Nhân dịp đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc trao đổi với báo chí về kết quả của Ngành đạt được trong năm qua và những trọng tâm của ngành trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Đỗ Thoa
Phóng viên (PV): Thưa Bộ trưởng, năm 2018 đã khép lại với nhiều thành tích nổi bật của ngành Y tế, Bộ trưởng có thể điểm lại một số thành tựu nổi bật của y học nước nhà năm 2018 trong các lĩnh vực như khoa học, khám chữa bệnh, dược...?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Điều đầu tiên phải khẳng định thành tựu mà ngành y tế đạt được hôm nay luôn là sự kế thừa và hệ quả từ sự đầu tư và hệ thống cơ chế chính sách phù hợp của Đảng, Nhà nước, sự chung tay của cả cộng đồng, trong đó Bộ Y tế giữ vai trò đầu tầu trong chỉ đạo và điều hành.
Ở mảng khoa học và ứng dụng các kỹ thuật y học hiện đại, có thể nêu những thành tựu nổi bật như: Việt Nam tiếp tục được công nhận là một nước trong số ít làm chủ được công nghệ sản xuất vắc xin, tự nghiên cứu sản xuất vắc xin. Năm 2018, đánh dấu tiếp một vắc xin được sản xuất và đủ điều kiện thương mại hóa như vắc xin cúm mùa 3 type. Ứng dụng công nghệ sinh học vào sàng lọc và chẩn đoán phát hiện nhanh, chính xác các tác nhân gây dịch như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, là cơ sở để không xảy ra dịch trên quy mô lớn như các năm trước đây.
Cùng với đó, chúng ta cũng tiếp tục khẳng định làm chủ công nghệ ghép đa tạng, ngoài các kỹ thuật thường quy về ghép tim, ghép gan, ghép thận, ghép tủy, giác mạc, năm 2018 thực hiện thành công ghép phổi; Tiếp tục làm chủ, hoàn thiện đưa nhiều kỹ thuật y học Việt Nam đạt tầm thế giới (can thiệp mạch, phẫu thuật nội soi, hỗ trợ sinh sản); Thực hiện chuyển giao nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị như phẫu thuật nội soi, can thiệp tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, hỗ trợ sinh sản, điều trị ung thư máu, nhồi máu cơ tim, bệnh lý xương- khớp, bỏng, phẫu thuật tạo hình; ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh về máu.
Còn trong lĩnh vực khám chữa bệnh, có thể điểm ra những thành tựu nổi bật như củng cố mạng lưới khám, chữa bệnh từ trung ương đến xã với hơn 1.400 bệnh viện, 180.000 giường bệnh, hàng năm khám và điều trị ngoại trú cho 120.00 lượt người bệnh, điều trị cho hơn 10 triệu lượt người, thực hiện hàng triệu thủ thuật, khoảng 2 triệu ca phẫu thuật phức tạp hàng năm; Các trung tâm y tế chuyên sâu đang được triển khai hiệu quả. Nhờ đó nhiều kỹ thuật về chẩn đoán, phẫu thuật và điều trị ngang tầm với các nước trong khu vực như thụ tinh trong ống nghiệm, ghép tạng, trong đó đã ghép tim thành công. Cho đến nay, hệ thống y tế nước ta đã có 15 cơ sở ghép được tim, thận, gan, tim, ghép giác mạc, ghép tế bào gốc tạo máu…
Cùng với việc hình thành và phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu là khánh thành đưa vào sử dụng, khởi công nhiều công trình y tế hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Và lần đầu tiên việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với bảo hiểm y tế toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân được thực hiện với hơn 11.400 trạm y tế cấp xã, trong đó 78% số trạm có bác sĩ làm việc.
Mô hình bệnh viện vệ tinh đã giúp giảm tỷ lệ chuyển tuyến đạt từ 65 - 100% số ca chuyển tuyến ở những chuyên khoa thực hiện chuyển giao kỹ thuật tại các bệnh viện vệ tinh. Hiện đã xây dựng và hình thành 23 bệnh viện hạt nhân và 127 bệnh viện vệ tinh. 10 chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển là ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc. Những kết quả của Đề án bệnh viện vệ tinh đã từng bước giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện, đặc biệt là tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Năm 2018 ngoài các lĩnh vực trên ngành Dược cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh sản xuất thuốc, vắc xin sản xuất trong nước.
PV: Thưa Bộ trưởng, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo, vậy sau 1 năm thực hiện các Nghị quyết Trung ương về y tế thì việc triển khai có những thuận lợi, khó khăn gì? Kế hoạch thực hiện các Nghị quyết trong thời gian tới ra sao?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Có thể nói, thực hiện các Nghị quyết Trung ương, hệ thống chính sách, pháp luật y tế ngày càng được hoàn thiện; mạng lưới cơ sở y tế phát triển rộng khắp; nhân lực tăng nhanh; chất lượng dịch vụ được nâng lên; ngăn chặn kịp thời các bệnh dịch nguy hiểm, không để xảy ra dịch lớn; tài chính y tế có nhiều đổi mới đột phá; bao phủ bảo hiểm y tế được mở rộng. Tỉ lệ chi tiền túi của hộ gia đình cho khám, chữa bệnh giảm mạnh. Công nghệ thông tin từng bước được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực hoạt động của ngành.
Các chỉ số sức khỏe, tuổi thọ bình quân được cải thiện. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng về thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc. Đạo đức, phong cách, thái độ phục vụ, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế được chú trọng, nâng cao. Nhiều tấm gương y bác sĩ tận tụy chăm sóc, cứu chữa người bệnh được xã hội trân trọng, ghi nhận.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Chất lượng môi trường sống, làm việc, chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thân thể, văn hoá tinh thần ở nhiều nơi chưa được chú trọng, bảo đảm. Nhiều hành vi, thói quen ảnh hưởng xấu tới sức khỏe chưa được khắc phục căn bản. Chênh lệch chỉ số sức khỏe giữa các vùng, miền còn lớn. Tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn cao. Tầm vóc người Việt Nam chậm được cải thiện. Số năm sống khoẻ chưa tăng tương ứng với tuổi thọ.
Chất lượng dịch vụ, nhất là ở tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu. Quản lý y tế tư nhân, cung ứng thuốc, thiết bị y tế còn yếu. Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường còn nhiều khó khăn. Công nghiệp dược, thiết bị y tế phát triển chậm. Lợi thế của y, dược cổ truyền, dược liệu dân tộc chưa được phát huy tốt. Đào tạo, sử dụng, cơ cấu và chế độ đãi ngộ cán bộ y tế còn nhiều bất cập.
Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Đây là Nghị quyết hết sức quan trọng làm kim chỉ nam cho phát triển sự nghiệp y tế, tuy nhiên cũng là một sức ép mạnh mẽ trước nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó. Ngành y tế phải dồn toàn tâm, toàn lực để triển khai Nghị quyết.
Theo đánh giá sơ bộ, đến nay hầu hết các tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; Nhiều nhiệm vụ, đề án, chính sách Nghị quyết đề ra đã được xây dựng, triển khai. Một số đề án đã hoàn thành, được Chính phủ phê duyệt (như Chương trình sức khỏe người Việt; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; Nghị định kết hợp quân dân y); đã trình Quốc hội Dự án Luật phòng chống tác hại của rượu bia và trình Chính phủ, một số đề án quan trọng như Nghị định quy định cơ chế tự chủ; Nghị định sửa đổi Nghị định quản lý trang thiết bị y tế). Bộ Y tế cũng đã ban hành kế hoạch triển khai Quyết định 2348/QĐ-TTg; kế hoạch triển khai chương trình dinh dưỡng, sức khỏe học đường và ban hành nhiều thông tư hướng dẫn thực hiện cả về tổ chức, chuyên môn và tài chính, đặc biệt có hướng dẫn riêng về xây dựng mô hình trạm y tế xã điểm…
Bước vào năm 2019, ngành Y tế tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và triển khai các đề án, chính sách vĩ mô theo Chương trình hành động của Chính phủ và của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 19, 20-NQ/TW khóa XII về công tác y tế, dân số và Quyết định 2348 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy hoạch lại mạng lưới cơ sở y tế, sắp xếp các đơn vị y tế công lập theo hướng tinh gọn đầu mối, hiệu lực, hiệu quả, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính phù hợp; quyết tâm hoàn thiện mô hình trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, lấy người dân làm trung tâm, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án ODA đã được cam kết và dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và các Nhà tài trợ.
Các bác sĩ Việt Nam làm chủ nhiều kỹ thuật tiên tiến đạt tầm thế giới. Ảnh: Đỗ Thoa
PV: Như Bộ trưởng chia sẻ, năm 2018 là năm Bộ Y tế đẩy mạnh y tế cơ sở, đặc biệt là mô hình 26 trạm y tế xã điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả sơ bộ mà Ngành đã đạt được và kế hoạch nhân rộng mô hình này trên cả nước trong thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Ngay từ đầu năm 2018, ngành Y tế tập trung chỉ đạo, triển khai một số nội dung quan trọng để y tế cơ sở thực sự trở thành nền tảng của hệ thống y tế Việt Nam, trong đó có những đổi mới đột phá, thực chất, mạnh mẽ trong cơ chế và phương thức hoạt động của y tế xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, liên tục, toàn diện và lồng ghép. Giao nhiệm vụ theo Danh mục các dịch vụ kỹ thuật tuyến cơ sở bắt buộc phải thực hiện (nếu chưa đủ năng lực thì tổ chức tập huấn ngay). Quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã; nâng cao năng lực phát hiện, sàng lọc, kịp thời chuyển người bệnh lên tuyến trên và tiếp nhận, theo dõi, điều trị người bệnh từ tuyến trên chuyển về. Hoàn thiện mô hình Trung tâm y tế đa chức năng để gắn phòng bệnh với chữa bệnh, quản lý trực tiếp trạm y tế xã.
Về tài chính, giao nhiệm vụ phải kèm theo đổi mới cơ chế tài chính, phương thức chi trả cho y tế cơ sở. Ban hành và cập nhật gói dịch vụ y tế cơ bản phù hợp với khả năng chi trả của bảo hiểm y tế và ngân sách Nhà nước. Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống và ngược lại; xây dựng các quy trình chuyên môn, hướng dẫn điều trị; tiếp tục đào tạo theo địa chỉ để bổ sung nhân lực cho y tế cơ sở các vùng khó khăn; phân loại các trạm y tế xã để đầu tư không dàn trải, phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ở từng vùng miền, khu vực; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho các các trạm y tế xã ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo…
Triển khai quyết liệt Quyết định số 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tập trung hoàn thành mô hình 26 trạm y tế xã điểm, hoạt động theo nguyên lý y học gia đình để nhân rộng ra cả nước. Qua 1 năm thực hiện, Sở y tế, Trung tâm y tế huyện đã kịp thời bổ sung và đẩy mạnh luân phiên cán bộ y tế cho trạm; các trạm y tế xã điểm đã bước đầu được sắp xếp lại công năng, sửa chữa, nâng cấp, thay đổi nội thất, trang bị thêm máy tính, đẩy nhanh tiến độ mua sắm bổ sung trang thiêt bị y tế theo danh mục và nhu cầu sử dụng; ban hành cơ chế, chính sách tài chính phù hợp; cung cấp phần mền quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, kết nối thanh toán bảo hiểm y tế và quản lý, báo cáo thống kê hoạt động của trạm; các nhiệm vụ của trạm y tế bước đầu được triển khai trên diện rộng theo nguyên lý y học gia đình.
Nhiều trạm y tế đã lập hồ sơ, quản lý sức khỏe cả nhân, trong đó Hà Nội, Hà Tĩnh, Khánh Hòa và một số tỉnh khác đã lập hồ sơ quản lý khoảng 85% dân số. Đa số các trạm y tế đã triển khai quản lý một số bệnh không lây nhiễm. Đến nay đã có 9.655 trạm y tế xã triển khai quản lý bệnh nhân tâm thần phân liệt; 7.536 trạm y tế quản lý bệnh nhân động kinh. Tuy nhiên quản lý và điều trị số bệnh nhân tăng huyết áp mới được 13,6% và bệnh đái tháo đường được 28,9%.
Theo kế hoạch, đến hết quý I/2019, giải quyết cơ bản về cán bộ và trang thiết bị y tế cho 26 trạm y tế xã điểm và trạm y tế ở các tỉnh, thành phố lớn và các tỉnh thụ hưởng dự án WB, ADB, EU. Lộ trình đến 2025 bảo đảm khoảng 70% trạm y tế được đầu tư hoàn chỉnh, hoạt động theo nguyên lý y học gia đình và đến năm 2030, toàn bộ các trạm y tế trong cả nước đủ điều kiện và thực hiện mô hình này. Phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu Nghị quyết đề ra.
PV: Để thực hiện tốt những giải pháp mà Ngành đã đề ra, vậy trọng tâm của ngành y tế năm 2019 là gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Năm 2019, ngành Y tế tập trung phát triển theo hướng “kiềng 3 chân” (nâng cao chất lượng y tế cơ sở, chất lượng khám, chữa bệnh kết hợp với đổi mới tinh thần thái độ, phong cách phục vụ người bệnh và đổi mới cơ chế tài chính) là mục tiêu mà ngành Y tế đang hướng tới.
Cùng với đó, Ngành tập trung triển khai các nhiệm vụ, chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Trung ương số 20, 21-NQ/TW khóa XII về công tác y tế, dân số, Nghị quyết 18, 19/NQ-TW về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, mạng lưới cơ sở y tế, đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập…
Cụ thể, Ngành sẽ tập trung vào 06 vấn đề:
Thứ nhất là tập trung vào các hoạt động để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, các hoạt động để nâng cao sức khỏe nhân dân, phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, tuyên truyền, vận động nhân dân ăn uống hợp vệ sinh, đủ chất để tránh suy dinh dưỡng, béo phì, hạn chế rượu, bia, không hút thuốc, tăng cường vận động thể lực; chỉ đạo các cơ sở y tế bảo đảm cung cấp các dịch vụ tầm soát, phát hiện sớm bệnh tật, nhất là các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp. Triển khai đồng bộ các giải pháp để các trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quản lý sức khỏe, quản lý và điều trị một số bẹnh không lây nhiễm tại trạm, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe ban đầu…
Thứ hai là chủ động phòng chống dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, thực hiện có hiệu quả các hoạt động của chương trình mục tiêu y tế - dân số, tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng dân số về thể chất, duy trì mức sinh thay thế, kiểm soát chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh; giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em; đẩy mạnh hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Thứ ba là hoàn thiện hệ thống chính sách về khám, chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ ở các tuyến; tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, tăng sự hài lòng của người dân; giảm số lượng ngưởi Việt Nam đi nước ngoài khám, chữa bệnh và thu hút người nước ngoài đến du lịch, kết hợp khám, chữa bệnh ở Việt Nam.
Thứ tư là tiếp tục thực hiện lộ trình giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí; tăng cường cơ chế tự chủ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho đơn vị tự chủ; giảm tỷ trọng chi trực tiếp từ tiền túi của người dân, hướng tới bảo hiểm y tế và bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công tư trong y tế, tạo điều kiện để y tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.
Thứ năm là đổi mới công tác đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề y dược. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quản lý quỹ bảo hiểm y tế; hoàn thành việc kết nối các cơ sở cung ứng thuốc; hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân.
Thứ sáu là mở rộng phạm vi, danh mục đấu thầu tập trung thuốc, vật tư y tế. Phát triển công nghiệp dược, y học cổ truyền. Tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh dược phẩm và thực phẩm chức năng; quản lý chặt chẽ phòng khám tư nhân, cơ sở bán thuốc; phòng chống thuốc giả, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Triển khai đồng bộ các giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm an ninh, an toàn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh./.
PV: Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc Bộ trưởng một năm mới An khang thịnh vượng!