Hoài Đức chuyển mình mạnh mẽ trên đường phát triển

Thứ ba, 05/02/2019 13:56
(ĐCSVN) - Thực hiện Đề án xây dựng Hoài Đức trở thành quận vào năm 2020, thời gian qua, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã có những bước phát triển khá toàn diện, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội…

 

Một góc Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn - An Khánh, huyện Hoài Đức (Ảnh: QĐ)


Hoài Đức là huyện ngoại thành cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 16 km. Với tổng diện tích đất tự nhiên 8.246 ha, dân số trên 23 vạn người, 20 đơn vị hành chính (gồm 19 xã và 1 thị trấn), huyện Hoài Đức có những lợi thế của vùng ven bãi sông Đáy và vùng ven đô; có nhiều ngành nghề truyền thống và các trục đường giao thông lớn chạy qua như QL32, Đại lộ Thăng Long… hội tụ các điều kiện để phát triển tổng hợp các lĩnh vực kinh tế sản xuất. Ngoài nông nghiệp hàng hóa vùng bãi kết hợp du lịch sinh thái, Hoài Đức còn phát triển thương mại, dịch vụ, các khu đô thị, cơ cấu kinh tế bao gồm công nghiệp, thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp. Trong đó riêng về thủ công nghiệp, hiện nay, toàn huyện Hoài Đức có 51/53 làng có nghề; có 12/51 làng được công nhận làng nghề truyền thống. Điển hình là các làng nghề truyền thống nổi tiếng: Điêu khắc sơn tạc tượng Sơn Đồng, bánh kẹo, dệt kim La Phù; chế biến nông sản Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, La Phù, Ngự Câu… Sản phẩm từ các làng nghề được tiêu thụ trên toàn quốc và xuất khẩu sang một số nước trên thế giới.

Hướng mạnh vào khai thác những lợi thế nói trên gắn với những giải pháp đồng bộ, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Đức đã chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động. Đặc biệt, trong 2018 vừa qua, kinh tế của huyện tiếp tục phát triển trên các lĩnh vực đảm bảo tăng trưởng khá 10,65%; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng cao. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 2.215 tỷ đồng, đạt 142,7% dự toán Thành phố giao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Thương mại - Dịch vụ 51,51%; Công nghiệp - Xây dựng 42,69%; Nông nghiệp 5,8%.

Tìm hiểu được biết, một điểm nhấn nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội của Hoài Đức đó là huyện đã quan tâm thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích phát triển kinh tế làng nghề. Theo đó, hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề tiếp tục được duy trì hiệu quả, tốc độ tăng trưởng tốt, các mặt hàng dệt may, bánh kẹo, chế biến nông sản, mộc, cơ khí,… giữ vững được thị trường tạo thu nhập, giải quyết việc làm thường xuyên tại các làng nghề, góp phần ổn định, nâng cao đời sống của nhân dân. Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 6.279 tỷ đồng, tăng 9,03% so với cùng kỳ. Anh Nguyễn Văn Thanh, chủ một cơ sở sản xuất bánh kẹo ở thôn Chùa Tổng, xã La Phù chia sẻ: “Trong điều kiện thị trường có nhiều biến động, những chính sách hỗ trợ của các cấp đã giúp doanh nghiệp tháo gỡ nhiều khó khăn về vốn đầu tư, đất xây dựng nhà xưởng… Qua đó, giúp cho hoạt động sản xuất được duy trì và phát triển mở rộng”.

Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh của vùng ven bãi sông Đáy, cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế sang các ngành phi nông nghiệp, huyện Hoài Đức cũng luôn quan tâm đặc biệt cho phát triển nông thôn. Minh chứng là sau 5 năm thực hiện Chương trình “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới”, đến năm 2017, Hoài Đức được Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới. Năm 2018, huyện đẩy mạnh triển khai hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung gắn với các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung vùng bãi giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo; phát triển mở rộng vùng sản xuất rau an toàn tại xã Tiền Yên; Triển khai thực hiện xây dựng mô hình liên kết chuỗi rau tại hợp tác xã nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên với quy mô khoảng 10ha…

Đồng thời, các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hoài Đức quan tâm; các hoạt động thông tin cổ động, tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ được triển khai kịp thời, có hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, triển khai tốt công tác quốc phòng quân sự địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Hoàng Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết: Với quan điểm, nhân dân phải là người trực tiếp thụ hưởng sự phát triển của địa phương, các chính sách an sinh xã hội đã được Hoài Đức thực hiện đầy đủ, kịp thời, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,92%. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa năm 2018” được triển khai hiệu quả. Năm 2018, tỷ lệ số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa chiếm 87% vượt 9,8% kế hoạch Thành phố giao; 114/130 làng văn hóa, chiếm 87,7%, vượt 10% kế hoạch Thành phố giao; cơ quan, đơn vị văn hóa 159/200, đạt 79,5%. Cùng với đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông trục chính, huyện đã đầu tư xây dựng các đường giao thông nông thôn, đến nay, toàn huyện đã nâng cấp, cải tạo 194 km đường làng, ngõ xóm, cứng hóa 463 km đường liên thôn, liên xã. 100% các tuyến đường huyện, đường tỉnh được đầu tư lắp đặt đèn chiếu sáng…

Thực tế cho thấy, huyện Hoài Đức vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, cũng có nhiều khó khăn cần được các ban, ngành chức năng hỗ trợ, tháo gỡ. Phát huy những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thời gian tới, huyện Hoài Đức sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ mạnh mẽ các giải pháp, biện pháp xây dựng huyện Hoài Đức thành quận theo chỉ đạo của Thành phố; triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng các cụm, điểm công nghiệp theo quy hoạch. Thu hút đầu tư các trung tâm thương mại dịch vụ lớn tại một số vị trí theo quy hoạch; tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, giao thông; tiếp tục duy trì, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới phù hợp với tiêu chí quận và phường; khuyến khích phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất nông nghiệp giá trị kinh tế cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; Thực hiện tốt các chính sách xã hội, chế độ chính sách đối với người có công, các đối tượng xã hội; các chương trình, dự án hướng tới giảm nghèo bền vững.

Với tinh thần đoàn kết và nỗ lực vượt khó, tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoài Đức sẽ tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng trên con đường xây dựng Hoài Đức trở thành một trong những khu vực đô thị phát triển toàn diện; hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hoài Đức trở thành quận của Thủ đô Hà Nội vào năm 2020./.

TL
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực