Tin đồn và hệ lụy độc hại

Thứ sáu, 12/04/2024 15:11
(ĐCSVN) – Một cái nhấn nút vô trách nhiệm có thể gây ra hậu quả khôn lường. Những kẻ tung tin đồn sai sự thật (tin giả) gây nguy hại cho người khác và xã hội không những vi phạm pháp luật mà còn khiếm khuyết về đạo đức.

Những ngày qua, truyền thông lại có một phen dậy sóng bởi thông tin hàng trăm người đổ xô vào rừng phòng hộ Đèo Cả, tỉnh Phú Yên đào bới cả đêm để tìm kiếm trầm với hy vọng được đổi đời sau tin đồn có người trúng trầm kỳ nam gần 10 tỉ đồng. Cuối cùng, cả nhóm người mất mấy ngày ăn bờ, ở bụi nhưng đều ra về tay không. Và người đàn ông vướng phải tin tồn trúng kỳ nam, bán được tiền tỷ đã phủ nhận và khẳng định đó chỉ tin đồn sai sự thật (tin giả) chứ không có căn cứ.

Người dân Phú Yên kéo nhau vào rừng để tìm trầm sau khi nghe tin đồn có người trúng kỳ nam gần chục tỉ đồng. Ảnh cắt từ clip. (Nguồn: laodong.vn)

Đây không phải lần đầu xã hội biết đến kiểu tin đồn sai sự thật. Không ít tin đồn cũng có nguồn cơn hết sức lãng xẹt tương tự như vụ việc trúng trầm kỳ nam tiền tỷ này. Với mục đích hết sức dớ dẩn, không ít những đối tượng tung tin giả, tin đồn sai sự thật đã bị cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm, cho thấy có những trường hợp nhận thức và hiểu biết rất nông cạn, chỉ vì thích câu view, câu like để tạo sự nổi tiếng…, thậm chí chỉ vì vui đùa mà loan tin sai sự thật, thiếu chính xác, thiếu kiểm chứng gây hoài nghi về thông tin cho cộng đồng, thậm chí ngay cả với những thông tin gây ảnh hưởng đến an ninh, trận tự xã hội, đặc biệt như trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19 trước đây.

Cá biệt, có những trường hợp rất thiếu văn hóa giao tiếp xã hội, vô cảm trong ứng xử, họ chỉ biết thỏa mãn cảm xúc của bản thân mà không cần quan tâm đến lợi ích của người khác cũng như trách nhiệm xã hội. Thế nên, bất luận là gì, hễ cứ bắt gặp những hình ảnh, thông tin loáng thoáng chưa có kiểm chứng, nhưng không ít người lại có thể sẵn sàng đưa điện thoại lên quay phim, chụp ảnh và tung lên mạng internet.

Sự bùng nổ của công nghệ đã tạo ra “thế giới ảo”, đó là "thế giới" đầy rẫy những khiếm khuyết với vô số quan hệ ảo được thiết lập trên không gian mạng, vô hình trung tạo ra sự ngang bằng, lẫn lộn giữa cái thật và cái giả. Kẻ xấu thì luôn lợi dụng và ẩn nấp trong kho tàng thông tin của nhân loại, thế giới ảo đã vô tình trở thành công cụ đắc lực cho tin đồn sai sự thật, tin giả bởi tốc độ lan truyền ghê gớm của nó. Vì thế mà tần suất và mức độ tin đồn sai sự thật, tin giả ngày càng gia tăng. Những hành vi xuyên tạc, kích động, chia rẽ, phát ngôn thô tục vô tội vạ... hằng ngày vẫn tràn lan trên mạng xã hội.

Cộng đồng đau xót và ám ảnh về những cái chết chỉ vì tin đồn, người thì tự tử, người thì thân bại danh liệt cũng chỉ vì tin đồn, và để trục lợi, thao túng giá/thị trường chứng khoán, người ta cũng tung tin đồn; có những doanh nghiệp khủng hoảng nghiêm trọng thậm chí là phá sản vì tin đồn; không ít người bị bôi nhọ uy tín, nhân phẩm, danh dự trên mạng xã hội. Người ta biến mạng xã hội trở thành công cụ để tung tin giả, tin đồn sai sự thật, để kể tội, bóc phốt, tìm vết, truy lỗi và mạt sát lẫn nhau. Mọi thứ đều được mang ra phơi bày với bàn dân thiên hạ, thậm chí là những chuyện hết sức riêng tư... Có những cái like, share và những lời bình luận ác ý có thể vô tình giết chết người khác... Không ai có thể phủ nhận sự độc hại của tin giả, tin đồn sai sự thật và hệ lụy khôn lường của nó.

Mặc dù những hành vi tung tin giả, tin đồn sai sự thật sẽ bị truy cứu trách nhiệm và xử phạt khi bị cơ quan chức năng phát hiện nhưng có vẻ các khung xử phạt dường như chưa đủ sức răn đe dẫn đến nhờn luật; theo đó, trách nhiệm về đạo đức xã hội cũng bị các đối tượng xem nhẹ.

Bất luận với mục đích là gì thì những kẻ tung tin giả, tin đồn sai sự thật đều vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý thích đáng. Cộng đồng hãy tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin, bình tĩnh trước những thông tin người khác cung cấp khi chưa có kiểm chứng, nhất là thông tin trên mạng xã hội, không vội bình luận và chia sẻ cho dù nguồn thông tin có được từ đâu và đáng tin cậy đến mức nào. Hãy theo dõi thông tin chính thống của các cơ quan thông tấn, báo, đài, truyền hình thay vì tiếp cận với các nguồn thông tin phi chính thống. Mỗi cá nhân hãy có trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội, có cách ứng xử phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội, đề cao ý thức thượng tôn pháp luật để bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng là cần thiết.

Trước những tin giả, tin đồn sai sự thật bủa vây ở hầu hết mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội… nhiều khi làm cho cộng đồng "phát hoảng", không biết đâu là thật, đâu là giả. Tuy nhiên, cộng đồng cũng không nên quá hoang mang, nếu để ý một chút thì cũng không phải là quá khó để nhận biết tin giả, bởi hầu hết tin giả, tin đồn sai sự thật đều do các cá nhân sử dụng mạng xã hội để tung tin. Vì thế, khi tiếp nhận thông tin từ những nguồn tin phi chính thống buộc chúng ta phải cảnh giác, đề phòng, đặc biệt là không nên chia sẻ một cách tùy tiện, nếu không cẩn thận thì ai cũng có nguy cơ mắc phải lỗi phát tán tin giả, tin đồn sai sự thật.

Khi tin giả, tin đồn sai sự thật bủa vây xã hội, không chỉ đòi hỏi sự thông thái của cộng đồng mà còn đòi hỏi công tác quản lý nhà nước phải theo kịp thực trạng, dự báo được những nguy cơ phát sinh tin giả, tin đồn sai sự thật để có những giải pháp phòng ngừa hiệu quả. Mặt khác, cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, phổ biến rộng rãi đến cộng đồng những văn bản quy phạm liên quan đến các hành vi tung tin giả, tin đồn sai sự thật, qua đó góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng trong sử dụng mạng xã hội nói chung và phát tán tin giả, tin đồn sai sự thật nói riêng; theo đó xã hội cũng bớt đi những phen "phát hoảng" vì tin giả, tin đồn sai sự thật!

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý, xử phạt nặng hơn nhằm đủ sức răn đe đối với các hành vi tung tin đồn sai sự thật, tin giả. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường rà quét, phát hiện sớm tin đồn, tin giả nhằm truy cứu trách nhiệm, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến phát tán tin giả, tin đồn sai sự thật.

Một cái nhấn nút vô trách nhiệm có thể gây ra hậu quả khôn lường. Những kẻ tung tin đồn sai sự thật, tin giả gây nguy hại cho người khác và xã hội không những vi phạm pháp luật mà còn khiếm khuyết về đạo đức. Một lần nữa, vụ việc hàng trăm người đổ xô vào rừng để đào bới, tìm kiếm trầm ở Đèo Cả, tỉnh Phú Yên chỉ vì tin đồn là bài học sâu sắc cho tất cả những ai mong đổi đời sau 1 đêm.

Buồn thay, xã hội vẫn còn không ít người muốn tìm kiếm vận may từ những tin đồn!

Khắc Trường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực