Thăm làng gốm Quyết Thành 500 năm tuổi ở Hà Nam

Chủ nhật, 10/02/2019 16:55
(ĐCSVN) – Những ngày cuối năm, chúng tôi đã về thăm Quyết Thành - một làng gốm soi bóng bên dòng sông Đáy hiền hòa đã 500 năm tuổi ở thị trấn Quế, huyện Kim Bảng, Hà Nam.

 

 

Làng nghề truyền thống gốm Quyết Thành hình thành vào khoảng thế kỷ XVI, tính đến nay khoảng 500 năm.

Cách thành phố Phủ Lý chừng 6 km về phía Tây Bắc, men theo QL 21B khi vừa đi qua cầu Quế, chúng tôi đã gặp một cổng làng khá lớn có dòng chữ “Làng nghề truyền thống gốm Quyết Thành”. Nhìn cái cổng làng tuy đã cách tân hiện đại, tuy nhiên về bề dày lịch sử, theo gia phả của các gia đình có 3 đời làm gốm trở lên thì làng nghề hình thành vào khoảng thế kỷ XVI, tính đến nay khoảng 500 năm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Phú, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) gốm Quyết Thành cho biết: Từ năm 1959, với mục đích khôi phục và phát triển nghề gốm, chính quyền đã địa phương đã tái thành lập HTX gốm Quyết Thành. Lúc đầu, nghề gốm chỉ còn tập trung được ở khu vực làng Hạ, người làng Thượng không làm gốm nữa mà sang làm thuê cho làng Hạ. Đến năm 1989, thị trấn Quế bắt đầu được thành lập, Đinh Xá Thượng được tách ra thành làng Đanh Xá, thuộc xã Ngọc Sơn (huyện Kim Bảng), còn làng Hạ được đổi tên là làng Quyết Thành theo tên Hợp tác xã và được tách ra thành một thôn của thị trấn Quế...

Trải qua bao giai đoạn thăng trầm cùng đất nước, làng nghề gốm Quyết Thành tưởng chừng có lúc lâm vào cơn bĩ cực mai một, khi trong làng chỉ còn phát triển thưa thớt vài nhà làm nghề, lò nung dần bị nguội lửa. Thế rồi luồng gió mới đã tạo cho làng nghề một luồng sinh khí mới khi năm 2004, làng nghề đã được UBND tỉnh Hà Nam công nhận là làng nghề truyền thống.

Với quy mô của một làng nghề, các sản phẩm gốm mỹ nghệ tinh xảo truyền thống được quảng bá rộng rãi, được nhiều người biết hơn. Những người vốn là thợ giỏi được công nhận vì đã có công lao đóng góp cho phát triển làng nghề. Làng gốm Quyết Thành dần được khôi phục lại, còn sớm tạo được thương hiệu, giữ vững vị thế là một làng nghề truyền thống với hàng nghìn sản phẩm khác nhau.

Nhờ nhiệt huyết của những người con yêu nghề gốm, hiện nay mỗi năm làng nghề đã cho ra được 6 triệu sản phẩm, chủ yếu là bình rượu, ấm trà, chum lọ,... và một số vật dụng cần thiết khác trong cuộc sống. Sau khi cho ra lò, những sản phẩm được phân phối ở các tỉnh: Hà Nội, Hà Giang, Thái Bình, Thanh Hóa,... cùng một số tỉnh miền Nam. Tuy làng gốm hiện có 5 lò đốt, trong đó chỉ có một lò đốt công nghệ mới nhưng đã mang lại thu nhập trung bình mỗi tháng 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Gốm Quyết Thành đến nay đã tạo được thương hiệu, giữ vững vị thế là một
làng nghề truyền thống với hàng nghìn sản phẩm khác nhau.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sản phẩm gốm Quyết Thành hiện nay khá đa dạng và phong phú, từ những sản phẩm gốm dân dụng như: chum, vại, nồi niêu…cho tới những loại gốm mỹ nghệ tinh xảo trang trí hoặc là đồ sinh hoạt trong nhà như: ấm trà, chén, đĩa, tượng thờ, linh vật…và đặc biệt là sản phẩm dòng gốm son đặc trưng chỉ có ở nơi đây đang là sản phẩm được thị trường chào đón.

Từ nguyên liệu đất sét, qua bàn tay tài hoa của người nghệ nhân đã tạo nên những sản phẩm tinh tế, hàng chục năm qua các sản phẩm này đã được xuất khẩu đi khắp các quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ..

Trò chuyện cùng chúng tôi, nghệ nhân Lại Văn Tiến - người đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề gốm truyền thống của làng chia sẻ, làng nghề chúng tôi từ hàng trăm năm qua đã nổi tiếng với những sản phẩm gốm có chất lượng cao, mỹ nghệ tinh xảo và đẹp mắt. “Nghề gốm rất chọn người, để thành công và gắn bó được từ nghề này trước tiên phải có các yếu tố cơ bản là năng khiếu điêu khắc, hội họa và tính kiên trì...”  - ông Tiến tâm sự.

Một số nghệ nhân trong làng cho biết, nếu nung bằng công nghệ cổ truyền bằng than hoặc củi thì thời gian sản phẩm ở trong lò phải mất 15 ngày mới có thể lấy thành phẩm ra sử dụng được. Với hàng gốm mỹ nghệ, đất sét phải phơi khô rồi cho nước vào khuấy đều, sau đó tinh lọc các tạp chất, cô đặc lại rồi đổ vào khuôn hoặc in dát trên máy, sau đó cắt gọt, đánh bóng vào son, vẽ men và cuối cùng là đưa vào lò nung.

Quy trình làm ra sản phẩm gốm cũng trải qua nhiều công đoạn từ ngâm đất sét trong bể, sau đó làm nhuyễn đất bằng giẫm chân hoặc máy nghiền. Đất nhuyễn được được đặt lên bàn xoay tạo sản phẩm mang phơi khô hoặc sấy rồi đắp họa tiết, đánh giấy ráp lau chùi sạch sẽ. Sau đó phơi khô hẳn sản phẩm, một số mặt hàng được tráng thêm lớp men theo đơn đặt hàng riêng, còn thường là để mộc và cho vào lò nung.

Vào son là khâu tạo nên nét độc đáo của gốm Quyết Thành so với các loại gốm khác. Người thợ phải dùng loại đất mà chỉ vùng này mới có, màu đỏ như son, nghiền nhỏ pha với nước để nhúng các sản phẩm và khi nung có màu đỏ tươi.

Ông Nguyễn Văn Thùy, một lái buôn đồ gốm người Hải Phòng về lấy hàng ở Quyết Thành cho chúng tôi biết: Sản phẩm của gốm Quyết Thành luôn được mọi người ưu chuộng, vì chất lượng bền lâu, chất đất tốt và mẫu mã đẹp, mẫu gốm son thì không đâu đẹp bằng.

Để có những sản phẩm chất lượng và đặc trưng riêng của làng gốm Quyết Thành, loại đất sử dụng để làm gốm phải là loại đất sét vàng, mịn, dẻo mà chỉ riêng nơi đây mới có.

Ông Nguyễn Đức Phú, Chủ nhiệm HTX Hợp gốm Quyết Thành chia sẻ một sản phẩm gốm son tinh xảo
từng đạt nhiều giải tại các cuộc thi, triển lãm.

Sau khi được công nhận là làng nghề truyền thống năm 2004, năm 2010, sản phẩm hàng son của làng nghề gốm truyền thống Quyết Thành tiếp tục được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam công nhận thương hiệu “Gốm son mỹ nghệ Quyết Thành”.

Ông Phạm Hồng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng cho biết: Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện ước đạt 8.930 tỷ đồng (trong đó khu vực làng nghề chiếm 270,8 tỷ đồng), tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017.

Những năm qua, địa phương đã tích cực tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất theo Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, với trọng tâm là khâu thủ tục hành chính, hỗ trợ các doanh nghiệp về lao động, các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt quan tâm duy trì và phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn; tiếp tục thực hiện Kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề gốm Quyết Thành. Đến nay đã có 05 nhà đầu tư sản xuất gốm, sứ được UBND tỉnh Hà Nam chấp thuận đầu tư với số vốn 21,4 tỷ đồng.

Chủ tịch huyện Phạm Hồng Sơn cho biết thêm: Qua thời gian, các sản phẩm gốm sứ cũng dần được thay thế, thế nhưng những sản phẩm mang nét văn hóa riêng, độc đáo vẫn được nhân dân trong làng giữ gìn, bảo tồn, phát triển… Để giữ gìn và phát huy giá trị, hiện nay địa phương chú trọng đầu tư trang thiết bị máy móc, cải tạo nâng cấp nhà xưởng, đào tạo lại đội ngũ lao động có tay nghề, chú trọng truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ.

Với truyền thống lịch sử lâu đời của mảnh đất và con người nơi đây, sản phẩm gốm Quyết Thành sẽ tiếp tục phát triển, khẳng định vị trí với từng sản phẩm và bí quyết của một làng nghề truyền thống có bề dày 500 năm tuổi ẩn mình bên dòng sông Đáy thơ mộng, hiền hòa./.

Bài, ảnh: Kim Chiến
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực