giá trị gia tăng để đánh cắp thông tin người nộp thuế.

 Người dân, doanh nghiệp cần cẩn trọng với thủ đoạn giả mạo cơ quan thuế để lừa đảo. (Đồ họa: Văn Chung)

Các văn bản, giấy mời giả mạo thường thiếu các yếu tố pháp lý, trình bày không đúng thể thức, dấu mờ hoặc không rõ ràng. Đường link do các đối tượng cung cấp có tên miền lạ, không phải từ các tên miền chính thống của cơ quan thuế (gdt.gov.vn). Trang web giả mạo có giao diện tương tự trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc các cơ quan chính thống, nhưng thường có lỗi chính tả, bố cục không nhất quán, không có chứng nhận tín nhiệm mạng…

Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: Cơ quan thuế chỉ làm việc với người nộp thuế trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc liên hệ qua số điện thoại chính thức. Người nộp thuế không cung cấp thông tin cá nhân, mã số thuế, tài khoản giao dịch điện tử, tiền bạc, tài sản... qua điện thoại, email, mạng xã hội, các trang web không rõ nguồn gốc hoặc các phương tiện truyền thông khác. Nếu nhận được cuộc gọi nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, người nộp thuế cần lưu lại các bằng chứng như: Tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi, phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý, đồng thời cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan công an và cơ quan thuế gần nhất đề nghị xử lý hành vi sai phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế, uy tín danh dự của công chức thuế, cơ quan thuế./.

Hoàng Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực