Nữ nhà báo kết nối truyền thông hai nước Việt Nam và Áo

Thứ bảy, 09/02/2019 12:03
(ĐCSVN) – Là một người hoạt động trong lĩnh vực báo chí và truyền thông tại Áo, nhà báo Nguyễn Thị Bích Yến hiểu được vai trò của báo chí, truyền thông trong việc kết nối bạn bè quốc tế với Việt Nam. Chị đã nỗ lực xây dựng nhiều chương trình hợp tác về truyền thông giữa hai nước Việt Nam và Áo.
Nhà báo Bích Yến phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Áo Lê Dũng
(Ảnh do nhân vật cung cấp)

Từ mối lương duyên với nghề báo...

Tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành kinh tế, kế toán song với niềm đam mê làm báo, viết báo, chị Nguyễn Thị Bích Yến đã quyết định đến với nghề báo. Trước kia, nhà báo Nguyễn Thị Bích Yến là phóng viên theo dõi mảng văn hóa nghệ thuật và sau khi định cư tại Áo, chị là đại diện của báo Văn nghệ Việt Nam tại Áo và EU và là cộng tác viên tích cực của nhiều tờ báo và các đài truyền hình tại Việt Nam.

Ngày mới ra trường, chị được tuyển vào làm việc tại Trung tâm văn hóa Hội Nhà văn, rồi Hãng phim Hội nhà văn Việt Nam, lúc đầu chị làm chuyên viên kinh tế, kế toán, nhưng do có năng khiếu, lại yêu viết lách từ nhỏ nên chị đã tham gia viết bài, là cộng tác viên cho báo Văn nghệ trẻ, Hội nhà văn Việt Nam và một số tờ báo khác. Chị kể, trong một lần tác nghiệp tại miền Trung, chị đã phát hiện ra chính quyền địa phương lừa gạt cấp trên, dối trá người dân, lạm dụng chức quyền để tham ô số lượng lớn gạo cứu trợ của chính phủ dành cho đồng bào lũ lụt. Lúc đó, chị vừa tác nghiệp, vừa gọi điện cho một số tờ báo và cuối cùng chị đã nhận được sự hậu thuẫn tích cực của các tờ báo để phanh phui sự việc… Từ đó, chị nhận thấy “báo chí có một sức mạnh rất lớn đối với xã hội và đối với những người dân thấp cổ bé họng”. Vậy là chị đã nuôi quyết tâm học báo, làm báo, rồi trở thành nhà nghiên cứu báo chí, truyền thông chuyên nghiệp như ngày nay.

Trong quá trình tác nghiệp tại Áo, nhà báo Bích Yến được cấp thẻ quốc tế và tác nghiệp, đưa tin toàn bộ các sự kiện chính trị từ nội các, Văn phòng Thủ tướng, Tổng thống Áo, các hoạt động của EU và Liên hiệp quốc tại Vienna. Đặc biệt, vừa rồi Bích Yến là một trong số ít các nhà báo Việt Nam được trực tiếp tham dự và đưa tin về các hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Áo vào tháng 10/2018. Xúc động nhớ lại khoảnh khắc tác nghiệp trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Áo, nhà báo Bích Yến chia sẻ: “Được tham dự đưa tin về các hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm Áo là một cơ duyên lớn của tôi vì đây là lần đầu tiên trong gần 10 năm định cư và tác nghiệp tại nước ngoài, tôi được đón và tham dự đưa tin về các hoạt động của nguyên thủ Việt Nam sang thăm đất nước này. Tại chuyến thăm này, tôi đã được gặp lại các nhà báo, đồng nghiệp của tôi trước kia tại Việt Nam và được trao đổi với họ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ ngay tại văn phòng của Thủ tướng Áo.”

Không chỉ cập nhật các thông tin diễn ra tại Áo, EU, Liên hiệp quốc tại Vienna, nhà báo Bích Yến còn tích cực truyền tải các thông tin về đời sống của người Việt tại Châu Âu tới bà con ở những nước sở tại. 

Đánh giá về vai trò của nhà báo Bích Yến trong việc truyền tải thông tin về hoạt động của cộng đồng người Việt tại Áo, Đại sứ Việt Nam tại Áo Lê Dũng cho biết, nhà báo Bích Yến là người tích cực tuyên truyền về các hoạt động của Đại sứ quán, về tình hình cộng đồng bà con Việt kiều, cũng như quan hệ Việt Nam và Áo đến với công chúng hai nước. Những thông tin đó đã góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa hai nước Việt Nam và Áo.

Bên cạnh việc bám sát, đưa tin về những sự kiện diễn ra tại Áo, nhà báo Bích Yến còn thực hiện các chuyến thực tế đến Hungary, Séc, Slovakia và nhiều quốc gia châu Âu khác. Những chuyến đi này giúp chị hiểu hơn về cuộc sống của bà con người Việt tại châu Âu, đưa thông tin về các hoạt động, về cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu đến với người dân trong nước, đến với kênh truyền hình đối ngoại trong nước… 

… đến thành công bước đầu

Ngoài vai trò là một nhà báo, Bích Yến còn là một nhà nghiên cứu về truyền thông, xây dựng nhiều chương trình hợp tác giữa các cơ quan báo chí và cơ sở đào tạo báo chí truyền thông của hai nước Việt –  Áo.

Có thể nói, nơi đặt nền móng đầu tiên cho công việc nghiên cứu báo chí truyền thông của nhà báo Bích Yến tại Cộng hòa Áo là tờ báo Wiennerisches Diarium (Wiener Zeitung ) – cơ quan “phát ngôn” của Chính phủ nước Cộng hòa Áo với bản in đầu tiên được phát hành ngày 8/8/1703. Wiener Zeitung chuyên về các mảng tin tức xoay quanh đời sống chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội của Áo, EU. Ngày nay với sự phát triển của nhiều loại hình báo chí truyền thông, Wiener Zeitung vẫn đang hoạt động rất tốt với lượng độc giả cao cấp tại Áo và nhiều nước châu Âu, và một phần thị trường Bắc Mỹ, hiện nó đã trở thành tập đoàn. Đây cũng được coi là nơi khởi nguồn của những dự án kết nối truyền thông mà nhà báo Bích Yến đã dày công vun đắp trong hơn một thập kỷ qua.

Nhớ lại những ngày đầu tiên đến “thử sức” tại môi trường làm việc mới có bề dày lịch sử nổi tiếng trong làng báo của châu Âu, nhà báo Bích Yến tâm sự: “Wiener Zeitung là một trong những tờ báo lâu đời nhất thế giới còn tồn tại, tôi rất ngỡ ngàng vì sự phát triển hưng thịnh và vững mạnh của tờ báo này tính đến thời điểm hiện nay. Năm 2008, sau khi nhận được học bổng hỗ trợ của một Quỹ học bổng quốc tế cho chương trình nghiên cứu Thạc sĩ, tôi đã mạnh dạn đặt vấn đề với ban lãnh đạo báo Wiener Zeitung muốn thực tập tại tòa soạn này. Họ rất là vui trước nguyện vọng của tôi nhưng cũng tỏ ra băn khoăn vì chưa bao giờ họ nhận người châu Á hay nhận người nước khác vào đó để thực tập, nghiên cứu. Tuy nhiên, sau những lần trao đổi, đàm phán và đưa ra những ý tưởng trong việc triển khai công việc, tôi đã tạo được sự chú ý và thiện cảm của lãnh đạo tờ báo Wiener Zeitung lúc bấy giờ”.                


Nhà báo Bích Yến (áo vàng) vinh dự được gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
tại buổi gặp gỡ kiều bào tiêu biểu diễn ra tháng 1/2019. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

 Ý tưởng đầu tiên nhà báo Bích Yến đưa ra với Tiến sĩ Wolfgang Renner (Viện trưởng Wiener Zeitung) lúc đó là xây dựng một chuyên san đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, thể hiện sự kết nối giữa hai thủ đô Vienna của Áo và Hà Nội, Việt Nam. Để thực hiện ý tưởng này, nhà báo Bích Yến đã đầu tư nhiều công sức cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về hai nền văn hóa Áo – Việt. Với sự hỗ trợ của các nhà báo Áo, những hình ảnh về thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến đã lần đầu tiên xuất hiện trên Chuyên san ngoại giao “Dossier 1000 Jahre Ha noi - Chào Hà Nội 1000 năm” - tờ báo hoàng gia của Cộng hòa Áo, Wiener Zeitung. Chuyên san này đã bán được hơn 50.000 bản bằng tiếng Đức tại thị trường Châu Âu; hàng nghìn bản tại thị trường Bắc Mỹ và hơn 10.000 bản bằng tiếng Anh tại Việt Nam. Đây được coi là ấn phẩm xuất bản chung đầu tiên, đánh dấu mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực báo chí truyền thông giữa Cộng hòa Áo và Việt Nam.

Từ những thành công bước đầu cộng với sự nỗ lực và tài năng, nhà báo Bích Yến đã được nhận thực tập, nghiên cứu tại Wiener Zeitung và chính Tiến sĩ Wolfgang Renner, Viện trưởng Wiener Zeitung là người chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật luận văn Thạc sĩ rồi Tiến sĩ cho cô với đề tài “Công chúng thị trường báo chí –truyền thông Áo” .

Niềm đam mê mãnh liệt với nghề báo và nghiên cứu truyền thông đã giúp nhà báo Bích Yến vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành nghiên cứu về công chúng báo chí - truyền thông  của Áo. Luận văn Thạc sĩ “Giải pháp phát triển công chúng - thị trường của báo Wiener Zeitung” của chị Bích Yến đã được Cơ quan Help.gv của Chính phủ Áo đánh giá cao và được lưu giữ làm tư liệu tại Thư viện Quốc gia.

Không dừng lại ở đó, dựa trên những nghiên cứu của mình về Wiener Zeitung,  năm 2012 - nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Cộng hòa Áo và Việt Nam (1972 – 2012), nhà báo Bích Yến đã cho ra mắt cuốn sách  “Phát triển công chúng thị trường báo chí như thế nào? Kinh nghiệm của tờ báo Wiener Zeitung, Cộng hòa Áo”. Công trình này đã được trích dẫn, sử dụng làm tài liệu tham khảo cho nhiều hoạt động nghiên cứu, hoạt động thực tiễn của báo chí Việt Nam và báo chí của kiều bào Việt tại nước ngoài.

Tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học xã hội, năm 2013, nhà báo Bích Yến đã tiến hành một nghiên cứu sâu hơn với luận án Tiến sĩ về “Chiến lược và giải pháp phát triển công chúng thị trường báo Wiener Zeitung (Cộng hòa Áo)” (nghiên cứu thực trạng ba tập đoàn báo chí- truyền thông lớn của Áo, EU là APA, ORF, WZ). Qua đây, chị mong muốn xây dựng một tài liệu tham khảo chuyên sâu cho ngành báo chí truyền thông Việt Nam, dựa trên những kinh nghiệm của một tờ báo lâu đời và thành công nhất tại châu Âu. Luận án này đã giới thiệu mô hình kinh doanh báo chí - truyền thông, tích hợp, hiệu quả của Wiener Zeitung (APA, ORF) về chiến lược và giải pháp phát triển công chúng thị trường báo chí truyền thông cũng như cách thức xây dựng một tờ báo trở thành “biểu tượng văn hóa của dân tộc”.

Năm 2017, được sự ủng hộ, hỗ trợ từ gia đình và dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học hai nước, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Dững,  Giáo sư – Tiến sĩ Thomas A.Baeur, Tiến sĩ Wolfgang Renner, nhà báo Bích Yến đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án Tiến sĩ. Luận án Tiến sĩ của nhà báo Bích Yến đã được các giáo sư đánh giá cao bởi tính khoa học, tính lịch sử, tính thực tiễn và ứng dụng cao… Đây sẽ là tư liệu tham khảo ý nghĩa đối với những người làm báo, lãnh đạo và nghiên cứu báo chí-truyền thông của Áo và Việt Nam.

Đánh giá về những công trình mà nhà báo Bích Yến đã nghiên cứu, Tiến sĩ Wolfgang Renner, Viện trưởng Wiener Zeitung tâm sự: “Với tôi, Bích Yến không chỉ một nhà báo mà còn là một nhà văn và còn là một nhà khoa học. Một nhà khoa học về báo chí, truyền thông. Cô ấy đã đem đến một cái nhìn tổng quát về công chúng truyền thông của Áo. Điều này thể hiện rất rõ qua các đề tài luận văn mà Bích Yến lựa chọn để nghiên cứu. Đó là về vấn đề quảng cáo, về cách thu hút độc giả. Và cô ấy đã có những nghiên cứu rõ ràng và khách quan.”

Để tạo dựng được chỗ đứng trong làng báo chí của Áo, EU cũng như gây dựng được tên tuổi của mình trong giới nghiên cứu khoa học báo chí truyền thông tại Áo, nhà báo Bích Yến đã phải trải qua rất nhiều thách thức với những giọt mồ hôi và cả nước mắt. Nhà báo Bích Yến tâm sự: “Đã có những lúc tôi nghĩ sẽ bỏ cuộc. Nếu tôi làm ở Việt Nam thì sẽ dễ dàng hơn nhiều ở nơi đất khách quê người này. Nhưng vì đam mê với nghề báo chí truyền thông và vì giờ đây Áo là quê hương thứ hai của mình nên tôi phải bỏ nhiều công sức để nghiên cứu về báo chí Áo, EU. Hơn nữa, tôi đang làm công tác kết nối nghiên cứu báo chí truyền thông giữa Việt Nam và Áo, EU, nên phải hiểu rõ về thị trường, về công chúng báo chí truyền thông cũng như phải hiểu về lịch sử thể chế, lịch sử bối cảnh, lịch sử xã hội của hai nước để việc kết nối mang lại hiệu quả và khả thi nhất”.

Cầu nối kết nối truyền thông giữa Việt Nam và Áo

Bên cạnh những công trình nghiên cứu khoa học, cung cấp tài liệu tham khảo cho các hoạt động nghiên cứu và hoạt động thực tiễn của báo chí Việt Nam, nhà báo Bích Yến còn tham gia tích cực vào việc kiến tạo các chương trình giao lưu trao đổi đoàn giữa các nhà báo quốc tế và nhà báo Việt Nam. Các chuyến đi thực tế sẽ giúp các nhà báo quốc tế có cái nhìn khách quan, chân thực về đất nước, con người Việt Nam. “Ngay từ những năm đầu tiên định cư tại Áo, tôi đã tìm cách kết nối các cơ sở đào tạo về báo chí giữa hai nước. Bởi chỉ có bằng cách này, người Áo cũng như người châu Âu mới biết và hiểu rõ hơn về báo chí Việt Nam để qua đó có thể cùng nhau hợp tác nghiên cứu về lĩnh vực này”, nhà báo Bích Yến chia sẻ.

Với suy nghĩ đó, từ năm 2009 nhà báo Bích Yến đã kết nối thành công nhiều đoàn các nhà báo, nhà khoa học, chuyên gia giữa hai nước. Năm 2013, nhà báo Bích Yến đã cùng những người thầy tại Học viện Báo chí Tuyên truyền và Đại học Tổng hợp Vienna, Cộng hòa Áo xây dựng, kết nối đoàn nhà báo, chuyên gia của Đại học Vienna (Áo) và quốc tế đến Việt Nam tham dự Hội thảo "Báo chí trong quá trình toàn cầu hóa: Cơ hội, thách thức và triển vọng". Hội thảo đã thu hút hơn 70 tham luận của các giáo sư, nhà nghiên cứu, giảng viên và nhà báo trong nước và quốc tế, trong đó tập trung thảo luận vào một số đề tài như “Hoạt động báo chí ở Áo và Việt Nam - Những điểm tương đồng”; “Đào tạo báo chí và phát triển nghiệp vụ báo chí- Quan điểm mới về năng lực nghề nghiệp”; “Ngoại giao công chúng- Báo chí và ngoại giao”… Đây cũng chính là cơ hội để giúp các nhà báo quốc tế, trong đó có nhiều nhà báo của Áo hiểu thêm về Việt Nam và tìm kiếm những cơ hội hợp tác truyền thông giữa hai nước.

Nhà báo Bích Yến kết nối các nhà khoa học báo chí, truyền thông Việt Nam
với Tổng thống Áo Heinz Fischer (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Từ năm 2013 đến nay, nhà báo Bích Yến đã cùng Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Giáo sư Thomas A Bauer, đã đặt nền móng xây dựng chương trình Khóa học mùa hè tại Áo. Theo đó, hàng trăm lượt nhà báo, nghiên cứu sinh, giảng viên, nhà khoa học, lãnh đạo báo chí của Việt Nam đã sang học tập, nghiên cứu tại các trường đại học và các cơ quan báo chí lớn của Áo, EU, đồng thời, hai bên đã thực hiện một số công trình nghiên cứu khoa học chung. Đặc biệt Học viện Báo chí Tuyên truyền (AJC) và Viện Truyền thông - Đại học Tổng hợp Wien, đã hai lần thực hiện việc kí kết biên bản ghi nhớ và nâng cấp mối quan hệ hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu báo chí truyền thông.      

Chưa dừng lại ở những gì đã đạt được, nhà báo Bích Yến vẫn đang ấp ủ dự định thành lập một quỹ truyền thông mang tên một cuốn sách mà chị sắp ra mắt để hỗ trợ những nhà báo trẻ Việt Nam sang Áo và châu Âu học tập, nghiên cứu cũng như đóng góp cho các hoạt động giao lưu, trao đổi về báo chí truyền thông của hai nước.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, nhà báo Bích Yến đã để lại những dấu ấn đậm nét trong việc kết nối truyền thông, kết nối cộng đồng hai nước Việt Nam và Áo trong gần một thập kỷ qua./.    

Khánh Lan
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực