Tầm quan trọng của chẩn đoán và can thiệp sớm bệnh thận mạn

Thứ ba, 26/09/2023 15:29
(ĐCSVN) - Tọa đàm với chủ đề "Góc nhìn đa chiều trong ứng dụng tiến bộ y khoa về quản lý bệnh thận mạn" do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức ngày 23/9 vừa qua đã cung cấp nhiều thông tin liên quan đến bệnh lý này.
 Bệnh thận mạn tính có thể tiến triển trong nhiều năm. (Ảnh minh họa: TL)

Bệnh thận mạn là sự suy giảm chức năng thận tiến triển, kéo dài. Các triệu chứng của bệnh tiến triển chậm. Trong giai đoạn tiến triển, các triệu chứng gồm: chán ăn, buồn nôn, nôn ói, viêm miệng, rối loạn vị giác, tiểu đêm, uể oải, mệt mỏi, ngứa, suy giảm về tinh thần, giật cơ và chuột rút, giữ nước, suy dinh dưỡng, bệnh thần kinh ngoại biên và co giật.

Hiện nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh thận mạn là đái tháo đường, tăng huyết áp và viêm cầu thận. Đa số bệnh nhân mắc bệnh thận mạn có các bệnh đồng mắc và tăng nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như suy tim, suy thận và tử vong. Ở giai đoạn sớm, suy thận khó được phát hiện.

Việt Nam có hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn tính. Tỷ lệ mắc bệnh thận mạn mới hằng năm là khoảng 8.000 người. Tỷ lệ tử vong do bệnh này đứng thứ 8 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, số ca bệnh cần lọc máu khoảng 800.000 bệnh nhân nhưng hiện chỉ có 5.500 máy phục vụ 33.000 bệnh nhân.

 Suy thận mạn tính dẫn đến các biến chứng nguy hiểm (Ảnh minh họa: TL)

 Theo thống kê, 50% bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong trong vòng 5 năm, với chi phí y tế cho điều trị lọc máu tăng gấp 3 lần chi phí quản lý bệnh thận mạn ở giai đoạn sớm.

Khảo sát Inside CKD trên 11 quốc gia cho thấy chi phí y tế ước tính chi trả cho bệnh thận mạn hàng năm lên đến hàng tỉ USD, và chiếm 2,4 - 7,5% chi tiêu y tế hàng năm. Đáng lưu ý, chi phí cho quản lý bệnh thận mạn ở giai đoạn cuối cho các liệu pháp chạy thận nhân tạo, thay thế thận đặc biệt tăng cao.

Dự kiến đến năm 2030, có 5 triệu người cần thay thế thận. Do đó, việc chẩn đoán và can thiệp sớm bệnh thận mạn có ý nghĩa rất quan trọng đối với toàn xã hội.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia y tế cũng đã thảo luận nhiều cách tiếp cận khác nhau để áp dụng những tiến bộ y khoa gần đây trong quản lý bệnh thận mạn từ chẩn đoán sớm đến kiểm soát bệnh ở giai đoạn sớm.

Các chuyên gia cho biết, bệnh thận mạn được xác định bằng sự suy giảm chức năng thận (thể hiện bằng mức lọc cầu thận ước tính-eGFR) hoặc các dấu hiệu tổn thương thận (thông qua chỉ số albumin trong nước tiểu), hoặc cả hai, trong ít nhất 3 tháng.

Đây đều là các xét nghiệm với chi phí rẻ, thường được chỉ định thực hiện nếu người dân đi khám sức khỏe định kỳ./.

Lan Anh (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực