Công ty cổ phần Sông Mã: “Điểm sáng” về xây dựng và kinh doanh bất động sản

Thứ tư, 06/02/2019 18:00
(ĐCSVN) – Hơn 5 năm sau ngày thực hiện cổ phần hóa, đến nay Công ty cổ phần Sông Mã đã dần khẳng định vị trí quan trọng trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản. Sự “vươn mình” của đơn vị này đã góp phần khẳng định tính đúng đắn trong chủ trương thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp…
Phối cảnh mặt bằng khu Biệt thự tại Dự án Khu đô thị sinh thái Núi Long do Công ty cổ phần Sông Mã làm chủ đầu tư (Ảnh: QM)

Với quy mô phát triển mạnh mẽ như hiện nay, ít ai nghĩ chỉ cách đây hơn 5 năm, Công ty cổ phần Sông Mã đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thử thách. Từ một doanh nghiệp Nhà nước thành lập năm 1993, được cổ phần hóa vào tháng 5/2013, với những bước đi vững chắc, Công ty cổ phần Sông Mã đã từng bước vượt qua khó khăn đó để ổn định hoạt động và phát triển ngày càng vững vàng hơn.

Trước cổ phần hóa, Công ty Sông Mã sở hữu các đơn vị như: Xí nghiệp xây dựng số 7; Xí nghiệp xây dựng số 9; Đội xây dựng số 10; Đội xây dựng số 11; Đội xây dựng số 12; Đội xây dựng số 14; Đội Xây dựng số 15; Cửa hàng ăn uống Nam Bắc Thành… Ngoài ra, công ty này còn tham gia góp vốn vào 9 công ty liên doanh liên kết như: Công ty cổ phần xây dựng Sông Mã số 2 (9,8%); Công ty cổ phần xây dựng Sông Mã số 3 (22,7%); Công ty cổ phần xây dựng Sông Mã số 6 (20,6%); Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Xây dựng Sông Mã (20%); Công ty cổ phần Chợ Lam Sơn (10,1%); Công ty cổ phần Xe khách Thanh Hóa (17,8%); Công ty cổ phần ăn uống Phù Đổng (13,2%); Công ty cổ phần sản xuất vật liệu Tự Lực (3,6%) và Công ty cổ phần xây dựng Sông Mã số 8 (25%).

Đến nay, Công ty cổ phần Sông Mã đã có hơn 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản. Và cũng là đơn vị có nhiều dự án đóng góp để làm thay đổi bộ mặt của thành phố Thanh Hóa, nhất là trong thời kỳ thành phố được chuyển đổi từ đô thị loại III lên đô thị loại I. Những dự án đó cũng đã góp phần sắp xếp lại các khu dân cư trên địa bàn khi thành phố được mở rộng, tạo ra được những nhà ở xã hội như dự án khu chung cư dành cho người có thu nhập thấp, khu Tái định cư Đông Vệ 5, khu Tái định cư Đông Vệ 2….có những dự án làm đẹp, góp phần chỉnh trang đô thị và tạo điểm nhấn cho thành phố như các dự án Quảng trường Lam Sơn, khách sạn Sao Mai, di chuyển các nhà cũ xuống cấp ở phố Phan Chu Trinh đến địa bàn khác…

Tìm hiểu được biết, sau hơn 5 năm thực hiện chuyển đổi cổ phần, Công ty cổ phần Sông Mã đã vượt qua được nhiều khó khăn, giải quyết được nhiều việc tồn động ở các năm trước, ổn định được tổ chức tạo được nhiều việc làm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước và bảo hiểm cho người lao động, lấy lại được thương hiệu của Công ty sau những năm suy thoái kinh tế và tạo ra được khí thế mới để đưa công ty phát triển trong những năm tới. Bình quân hàng năm, Công ty nộp ngân sách từ 12 – 14 tỷ đồng. Hiện nay, Công ty cổ phần Sông Mã đang tạo việc làm trực tiếp cho khoảng hơn 350 lao động với thu nhập bình quân từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Tám, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sông Mã chia sẻ: Phát huy những kết quả bước đầu sau thực hiện cổ phần hóa, thời gian tới Công ty sẽ tiếp tục sắp xếp lại bộ máy, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ qua các khóa đào tạo, tích cực mở rộng liên doanh, liên kết, đa dạng hóa ngành nghề để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; chú trọng xây dựng các công trình phục vụ đời sống tinh thần cho cán bộ công nhân viên… “Về phương hướng sản xuất, kinh doanh, Công ty sẽ tập trung mọi điều kiện, phương tiện để hoàn thành dự án Đại lộ Đông Tây, (đoạn từ Quốc lộ 1A đến sông nhà Lê) triển khai thi công phần hạ tầng dự án khu đô thị Hồ Núi Long và dự án cầu qua Sông Nhà Lê, đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành”, ông Tám nhấn mạnh./. 

TL
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực