Thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững

Thứ bảy, 09/02/2019 12:11
(ĐCSVN) - Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều coi trọng phát triển du lịch. Ở Việt Nam, du lịch được coi là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập quốc tế. Ngành “công nghiệp không khói” mang về một nguồn thu không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, chặng đường phát triển của ngành du lịch nước ta vẫn còn đối diện nhiều thách thức cần phải vượt qua.

Quảng bá du lịch còn chưa hiệu quả

Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 được tổ chức tại Hà Nội, ông John Lindquist, Cố vấn cấp cao Boston Consulting Group (BCG), thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh cho rằng, du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng khó khăn là làm sao đưa ngành “công nghiệp không khói” lên tầm cao mới. Một trong những vấn đề cần giải quyết là cách quảng bá hình ảnh của Việt Nam với du khách thế giới còn hạn chế. "Làm sao để tạo ra nguồn cầu về du lịch? Đó là cần làm cho Việt Nam nổi tiếng hơn, giúp du khách biết nhiều đến Việt Nam, và chúng ta phải trả lời giúp họ câu hỏi tại sao lại là Việt Nam mà không phải một quốc gia khác", ông John Lindquist nói, nhưng cũng cho rằng công tác quảng bá đang là một điểm nghẽn cần giải quyết.

Việt Nam cần nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch. (Ảnh minh họa: Quý Trọng)

Theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam chỉ đứng thứ 80 trong danh sách 136 quốc gia về hiệu quả quảng bá cho du lịch. Chỉ số này thấp hơn nhiều các quốc gia khác trong khu vực, đứng sau cả Lào (xếp hạng 53) và Campuchia (xếp hạng 73). "Trong các chỉ số đánh giá về du lịch thì đây là một trong những chỉ số Việt Nam có thứ hạng thấp nhất", Cố vấn cấp cao BCG nói.

Muốn xây dựng thương hiệu đủ sức hấp dẫn, ông John Lindquist cho rằng cần phải gia tăng đầu tư, đưa ra những định hướng mang lại tính bền vững và điều quan trọng là cần có đủ nguồn tài chính. Chi cho quảng bá du lịch của Việt Nam trong năm gần nhất chỉ có 2 triệu USD, trong khi Thái Lan chi 100 triệu USD và mức trung bình của nhiều quốc gia khác đã đạt từ 70-80 triệu USD. "Chúng ta cần đầu tư nhiều hơn, ổn định và nhất quán hơn nữa. Cần có những chiến dịch rộng hơn, trong nhiều lĩnh vực và đặc biệt là cần nghĩ đến thương hiệu của cả quốc gia", ông John Lindquist nói và cho rằng chi phí cho quảng bá du lịch của Việt Nam dù không thể ngay lập tức bằng các quốc gia khác nhưng cũng cần tăng lên 20-30 triệu USD.

Cần xây dựng định hướng rõ ràng hơn cho khách hàng tiềm năng

Để thấy được sự ảnh hưởng của một chiến lược quảng bá bài bản và nhất quán, đại diện BCG cũng chỉ ra hai trường hợp tiêu biểu là Dubai và Malaysia.

Dubai hiện trở thành một trong những điểm đến thành công nhất thế giới. Không chỉ xây dựng được một thương hiệu mang tầm quốc gia, Dubai còn định hướng rõ ràng được ba trụ cột cần hướng tới là mua sắm, sang trọng – nghỉ dưỡng và giải trí gia đình. "Xây dựng ba trụ cột nghe có vẻ đơn giản này nhưng thực tế đã tạo ra sức bật rất lớn, đưa Dubai trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trên thế giới", Cố vấn BCG nhấn mạnh.

Hay như trường hợp của Malaysia, quốc gia này đã có chiến dịch quảng bá thành công trong thập kỷ gần đây. Cũng giống như Dubai, Malaysia đã xây dựng định hướng giá trị rõ ràng, gồm đa dạng về văn hóa, sang trọng – hợp túi tiền, niềm vui gia đình và phiêu lưu với thiên nhiên. Mỗi trụ cột trong du lịch, quốc gia này hướng tới một nhóm khách hàng tiềm năng nhất định để khai thác tối đa hiệu quả. Như trụ cột phiêu lưu với thiên nhiên, đại diện BCG cho rằng đây không thể là phân khúc du lịch đại trà do gắn với sự bền vững với thiên nhiên, do đó Malaysia đã thành công khi hướng tới những phân khúc khách hàng giàu có với nguồn thu cao nhất có thể. "Việt Nam cần xây dựng định hướng giá trị rõ ràng hơn cho các khách hàng tiềm năng, tăng chi cho quảng bá hình ảnh và với tiềm năng sẵn có, không có lý do gì Việt Nam không trở thành một điểm hấp dẫn", ông John Lindquist kết luận.

Khi được hỏi về vấn đề này, ông Craig Douglas - Phó Chủ tịch Tập đoàn Lodgis Hospitality Group cũng chia sẻ kinh nghiệm thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao tới thị trường du lịch Việt Nam. Theo ông, Việt Nam có nhiều nguồn lực du lịch như địa danh, văn hoá, di tích và ẩm thực. Tất cả những điều này đều tạo sức hút và ấn tượng đối với du khách. Tuy nhiên, ông Craig cho biết yếu tố con người, nhân sự về du lịch lại chưa được khai thác nhiều, trong khi đó đây là yếu tố để lại ấn tượng nhất với khách du lịch khi tới một điểm đến. Nhìn chung Việt Nam đang có tăng trưởng về lượng cầu rất nhanh với con số tăng trưởng mà Tổng cục du lịch Việt Nam công bố.

Ngành du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác.
(Ảnh minh họa: Mạnh Dũng)

Tăng năng suất lao động cho nhân sự ngành du lịch

Trên quan điểm của mình, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc phát triển Đại học Fulbright Việt Nam nhấn mạnh về câu chuyện năng suất lao động Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với khu vực, dù quy mô của ngành đã tăng nhiều lần trong những năm gần đây. "Nếu nhìn vào con số tăng trưởng doanh thu của thị trường thì đây có thể là kết quả ấn tượng, nhưng nếu lấy giá trị ngành du lịch chia cho tổng lao động thì năng suất lại ở mức khá thấp", ông Thành nói và cho biết thêm, năng suất lao động ngành du lịch của Việt Nam chỉ bằng 40% so với Thái Lan và 45% so với Malaysia.

Theo ông Thành, năm 2000, tổng doanh thu ngành du lịch của Việt Nam chỉ đạt 1,23 tỷ USD nhưng đến năm 2017 đã tăng lên 22,7 tỷ USD. Tuy nhiên, năng suất lao động của mỗi nhân sự trong ngành trong năm 2017 chỉ đạt 77 triệu đồng, tương đương khoảng 3.400 USD, con số này chỉ cao hơn một số lĩnh vực thâm hụt lao động như nông nghiệp hay xây dựng, còn thấp hơn nhiều so với phân khúc dịch vụ và một số ngành công nghiệp khác.

Theo Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright Việt Nam, thực tế này xuất phát từ những thiếu hụt trong kỹ năng của lao động ngành du lịch và sự bất cân xứng trong đào tạo.

Yêu cầu của thị trường du lịch hiện nay cần nhiều yếu tố, từ kiến thức tổng quát, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, tính chuyên nghiệp hay năng lực quản lý nhưng trên thực tế, các chương trình đào tạo hiện nay về du lịch lại quá chú trọng vào các phân ngành hẹp, thiên về nghiệp vụ, thiếu gắn kết với tình hình thực tế.

Thừa nhận thực tế đại diện Fulbright đề cập, ông Phạm Hồng Dũng – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh cho biết nhiều nhân sự trong ngành chỉ mới ra trường. Ông Dũng cũng cho hay, để đáp ứng cho chuỗi khoảng 60 khách sạn với 10.000 nhân viên, Mường Thanh phải mất nhiều thời gian đào tạo. Ví dụ cấp trưởng bộ phận, thời gian đào tạo từ cơ bản đến khi đảm trách được vị trí khoảng 2 năm. Còn vai trò quản lý khách sạn (giám đốc), thời gian có thể mất 5-7 năm. Tập đoàn này cũng phải điều chuyển nhân sự giữa các vị trí, khách sạn để có thể đủ nhân sự.

Để khắc phục sự bất cân xứng này, theo ông Nguyễn Xuân Thành, cần xây dựng hai chương trình đào tạo chính dành cho ngành du lịch tập trung vào các chương trình đào tạo để chuẩn bị sẵn sàng cho mọi nhân sự tham gia và sử dụng nền tảng công nghệ Open Digital Platform. Chương trình thứ nhất cần tập trung chuyển đổi một cách có hệ thống vào lực lượng lao động du lịch dựa trên các tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS), tăng cường các kỹ năng và kiến thức thiết thực cho các nhóm ngành du lịch, tiếp thu kinh nghiệm làm việc thực tiễn dưới sự hướng dẫn của những chuyên gia, cố vấn trong ngành...

Bên cạnh đó, với kinh nghiệm tư vấn phát triển du lịch cho nhiều quốc gia của ông John Lindquist cũng cho rằng, mức độ cam kết của Chính phủ và sự phối hợp giữa các bên liên quan là điều quan trọng. Du lịch là ngành phức tạp về quản trị liên quan nhiều ngành nghề khác nhau. Sự phối hợp giữa Chính phủ và khối tư nhân cần thể hiện ở sự cam kết cao nhất. Ý chí là một trong những thách thức lớn. "Các bạn có tiềm năng rồi nhưng quan trọng là quyết tâm từ Việt Nam", ông John Lindquist nói.

Kim Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực