Gặp người đưa nghề rối nước chu du trời Tây

Thứ bảy, 09/02/2019 16:51
(ĐCSVN) - Về phường rối Làng Rạch (xã Nam Giang, huyện Nam Trực (Nam Định), hỏi đường đến nhà nghệ nhân Phạm Văn Mẽ, chúng tôi không gặp mấy khó khăn, bởi người dân nơi đây hầu như ai cũng biết tới tên tuổi ông Mẽ.

 

Ông Mẽ đang điều khiển con rối do chính tay ông tạo ra. Ảnh: Phạm Tuấn

Con rối đi Tây! 

Lớn lên trong một gia đình có tiếng tăm trong nghề làm rối và biểu diễn rối nước, ông Mẽ đã chứng kiến bao nhiêu thăng trầm của phường rối, hiểu được những giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Ông Mẽ tâm sự: “Nghề nào cũng vậy, nhưng đối với nghề chế tác, biểu diễn rối đòi hỏi sự kiên trì và đam mê thực sự. Ngoài ra, phải tùy vào năng khiếu mỗi người. Nếu học đẽo không đến nơi đến chốn thì thành khúc gỗ vô tri vô giác. Hình hài mỗi con rối có hồn hay không phụ thuộc tuyệt đối vào sự chính xác của từng đường mòi, nhát đục.

Cách đây khoảng hơn chục năm, rất nhiều người bỏ quê vào Nam làm ăn, nghề rối cũng từ đó cũng bị chững lại. Từ khi phường rối được vực dậy, con em trong làng cũng theo nhau học nhiều hơn, nhiều người ngày càng có cảm tình với các trò diễn, khắp làng đi đâu cũng thấy cờ cắm chào mừng hội rối làng Rạch. Bất kỳ một dịp nào dù hội làng hay liên hoan các đoàn thể, hội rối đều biểu diễn miễn phí phục vụ bà con như một phong tục sinh hoạt văn hóa tập thể bổ ích.

“Tôi đứng đầu hội rối và nhiều lần đi biểu diễn thấy các anh em trong đoàn làm không công nhưng tôi cũng động viên mọi người lấy những tràng pháo tay là sự an ủi lớn giúp chúng tôi thêm gắn bó với nghề” - ông Mẽ chia sẻ.

Nói là vậy, để nghề tồn tại và phát triển nhiều lần đi biểu diễn ngoài những lời động viên cũng có một ít kinh phí để hội rối hoạt động song chưa đủ. Bao năm qua ông đã âm thầm tạo ra hàng nghìn con rối, không chỉ phục vụ cho biểu diễn trong nước mà những môn nghệ thuật cùng sản phẩm con rối của ông Mẽ cũng xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Châu Âu được các nước ưa thích, đón nhận và đánh giá cao.  

Hiện nay, không ít con em ở làng, xã muốn theo học nghề làm rối nước, đều được ông Mẽ tận tình chỉ dạy và không thu một đồng học phí nào. Nhờ nghề chế tác con rối mà cuộc sống của người dân trong làng càng được cải thiện tích cực.

Ông Mẽ phấn khởi cho biết: “Cứ có đơn hàng mới là người dân làng Rạch lại tập trung làm và hoàn thiện trong thời gian sớm nhất, nên hiện nay làng có khá nhiều mối khách, không chỉ trong nước mà cả ngoài nước.”.

Gian nan phục dựng nghề cổ

Từ bao đời nay, biểu diễn rối và tạo ra những con rối là nghề truyền thống của người dân làng Rạch. Tuy nhiên, trong những năm kháng chiến, các cụ già giữ “bí kíp” nghề này đều đã qua đời, vì thế nghề cũng dần mai một. Và tiếng tăm rối nước làng Rạch cũng “lịm” dần đi, về sau không ai làm nghề này nữa.

Hòa bình lập lại, được Nhà nước quan tâm, khuyến khích khôi phục lại nghề truyền thống, nhưng đếm trên đầu ngón tay chẳng được mấy người. Hình ảnh làng quê người người đi xem diễn trò chú Tễu cưỡi trâu thổi sáo… chỉ là hồi ức, giờ không còn nữa. Tình cảm đó càng hun đúc trong quyết tâm phục dựng lại nghề rối làng Rạch. “Quả thật việc phục dựng lại những trò truyền thống đã khó nhưng khâu chọn gỗ làm tượng rối lại còn khó gấp bội, nhất là khi nguyên liệu và khuôn mẫu cũng đã bị thất truyền lâu năm” - Ông Mẽ bộc bạch.

Từ năm 1994, ông Mẽ thành lập hội rối, gồm 9 người chuyên đi các nơi biểu diễn. Tiếng lành đồn xa, những trò diễn đặc sắc có một không hai do hội rối Làng Rạch biểu diễn đã “hớp hồn” quan khách trong buỗi trình diễn tại “Đoàn Quỹ văn hóa Hà Nội”. Từ năm 1995 đến 2009, hội rối được chọn đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới như: Đài Loan, Thái Lan, Canada, các nước Tây Âu… Nghệ nhân Phạm Văn Mẽ bày tỏ: “Đây là cơ hội để phục dựng nghề truyền thống, cần phải chớp lấy cơ hội, cũng là dịp để quảng bá văn hóa Việt ra bạn bè thế giới. Rồi cả thế giới sẽ biết đến rối nước làng Rạch. Nghĩ thế ông lại vừa mừng vừa lo, ông nói: “Biết bao đêm tôi không ngủ được, cứ nghĩ đến lại không nuốt được miếng cơm. Nếu mình không làm được là có lỗi với tổ tiên”. Đó cũng là lý do khiến ông từ chối đến giảng dạy ở các trung tâm hội rối Trung ương.

 

Ông Mẽ bên những con rối do ông và những nghệ nhân trẻ trong làng tạo nên. Ảnh: Kim Chiến

Bao nhiêu gian nan đã đến với ông Mẽ, trong những ngày đi tìm lại những chiếc “khuôn” cổ làm rối. Ông đã lặn lội khắp nơi, từ Thái Bình đến Hưng Yên, Bắc Ninh… để tìm bằng được chú Tễu bằng gỗ dù là đã cũ mục. Ông tâm sự: “Thời gian trước phương tiện đi lại rất thiếu thốn, đi bằng phà, đạp xe... Giờ thì thuận tiện hơn, ngày nào chưa tìm ra, là ngày đó ăn không ngon, tối ngủ không yên”. Đúng là trời không phụ lòng người, sau 1 tháng long đong đi tìm kiếm cuối cùng cũng tìm đúng mẫu, đó là con rối ở một phường rối ở Bắc Ninh, ông đã mua về tháo xem kích cỡ, kiểu dáng đến cách trang trí. Bằng trí nhớ của mình ông hình dung lại những con rối xưa đi theo bố từng làm và biểu diễn. Sau hơn 30 ngày nỗ lực, cuối cùng ông đã tạc thành công chú Tễu khổng lồ với đường kính trên 70cm. Tượng rối này đã trước đây có khách nước ngoài đặt làm nhưng trong làng rối không ai dám nhận.

Phần thưởng cho sự nỗ lực này là 10 triệu đồng, nhưng số tiền cũng chẳng thấm vào đâu bởi theo ông Mẽ, cái quý giá nhất là đã phục dựng được sân khấu biểu diễn ngay tại sân đình của làng quê mình.

Bảo tàng con rối ông Mẽ

Nghệ nhân Phạm Văn Mẽ là người có công lớn trong việc khôi phục, duy trì phát triển nghệ thuật múa rối ở làng Rạch - Nam Giang. Đến thăm cơ sở chế tác rối của ông, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi tận mắt chứng kiến bảo tàng con rối mà ông mất bao công sức chế tác, sưu tầm. Khắp trong nhà ngoài sân tràn ngập rối nước dây, rối que, rối cạn... Hơn thế nữa, nghệ nhân này còn lưu giữ hàng nghìn trò diễn rối khác nhau.

Trọng tâm cho những chuyến lưu diễn ở nước ngoài, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành, ông Mẽ cùng phường rối thường tập trung phục dựng các trò diễn cổ, đặc biệt các trò từ thời Lý - Trần. Nhiều năm nay, phường rối thường xuyên hợp tác biểu diễn với Nhà hát múa rối nước Thăng Long, Hà Nội phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa lớn cũng như phục vụ khán giả Thủ đô. 

“Nghệ thuật múa rối là sự cộng hưởng với độ tinh tế cao của người nghệ sĩ từ khâu tạo hình cho các nhân vật rối đến sự khéo léo, phối hợp nhịp nhàng với bạn diễn trong từng tích trò. Cần đặc biệt chú ý đến việc đẽo gọt, chăm chút phần gương mặt, các khớp chi của con rối, giúp rối cử động linh hoạt khi biểu diễn. Ở phường rối làng Rạch, các con rối thường được làm bằng gỗ cây sung, cây mỡ đã ngâm kỹ dưới nước nên tránh được mối mọt, lại dễ đục đẽo, gọt tỉa trong quá trình tạo hình cũng như khi biểu diễn”, ông Mẽ chia sẻ.  

Ông Mẽ cho biết: “Dịp Tết này sẽ có nhiều trò diễn hay, chúng tôi đang tập những trò diễn cổ, trong đó có tiết mục “Chiếu dời đô” thời nhà Lý và “Mừng Đảng mừng xuân” mà trước kia ở các cuộc trình diễn chưa hề có”./.

Kim Chiến – Phạm Tuấn

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực