Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ra thị trường thế giới

Chủ nhật, 10/02/2019 21:13
(ĐCSVN) - Năm 2019, mục tiêu trước hết của chúng ta vẫn là phát triển mạnh và nhanh hơn nữa ngành chăn nuôi; trong đó, đẩy mạnh vấn đề xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ra các nước xung quanh và các nước trên thế giới để tạo thị trường cho phát triển bền vững của ngành chăn nuôi.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với báo chí về mục tiêu của ngành chăn nuôi trong năm 2019.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Ảnh: BT)

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của ngành chăn nuôi đạt được trong năm 2018?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Trong năm 2018, thứ nhất, chúng ta hoàn thành thể chế pháp lý, trong đó có Luật Chăn nuôi. Đây là luật rất quan trọng, tích hợp toàn bộ nội dung và các lĩnh vực có liên quan đến sản xuất chăn nuôi. Tiếp cận quản lý chăn nuôi là một ngành kinh tế kỹ thuật theo xâu chuỗi khép kín từ khâu giống, thức ăn chăn nuôi, khâu chăn nuôi, khâu giết mổ, khâu chế biến và kết nối thị trường. Tôi cho rằng đây là luật rất cần thiết để chúng ta quản lý ngành trong thời kỳ hội nhập và phát triển sắp tới.

Thứ hai, ngành chăn nuôi cũng như Cục Chăn nuôi thực hiện rất tốt vấn đề cải cách hành chính, giảm điều kiện sản xuất kinh doanh, giảm thủ tục hành chính và tăng vai trò của doanh nghiệp. Cụ thể, chúng tôi đã giảm 5 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, chuyển toàn bộ hơn 90% khối lượng sản phẩm thức ăn chăn nuôi đang lưu hành từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Việc này do doanh nghiệp tự công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và sẽ tự sản xuất. Công bố sẽ có quy trình, quy phạm để tránh những trường hợp nếu không thực thi nghiêm túc sẽ không thể khai báo được.

Thứ ba là chúng tôi áp dụng tối đa hóa về công nghệ thông tin cho các hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành chăn nuôi, nhất là lĩnh vực thức ăn chăn nuôi. Hiện 100% các giao dịch về quản lý chăn nuôi nhất là quản lý về thức ăn chăn nuôi đều được trao đổi trên môi trường mạng.

Thứ tư là xã hội hóa tối đa các dịch vụ công, có nghĩa là chỉ định các tổ chức chứng nhận, các phòng thử nghiệm có đủ điều kiện tham gia vào các dịch vụ công nhằm giảm áp lực cho biên chế nhà nước và áp lực cho ngân sách. Điều này giúp cho người dân, người kinh doanh sẽ lựa chọn được những dịch vụ tốt nhất, nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Nhà nước thay vì kiểm tra trực tiếp sẽ kiểm tra các tổ chức ra chứng nhận. Đây là thành tựu mà tôi cho rằng rất quan trọng.

Thêm một thành tựu nữa cũng rất rõ nét là ổn định được thị trường và sản xuất chăn nuôi, nhất là ngành hàng thịt lợn. Cách đây một năm, ngành chăn nuôi lợn rất khó khăn, giá lợn hơi xuống 20-25 nghìn đồng/kg, người chăn nuôi thua lỗ. Nhưng chỉ sau một năm, thực hiện các giải pháp của Chính phủ chỉ đạo, đặc biệt là của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Chăn nuôi đã quyết liệt đưa các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội vào cuộc để tăng cầu, giảm cung. Sau một năm thì giá lợn hồi phục trở lại và tăng lên rất cao, có những thời điểm tiệm cận đến 58-60 nghìn/kg, ảnh hưởng tới CPI, chúng ta thực hiện chính sách bình ổn giảm giá thịt lợn.

Chính ngành hàng thịt lợn ổn định đã tạo điều kiện ổn định và phát triển ngành chăn nuôi nên cơ bản ngành chăn nuôi đạt được các mục tiêu đề ra. Ví dụ như: ngành hàng thịt lợn, chúng ta đã tăng 2,2%, đạt 3,8 triệu tấn, ngành hàng thịt gia cầm tăng 6,5% đạt 1,15 triệu tấn, ngành trứng gia cầm tăng 11% đạt 11,8 tỷ quả và ngành sản xuất sữa đạt gần 1 triệu tấn, tăng 9%, về đích trước hai năm so với chiến lược định hướng của Chính phủ.

Như vậy, chúng tôi cho rằng, ngành chăn nuôi năm nay được mùa được giá. Người chăn nuôi và doanh nghiệp phấn khởi tái đầu tư theo chiều sâu trong phát triển chăn nuôi.

PV: Ông có đánh giá như thế nào về công tác an toàn thực phẩm và thị trường sản phẩm chăn nuôi trong năm 2018?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Vấn đề về kiểm soát an toàn thực phẩm, cả năm 2018 chúng ta không phát hiện ra việc sử dụng chất cấm và hóa chất công nghiệp. Năm 2016, 2017, salbutamol là vấn đề làm nóng tất cả các nghị trường, thậm chí người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm của ngành chăn nuôi. Năm 2018, chúng ta không phát hiện có mẫu nào dương tính trong chăn nuôi. Rõ ràng, vấn đề về an toàn thực phẩm được kiểm soát tương đối tốt.

Vấn đề về thị trường, chúng ta thấy hai khâu yếu của ngành chăn nuôi đó là giết mổ chế biến và kết nối thị trường. Năm 2018 đã chứng kiến rất nhiều thành công, đó là một loạt doanh nghiệp lớn đầu tư vào khâu giết mổ, chế biến. Vừa rồi, Tập đoàn Masan đã khánh thành nhà máy công suất 1,4 triệu con lợn/năm, tổng đầu tư đến 1.000 tỷ đồng với thương hiệu thịt mát, thịt chất lượng phục vụ cho tiêu dùng hàng ngày theo công nghệ châu Âu. Bên cạnh đó, còn có các doanh nghiệp khác như: CP, Dabaco, các chuỗi trứng của Công ty Ba Huân… Như vậy, chúng ta đã có những doanh nghiệp lớn đầu tư vào khâu chế biến. Các doanh nghiệp đầu tư đồng bộ từ khâu chăn nuôi đến khâu chế biến, kết nối thị trường và tổ chức các chuỗi liên kết, hướng kết nối thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trong năm 2018, chúng ta đã xuất khẩu được thịt lợn. Mặc dù số lượng chưa lớn nhưng đã khẳng định thịt lợn của Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu chính ngạch. Hiện tại chúng ta đang xuất khẩu thịt lợn sữa và lợn choai nhưng vừa qua chúng ta đã xuất sang Myanmar thịt đông lạnh.

Năm 2019, ngành chăn nuôi hướng đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới (Ảnh minh họa: BT)

PV: Xin ông cho biết trong năm 2019, ngành chăn nuôi đề ra những mục tiêu gì và giải pháp để thực hiện các mục tiêu này?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Năm 2019, trước hết, mục tiêu của chúng ta vẫn phát triển mạnh và nhanh hơn nữa ngành chăn nuôi. Trong đó, đẩy mạnh vấn đề xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ra các nước xung quanh và các nước trên thế giới để tạo thị trường cho phát triển bền vững của ngành chăn nuôi.

Để triển khai được mục tiêu này, cần có các giải pháp thích ứng. Trước hết, chúng ta cần hoàn thiện các văn bản pháp quy để thực thi luật chăn nuôi, bảo đảm làm sao xây dựng được hai Nghị định, bảy Thông tư có hiệu lực và được tập huấn cho 63 tỉnh, thành phố trước 1/1/2020 khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng.

Vấn đề thứ hai, cần đánh giá 10 năm thực hiện chiến lược chăn nuôi (2008- 2018) và xây dựng chiến lược mới phát triển chăn nuôi đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040. Cần có tầm nhìn dài để định hướng ngành chăn nuôi của chúng ta hội nhập với phát triển chăn nuôi khu vực và chăn nuôi thế giới. Chúng ta cũng đánh giá lại 5 năm thực hiện tái cơ cấu và xây dựng nội dung tái cơ cấu của ngành chăn nuôi giai đoạn 2020-2025.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết sản xuất, tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, làm sao ngăn chặn không để dịch bệnh này vào nước ta.

Còn một số công việc khác như: Kiểm soát chất lượng vật tư, an toàn vệ sinh thực phẩm,… cần được chú ý, không lơ là. Mới có một năm được kiểm soát, chúng ta chưa chắc chắn việc sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh, lạm dụng các hóa chất công nghiệp đã được đảm bảo. Vì vậy, cần tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư, an toàn vệ sinh thực phẩm mọi nơi, mọi lúc, bảo đảm rằng thói quen của người chăn nuôi, người giết mổ, chế biến thực phẩm là thói quen tốt, nói không với chất cấm và các hóa chất công nghiệp sử dụng trong chăn nuôi, bảo đảm chúng ta có các sản phẩm chăn nuôi chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

PV: Để xuất khẩu được các sản phẩm chăn nuôi, việc nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm là điều quan trọng. in ông cho biết ngành chăn nuôi có giải pháp gì để thực hiện điều này?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Một trong những vấn đề để chúng ta xuất khẩu được các sản phẩm chăn nuôi là cần nâng cao năng suất vật nuôi, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành chăn nuôi và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tôi cho rằng để triển khai vấn đề giảm giá thành, tăng năng suất cần phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết. Ngoài ra, chúng ta chú ý thật tốt khâu giống để có được những bộ giống tốt, giống cao sản, và quan tâm tới nguồn giống cho hướng chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi đặc sản. Cùng với đó là khai thác hiệu quả giống bản địa, đây là những nguồn gen rất quý. Tôi cho rằng cần sử dụng nguồn gen, giống gốc ở trong nước, giống bản địa để chúng ta lai tạo với các giống ở thế giới để đưa ra những bộ giống cho từng phân khúc thị trường.

Vấn đề thứ hai, cần kiểm soát thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, Nhà nước cơ bản giảm hết thuế nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vì vậy, làm sao chúng ta tạo điều kiện để các doanh nghiệp cố gắng tiết kiệm các chi phí sản xuất để giá thức ăn chăn nuôi của chúng ta phải thấp và thấp nhất trong khu vực và các nước xung quanh. Hiện chúng ta đã có giá tương đối thấp nhất ASEAN, chỉ cao hơn Thái Lan một chút. Tôi nghĩ chúng ta sẽ phải vượt nhiều nước để hạ giá thành thức ăn bởi thức ăn chiếm tới 70% giá thành sản phẩm chăn nuôi, việc hạ giá thức ăn xuống chúng ta mới có giá thành chăn nuôi thấp hơn và bảo đảm xuất khẩu.

Ngoài ra, cần phát huy tối đa vai trò chủ đạo của doanh nghiệp, của hợp tác xã, hiệp hội trong dẫn dắt chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ tham gia trong các chuỗi liên kết theo giá trị. Điều này mới bảo đảm giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững cả về kinh tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, về môi trường và cuối cùng là bền vững về thị trường.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

 

 

 

BT (ghi)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực