Tình nguyện viên Muto Tadashi hiện đang làm việc tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng
(Ảnh: Kiều Giang)
“Thầy giáo” Muto
Tình nguyện viên Muto Tadashi năm nay 63 tuổi, ông sinh ra và lớn lên ở tỉnh Shizouka, miền Trung Nhật Bản. Trước khi nghỉ hưu, ông đã làm cho các tập đoàn đa quốc gia ở Nhật và Đức, chuyên về phát triển những sản phẩm hóa chất mới.
Ông nói, khi về hưu, sức khỏe của ông vẫn rất tốt, tinh thần minh mẫn và ông muốn tiếp tục được mang những kinh nghiệm, kiến thức mình tích lũy được để làm một việc gì đó có ích. Khi biết Chương trình phái cử Tình nguyện viên của JICA, ông đã đăng ký và được cử đến Việt Nam làm việc với tư cách tình nguyện viên cao cấp. Ông làm việc tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng với nhiệm kỳ 2 năm, từ tháng 3/2017 đến tháng 3/2019 với mục tiêu giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa cải thiện chất lượng và năng suất.
Ông Muto chia sẻ, trước khi đi tình nguyện, ông chưa biết nhiều về Việt Nam nhưng trong gần 2 năm làm việc và tiếp xúc với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hải Phòng, ông đã thấy nhiều điểm khác biệt giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
Chẳng hạn, ở các công ty Nhật Bản, những công nhân ở xưởng cũng có danh thiếp làm việc trong khi điều này không được chú trọng tại các doanh nghiệp ở Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam thường quan tâm đến kết quả công việc, trong khi doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm cả quá trình thực hiện và kết quả. Việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm ở doanh nghiệp Việt thường ở cấp độ của cá nhân nhưng ở Nhật là cấp độ của công ty. Doanh nghiệp Nhật Bản chú trọng làm việc theo nhóm, chia sẻ kinh nghiệm là làm thế nào để nâng cao hiệu quả làm việc của nhóm.
Trong quá trình là tình nguyện viên cao cấp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, có cơ hội làm việc với các doanh nghiệp, ông Muto đồng ý với quan điểm: đào tạo và hướng dẫn về phương pháp quan trọng hơn là đưa ra một giải pháp cụ thể, hay nói một cách dễ hiểu là cho họ một chiếc cần câu sẽ tốt hơn thay vì cho họ một con cá.
Công ty cổ phần Bao bì đồ họa Indohoa là một trong những doanh nghiệp được đón tình nguyện viên Muto đến làm việc và hướng dẫn theo mô hình “5S” (Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc, Sẵn sàng). Điều ấn tượng với chúng tôi là khi đến đây, mọi người trong công ty đều gọi tình nguyện viên Muto là “thầy” với sự kính trọng và yêu quý.
Tình nguyện viên Muto hướng dẫn làm việc theo mô hình 5S tại Công ty Indohoa (Ảnh: Kiều Giang)
Anh Vũ Quang Huy – Giám đốc Công ty Indohoa cho biết, công ty đang cố gắng để xây dựng hình ảnh và phát triển công ty vươn ra những thị trường rộng lớn hơn, đắp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. Từ ngày “thầy Muto” đến, công ty anh đã có nhiều thay đổi, trong đó thay đổi lớn nhất là tạo được môi trường làm việc thân thiện, tư duy của mọi người (nhất là công nhân) có những cải thiện rõ rệt, góp phần nâng cao hiệu quả làm việc. Thầy truyền đạt những nội dung rất cơ bản, dễ hiểu từ mô hình doanh nghiệp 5S nên công nhân nắm bắt nhanh.
Theo anh Huy, trong số 5S thì “Sắp xếp” là S quan trọng nhất với đặc thù một công ty về in ấn bao bì như công ty anh. Trước đây, đồ đạc, đồ dùng của công ty rất nhiều nhưng sau được hướng dẫn về cách sắp xếp thì công nhân giảm được nhiều thao tác, không mất nhiều thời gian dọn dẹp như trước. Anh Huy mong rằng, từ những tư vấn của thầy Muto, công ty của anh sẽ ngày càng hoàn thiện hơn. Đồng thời, anh cũng muốn tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa Nhật Bản để công ty có thể tiếp cận và mở rộng thị trường sang Nhật Bản.
Để ngôn ngữ không còn là rào cản
Chúng tôi tham dự một tiết học tiếng Nhật vào một ngày mưa rét cuối năm 2018 tại Cung Văn hóa thiếu nhi thành phố Hải Phòng. Trái ngược với thời tiết bên ngoài, lớp học rất vui vẻ và ấm áp bởi sự nhiệt tình của các cô giáo và sự hứng khởi của các em học sinh. Tiết học có sự kết hợp giữa bộ môn tiếng Nhật và rèn kỹ năng sống với sự tham gia của hai cô giáo người Việt (cô Hương và cô Hồng) và cô giáo người Nhật Kawakami Mayuko.
Không chỉ là học tiếng thông thường, các em còn được trải nghiệm văn hóa Nhật như tham gia gấp giấy origami, chơi trò chơi của các bạn nhỏ ở Nhật,.. Em Trần Anh Thư (học sinh lớp 3, trường Tiểu học Lê Hồng Phong) cho biết: “Em cảm thấy rất vui mỗi khi đi học tiếng Nhật. Tuy chữ viết hơi khó nhưng khi được cô Kawakami hướng dẫn, em cảm thấy thích thú hơn mỗi ngày. Cũng nhờ các tiết học này, em được biết thêm về một số bài hát tiếng Nhật”.
Tình nguyện viên Kawakami Mayuko giảng dạy tiếng Nhật tại Cung Văn hóa thiếu nhi Hải Phòng
(Ảnh: Kiều Giang)
Cô Kawakami Mayuko sinh năm 1986, bắt đầu tới Việt Nam làm tình nguyện viên từ tháng 7/2017 với nhiệm kỳ gần 2 năm (kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 3/2019). Sau khi học xong chương trình sau đại học cho giáo viên tiếng Anh (TESOL) tại Trường Sư phạm – Đại học Newcastle (Australia) và có được kinh nghiệm 5 năm giảng dạy tiếng Anh tại trường THPT Kinomoto, cô Kawakami tham gia Chương trình phái cử Tình nguyện viên của JICA. Cô làm việc tại Cung Văn hóa thiếu nhi thành phố Hải Phòng, chịu trách nhiệm quản lý “Câu lạc bộ tiếng Nhật”.
Trong thời gian gần 2 năm làm việc tại đây, cô cùng với các cán bộ của Cung đã có nhiều hoạt động giúp cải thiện hoạt động của Câu lạc bộ như: giảng dạy tiếng Nhật cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, cải thiện nội dung, chương trình giảng dạy; tổ chức các sự kiện giới thiệu văn hóa Nhật Bản, sự kiện giao lưu với người Nhật, tổ chức chuyến đi tham quan các doanh nghiệp Nhật tại Hải Phòng để chia sẻ về đất nước, con người, văn hóa Nhật Bản.
Tháng 9 vừa qua, được sự hỗ trợ của đồng nghiệp, những người bạn Việt Nam, các tình nguyện viên JICA khác, cô Kawakami đã tổ chức thành công “Triển lãm hòa bình Hiroshima – Nagasaki” để các bạn trẻ Hải Phòng biết về vụ ném bom nguyên tử ở 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki, tìm hiểu tác hại của chiến tranh, suy nghĩ về tầm quan trọng của hòa bình.
Cô và trò cùng hòa vang một bài hát tiếng Nhật trong giờ giải lao (Ảnh: Kiều Giang)
Là một người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam nhưng ngôn ngữ không phải là rào cản để cô hòa nhập với cuộc sống và công việc ở đây. Cô sử dụng linh hoạt ba ngôn ngữ (Nhật, Việt, Anh) để trao đổi, giảng dạy và giao lưu với mọi người. Chính điều này đã khiến cô cảm thấy Việt Nam gần gũi, thân thiện như quê hương thứ hai của mình.
Chia sẻ với chúng tôi, cô Kawakami Mayuko nói rằng, cô yêu quý sự thân thiện, hiếu khách của người Việt Nam và cô cảm thấy vui khi được góp phần nhỏ bé của mình làm gần hơn văn hóa Nhật Bản với Việt Nam. Khi trở về Nhật Bản, cô sẽ kể với người thân và học sinh của mình về Việt Nam, về những trải nghiệm tuyệt vời mà cô có được trong hai năm sinh sống và làm việc tại đất nước hình chữ S.
Chương trình phái cử Tình nguyện viên JICA được bắt đầu tại Việt Nam vào tháng 3 năm 1995, với việc cử 3 tình nguyện viên dạy tiếng Nhật đến Hà Nội. Trong hơn 20 năm qua, JICA đã cử trên 640 tình nguyện viên đến làm việc ở nhiều lĩnh vực, dựa trên yêu cầu của Chính phủ Việt Nam. Thời điểm này, có 64 tình nguyện viên đang công tác tại các lĩnh vực như y tế, giáo dục đặc biệt, giảng dạy tiếng Nhật, du lịch, thể thao, phát triển công nghệ phụ trợ… |