Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày càng có nhiều quốc gia đưa ra quy định về quản lý các sản phẩm thuốc lá mới. Trong đó, hiện có 184/195 quốc gia thành viên có quy định quản lý thuốc lá làm nóng theo luật hiện hành áp dụng cho thuốc lá điếu truyền thống và 87 quốc gia cho phép kinh doanh thuốc lá điện tử, bao gồm các nước phát triển về công nghệ như Mỹ, Anh, Nhật Bản, châu Âu...
Thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử có sự khác biệt đáng kể về mặt cấu tạo, nguyên liệu. Trong đó, thuốc lá điện tử hóa hơi dung dịch chứa nicotine, còn thuốc lá làm nóng vẫn sử dụng nguyên liệu thuốc lá với cơ chế làm nóng, không đốt cháy giống như thuốc lá thông thường. Do sự khác biệt đó, WHO khuyến nghị cần phải kiểm soát hai sản phẩm này riêng biệt.
Thuốc lá điện tử: Đa dạng hình thức quản lý
Do tính đa dạng, phức tạp về mặt cấu trúc sản phẩm, dung dịch sử dụng trong thuốc lá điện tử nên cơ chế quản lý sản phẩm này là không đồng bộ giữa các quốc gia. Bên cạnh đó, hình thức kiểm soát thuốc lá điện tử ở mỗi quốc gia còn bị chi phối bởi các yếu tố như bối cảnh, đặc điểm, tình hình thực tế và các yêu cầu về phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) của nước sở tại.
Theo đó, hiện có ba hướng tiếp cận khác nhau đối với thuốc lá điện tử. Theo báo cáo năm 2018 của WHO và báo cáo tổng hợp của Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá (CTFK) tháng 12/2019, hiện có 42 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng quy định cấm đối với sản phẩm này.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: TL. |
Ngược lại, một số nước có thể kể đến như Úc, Nhật Bản... định nghĩa sản phẩm này là dược phẩm kê đơn và điều trị theo phác đồ, do Bộ Y tế trực tiếp cấp phép và kiểm soát. Tuy nhiên, hướng tiếp cận này được cho là khó khả thi vì rất ít quốc gia có sẵn nội dung quy định của Luật dược là phù hợp để quản lý một sản phẩm đặc thù như thuốc lá điện tử. Ví dụ tại Nhật bản, mặc dù chưa có sản phẩm thuốc lá điện tử cụ thể nào được Bộ Y tế Nhật phê duyệt, nhưng việc nhập khẩu dung dịch nicotine với trữ lượng lên đến 1 tháng vẫn được cho phép. Riêng các sản phẩm thuốc lá điện tử không chứa nicotine còn được tự do sử dụng tại nước này.
Hướng tiếp cận thứ ba được phần lớn các quốc gia lựa chọn, đó là áp dụng hệ thống luật kiểm soát thuốc lá hiện hành cho thuốc lá điện tử. Trong số 47 quốc gia và vùng lãnh thổ quản lý thuốc lá điện tử theo hướng này, nhiều nước đã tăng cường biện pháp kiểm soát chặt chẽ như quy định về nồng độ nicotine tối đa ở mức thấp, dán nhãn cảnh báo tác hại đối với sức khỏe, cấm quảng cáo hoặc cấm bán hàng qua internet để hạn chế sự tràn lan của sản phẩm và khả năng tiếp cận của giới trẻ.
Thuốc lá làm nóng: Nhiều nước quản lý bằng luật hiện hành
Khác với thuốc lá điện tử, khuyến nghị của WHO trong Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) tại kỳ họp Hội nghị Các bên lần thứ 8 (COP 8) đối với thuốc lá làm nóng đó là quản lý bằng luật hiện hành đang áp dụng cho thuốc lá điếu, xì gà…, vì sản phẩm này cũng sử dụng nguyên liệu thuốc lá tự nhiên.
Tuy nhiên, trở ngại chung của các quốc gia trong đó có Việt Nam đó là hệ thống luật hiện hành ra đời trước khi thuốc lá mới phổ biến, nên trong luật chưa nêu rõ định nghĩa, phân loại và hướng dẫn quản lý cụ thể dành cho thuốc lá làm nóng hay thuốc lá điện tử.
Vào tháng 7/2022, Philippines đã ban hành Đạo luật Cộng hòa số 11900 (Đạo luật quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới) nhằm quy định hành lang pháp lý cho việc nhập khẩu, kinh doanh, phân phối, sử dụng và truyền thông cho cán sản phẩm thuốc lá mới. Đạo luật này là một phần bổ sung cho luật hiện hành là Đạo luật Quản lý Thuốc lá năm 2003.
Còn tại Nhật Bản, thuốc lá làm nóng đã được cập nhật vào Đạo luật kinh doanh Thuốc lá năm 1984 khi sản phẩm được thương mại hóa năm 2014. Đặc biệt, tuy thuốc lá làm nóng được kiểm soát theo Đạo luật Kinh doanh thuốc lá, nhưng các quy định quản lý đối với sản phẩm này là khác biệt và nới lỏng hơn so với thuốc lá điếu truyền thống; chẳng hạn như mức thuế suất thấp hơn, các quy định về cảnh báo sức khỏe cũng bớt nghiêm ngặt hơn và giảm bớt các khu vực hạn chế sử dụng.
Năm 2018, Canada cũng tiến hành sửa đổi Đạo luật quản lý thuốc lá (TA) năm 1997 thành Đạo luật quản lý các sản phẩm thuốc lá và thuốc lá mới (TVPA).
Tại tọa đàm "Thực trạng thuốc lá mới và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng" ngày 19/10/2023, ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghiệp tiêu dùng thực phẩm, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương chia sẻ :"Hiện nay truyền thông đang có sự nhầm lẫn giữa thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, chưa phân biệt rõ với nhau và hay đánh đồng rằng cả hai sản phẩm thuốc lá mới này đều là thuốc lá điện tử”.
Việc thông tin “thuốc lá làm nóng cũng là nguyên nhân gây ngộ độc” như một số bài báo gần đây là không chính xác. Và cho đến nay vẫn chưa có số liệu cụ thể đề cập đến nguy cơ gây ngộ độc của thuốc lá làm nóng.
Ông Cao Trọng Quý cũng khẳng định điều kiện tiên quyết là cần phân biệt rõ sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng để có hướng quản lý phù hợp.
Từ hệ thống quy định đang có và kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia nêu trên, theo các chuyên gia, Việt Nam có thể tham khảo đưa thuốc lá mới vào kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ và nhu cầu thực tiễn của xã hội./.