|
Cuộc thi "Trường học không ma túy" diễn ra sôi nổi với sự tham gia của nhiều học sinh Nam Định. (Ảnh: Trần Khánh) |
*Ngày 9/4/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định ban hành Kế hoạch số 155/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên đến năm 2030 với những mục tiêu cụ thể sau:
Kiềm chế tỷ lệ gia tăng; tiến tới giảm số lượng thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy so với năm trước. Bảo đảm quản lý chặt chẽ số thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy, sau cai nghiện ma túy theo quy định. Đến năm 2025, trên 80% và năm 2030, trên 90% thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tư vấn, khám sàng lọc, đánh giá, được giáo dục thay đổi hành vi, điều trị, cai nghiện ma túy thích hợp và thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy, thanh, thiếu niên chấp hành xong án phạt tù về tội phạm ma túy được hỗ trợ dạy nghề, việc làm và các hoạt động hỗ trợ hòa nhập cộng đồng theo quy định pháp luật.
Hằng năm, làm giảm số vụ thanh, thiếu niên phạm tội về ma túy so với năm trước; các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy liên quan đến thanh, thiếu niên được đấu tranh, triệt xóa kịp thời và không để tái hình thành; trên 90% số vụ phạm tội về ma túy phát hiện liên quan đến thanh, thiếu niên được giải quyết, xét xử theo quy định.
Tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp phát động phong trào thanh niên hưởng ứng, tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy. Các tổ chức Đoàn xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình phòng, chống ma túy; trong đó đối với địa bàn có ma túy mỗi năm giúp đỡ, hỗ trợ để cảm hóa được ít nhất 01 thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy hoặc thanh, thiếu niên chấp hành xong án phạt tù về tội phạm ma túy tái hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định.
Hằng năm, 100% cơ sở giáo dục bậc trung học cơ sở trở lên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về phòng, chống ma túy cho cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên. Đến năm 2025, trên 80% và năm 2030, 100% cán bộ, giáo viên, giảng viên được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy để có đủ năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên.
Để đạt được những mục tiêu cụ thể nêu trên, Kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp đối với những nhiệm vụ trọng tâm sau: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên. Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy; điều trị nghiện ma túy; quản lý chặt chẽ thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy và quản lý, hỗ trợ thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy nhằm ngăn chặn ma túy tác động đến thanh, thiếu niên.
|
Quảng Nam chỉ đạo tăng cường tuyên truyền phóng chống ma túy trong học sinh, sinh viên. Ảnh: X.PHÚ |
*Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam cũng ban hành kế hoạch phòng chống ma túy trong thanh thiếu niên trên địa bàn Quảng Nam đến năm 2030.
Kế hoạch hướng đến phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy trong thanh thiếu niên; giảm số lượng thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy, vi phạm pháp luật về ma túy...
Qua đó góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng thế hệ thanh thiếu niên Quảng Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật, có sức khỏe và lối sống lành mạnh; nâng cao vai trò, trách nhiệm của thanh thiếu niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện đạt mục tiêu trên, Quảng Nam phấn đấu đến năm 2025 có hơn 80% và đến năm 2030 hơn 90% số thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tư vấn, khám sàng lọc, đánh giá, được giáo dục thay đổi hành vi, điều trị, cai nghiện ma túy phù hợp. Thanh thiếu niên sau cai nghiện ma túy hoặc chấp hành xong án phạt tù về phạm tội ma túy được hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm và các hoạt động hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.
Ngoài ra, tất cả vụ việc phạm tội về ma túy liên quan đến thanh thiếu niên được giải quyết, xét xử theo quy định. Hằng năm, ít nhất 70% cơ sở giáo dục bậc THCS trở lên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về phòng chống ma túy cho cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên.Phấn đấu đến năm 2025 có hơn 80% và đến năm 2030 tất cả cán bộ, giảng viên, giáo viên được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng để có đủ năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục phòng chống ma túy cho học sinh, sinh viên./.