Cảnh báo người bệnh đột quỵ nhập viện do thời tiết lạnh

Thứ hai, 08/01/2024 14:23
(ĐCSVN) – Theo thống kê của Khoa Đột quy (Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, thành phố Hải Phòng), trung bình mỗi ngày có khoảng 20 ca đột quy nhập viện do thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ chênh lệch lớn giữa đêm và ngày khiến người bệnh nhập viện vì đột quỵ tăng cao.
 Người bệnh được điều trị tại Khoa Đột quỵ - Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp - TP. Hải Phòng.
(Ảnh: Vũ Duyên)

Hiện Khoa Đột quy (Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp) có 60 giường bệnh thực kê, nhưng những ngày gần đây đều chật kín người bệnh. Vì quá tải nên khoa phải kê thêm hàng chục giường bệnh ở ngoài hành lang mới đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Tình trạng quá tải thường xuyên xảy ra vào tháng 1, tháng 2 và tháng 12 hằng năm do thời tiết lạnh sâu, nhiệt độ chênh lệch cao giữa ngày và đêm, giữa phòng kín và ngoài trời. Phần lớn người nhập viện từ 60 tuổi trở lên bị chảy máu não do có các yếu tố nguy cơ, như tăng huyết áp, đái tháo đường, máu nhiễm mỡ...

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp nhập viện là người trẻ, thậm chí có học sinh 17 tuổi, do nhiêu nguyên nhân như cường độ lao động cao; lười vận động; sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp trong thời gian dài, lối sống không lành mạnh như ăn đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, sử dụng chất kích thích như rượu, bia, hút thuốc lá; tắm gội muộn sau 11 giờ đêm, thức khuya, không bảo đảm thời gian ngủ...

Theo đánh giá của Hội Đột quy Việt Nam, hiện nay, Hải Phòng là một trong những địa phương có tỷ lệ can thiệp đột quy sớm ở mức cao của cả nước. Số lượng người bệnh bị đột quy được can thiệp kịp thời ngang với Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Trong đó, người bệnh đột quy tắc mạch lớn được can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học khá cao: năm 2021 là 90 ca bệnh, năm 2022 là 196 ca bệnh và năm 2023 là 245 ca bệnh.

 Người bệnh phục hồi hoàn toàn sau khi được can thiệp mạch não lấy huyết khối. (Ảnh: Đỗ Hiền)

Trên thực tế, nhiều người bệnh được phát hiện sớm, đưa đến viện can thiệp kịp thời (từ 3 đến 6 giờ sau khi có dấu hiệu khởi phát bệnh), nên sức khỏe hồi phục nhanh chóng.

Đối với đột quy não, thời gian được xem là "vàng" vì mỗi phút trôi qua sẽ có 2 triệu tế bào não bị chết và không có khả năng hồi phục. Vì thê, khi người bệnh khởi phát các dấu hiệu, như: chân, tay cử động yếu, nói khó, mặt mất cân đối, nhìn mờ.., người thân hoặc người ở cạnh cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế chuyên khoa phù hợp.

Việc phát hiện triệu chứng đột quy và điều trị kịp thời sớm càng tăng tỷ lệ sống sót của người bệnh sau đột quy cũng như hạn chế các biến chứng nặng. "Để phòng bệnh đột quy, mỗi người nên xây dựng lối sống lành mạnh, như: hạn chế rượu, không hút thuốc, hạn chế chất béo bão hòà, tăng cường bổ sung các dưỡng chất cần thiết, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều trị các bệnh là yếu tố nguy cơ của đột quy như, tăng: huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch,..", TS. BS Phùng Đức Lâm, Trưởng Khoa Đột quỵ khuyến cáo./.

M.K (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực