Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của Quốc hội

Thứ tư, 06/02/2019 11:32
(ĐCSVN) - Hoạt động đối ngoại Quốc hội có vai trò rất quan trọng trong ngoại giao nhà nước. Tiếp nối kết quả đạt được từ những năm qua, năm 2018, hoạt động đối ngoại của Quốc hội nước ta tiếp tục gặt hái nhiều thành quả quan trọng, góp phần vào thành công chung trong hoạt động của Quốc hội.
Đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. (Ảnh: Thu Lan)

Nhân dịp đón Xuân Kỷ Hợi 2019, đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã dành cho Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cuộc phỏng vấn về hoạt động của Quốc hội.

PV: Trước hết xin trân trọng cảm ơn đồng chí đã nhận lời trả lời phỏng vấn của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Với vai trò là người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, xin đồng chí cho biết vị trí, vai trò của hoạt động đối ngoại Quốc hội trong công tác đối ngoại của nước ta?

Đồng chí Nguyễn Văn Giàu: Trước hết, xin cảm ơn sự quan tâm của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã quan tâm và có cuộc phỏng vấn rất ý nghĩa này.

Có thể thấy rằng, hoạt động đối ngoại của Quốc hội có vai trò quan trọng trong ngoại giao Nhà nước, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Quốc hội và nhân dân Việt Nam với Quốc hội và nhân dân các nước. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, vai trò hoạt động của Quốc hội trong hoạt động đối ngoại Nhà nước có ý nghĩa ngày càng quan trọng. Quốc hội quyết định các chính sách lớn về đối ngoại như tham gia các tổ chức quốc tế, phê chuẩn các điều ước quốc tế đặc biệt quan trọng. Quốc hội giám sát việc thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thực hiện các chính sách cơ bản về đối ngoại và quyết định phân bổ ngân sách cho toàn bộ công tác đối ngoại, qua đó góp phần thúc đẩy công tác đối ngoại của Nhà nước.

Nhiều năm qua, công tác đối ngoại Nhà nước Việt Nam đã góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho hợp tác và phát triển, đưa các mối quan hệ đối ngoại quan trọng, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả; góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, bảo vệ an ninh Tổ quốc; nâng cao vị thế quốc tế của đất nước thông qua việc nâng tầm đối ngoại đa phương từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển Việt Nam, đồng thời thể hiện tinh thần “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. 

Đến nay, Quốc hội Việt Nam đã thiết lập được quan hệ với gần 180 quốc gia và là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới, góp phần nâng cao hiệu quả và đưa quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia đi vào chiều sâu, thực chất hơn, đặc biệt là với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các bạn bè truyền thống và các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện…

Có thể khẳng định rằng, kể từ ngày Quốc hội được tổ chức đến nay, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng thực thi hiệu quả chính sách đối ngoại và chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế, đưa hoạt động ngoại giao Nghị viện đi vào chiều sâu. 

PV: Năm 2018 là năm hoạt động đối ngoại Quốc hội nước ta diễn ra liên tục, sôi động theo tinh thần tích cực, chủ động, trách nhiệm tại các diễn đàn nghị viện đa phương và hoạt động song phương với sự kiện mở đầu là việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26), diễn ra từ ngày 18 – 21/1/2018 tại Hà Nội. Đồng chí có thể đánh giá về Hội nghị này?

Đồng chí Nguyễn Văn Giàu: APPF-26 là hoạt động đầu tiên và cũng là hoạt động lớn nhất của ngoại giao nước ta và hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm 2018. Hội nghị APPF-26 có số quốc gia và đại biểu quốc tế tham dự đạt kỷ lục so với những hội nghị trước, có mặt 356 đại biểu quốc tế của 22 nghị viện thành viên trong đó có 17 trưởng đoàn là cấp Chủ tịch và Phó Chủ tịch nghị viện các nước và đặc biệt có sự tham gia của tân Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới (IPU) Gabriela Cuevas Barron, nguyên Chủ tịch IPU Saber Chowdhury và Tổng thư ký IPU Martin Chungong. 

Thành công của hội nghị là việc chúng ta ra Tuyên bố APPF Hà Nội về Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương. Văn kiện quan trọng này có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu kỷ niệm 25 năm thành lập APPF. Kể từ Hội nghị đầu tiên đến nay, diễn đàn này mới hai lần ra tuyên bố chung là Tuyên bố Tokyo tại Nhật Bản và Tuyên bố Vancouver tại Canada. Tuyên bố APPF Hà Nội không những đánh giá lại hoạt động suốt 25 năm qua, đồng thời còn định hướng tương lai của Diễn đàn, với tầm nhìn 10-15 năm tới, để nhấn mạnh rằng, APPF sẽ tồn tại và hoạt động ngày càng mạnh mẽ hơn.

Tại Hội nghị APPF-26, các quốc gia thành viên đã đề xuất trên 50 dự thảo nghị quyết và thống nhất thông qua 13 Nghị quyết. Trong đó, nhiều sáng kiến do Đoàn Việt Nam đề xuất, những sáng kiến này được các đại biểu đánh giá cao và ủng hộ đưa vào nghị quyết, đặc biệt là những đề xuất về phát triển bền vững. Các nước cho rằng, những đề xuất của Việt Nam có điểm tương đồng cao với mối quan tâm chung của nhiều nước, phản ánh mong muốn chung về thúc đẩy gìn giữ môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển, nhằm mang lại sự thịnh vượng chung cho mỗi quốc gia và khu vực. Tại hội nghị, nhiều vấn đề chính trị nhạy cảm cũng được các đại biểu thảo luận rất sôi nổi. Dưới sự điều hành, dẫn dắt linh hoạt của Quốc hội trên cương vị chủ nhà, Hội nghị đã thống nhất hầu hết nội dung chương trình nghị sự.

Hội nghị APPF-26 thành công cả về mặt nội dung, tổ chức và quảng bá hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam. Sau khi Hội nghị kết thúc, nguyên Chủ tịch IPU đánh giá, Quốc hội Việt Nam đủ năng lực tổ chức những hội nghị, hội thảo quan trọng tầm cỡ theo chuẩn mực quốc tế. Hội nghị APPF-26 cũng để lại ấn tượng sâu sắc với các đại biểu quốc tế tham dự. Nhiều đại biểu chia sẻ, họ cảm thấy lưu luyến khi về nước. 

Đầu năm 2019, tại APPF-27 Xiêm Riệp, Campuchia, nhiều nước khi gặp lại Đoàn Việt Nam cho biết vẫn còn những ấn tượng rất tốt đẹp đối với APPF-26 tại Hà Nội. Thành công của hội nghị cũng là minh chứng cho việc Quốc hội thực hiện thành công đường lối chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta về thúc đẩy ngoại giao đa phương, nâng cao vị thế, vai trò của Quốc hội nói riêng, Việt Nam nói chung tại các diễn đàn đa phương; nâng cao năng lực điều hành, tham gia dẫn dắt của Quốc hội trong hoạt động đối ngoại. 

PV: Đồng chí có thể đánh giá về hoạt động đa phương của Quốc hội Việt Nam trong năm 2018?

Đồng chí Nguyễn Văn Giàu: Hàng năm, đối ngoại đa phương là hoạt động chiếm phần lớn thời gian hoạt động đối ngoại của Quốc hội. Quốc hội Việt Nam đã tham gia nhiều diễn đàn nghị viện đa phương khu vực và quốc tế quan trọng. Nổi bật là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội đã dự Đại hội đồng IPU - 138 tại Thụy Sỹ. Tại Đại hội đồng IPU - 139, Quốc hội đã cử đoàn do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn dầu tham dự. Chủ tịch Quốc hội dự Hội nghị Chủ tịch Quốc hội Á - Âu (MSEP) lần thứ ba tại Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc hội cũng đã cử đoàn, đều do các Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn, tham gia nhiều diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế như Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 39 tại Singapore; Hội nghị Đối tác nghị viện Á - Âu (ASEP) lần thứ 10 tại Bỉ... 

Ngoài ra, Quốc hội nước ta cũng tham dự các hoạt động đối ngoại đa phương khác như Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), Hội đồng Nghị viện châu Á (APA). Năm 2018 còn đánh dấu việc chúng ta lần đầu tiên tham gia Mạng lưới Nghị viện (MLNV) toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Quốc hội đã đón đoàn đại biểu gồm các nghị sĩ đến từ gần 40 nước của MLNV và sau đó cử đoàn đại biểu tham dự Hội nghị của MLNV tại Washington D.C (Mỹ) về nội dung Các giải pháp tạo việc làm tốt cho thanh niên tại Việt Nam. 

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm 2018 đã kết thúc tốt đẹp với việc Quốc hội phối hợp với Liên minh Nghị viện thế giới IPU và Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức thành công Hội nghị Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững tại TP Đà Nẵng, từ ngày 17 -18/12/2018. Hội nghị nhận được quan tâm đặc biệt từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Lãnh đạo Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì; Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực tham gia phát biểu tại phiên khai mạc và tại phiên thảo luận. Với sự hiện diện của gần 200 đại biểu Quốc hội đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội cũng như Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các địa phương; đại diện của Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố; lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, với sự tham gia của Tổng thư ký IPU, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc, các Trưởng đại diện cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam và một số chuyên gia quốc tế có nhiều kinh nghiệm triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Hội nghị là dịp sơ kết đánh giá sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam; đồng thời thảo luận tăng cường các giải pháp cụ thể để tiến tới đạt các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể và triển khai Bộ công cụ tự đánh giá quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu SDGs.

PV: Năm 2018, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới nhiệm kỳ 2018 – 2019, đây là lần đầu tiên thành viên Quốc hội nước ta được lựa chọn vào vị trí cao như vậy của IPU. Xin chúc mừng đồng chí và xin đồng chí chia sẻ thêm về niềm vui này?

 Đồng chí Nguyễn Văn Giàu: Cảm ơn phóng viên. Thực ra đây không phải chỉ là niềm vui của cá nhân tôi mà nó tới từ cố gắng, nỗ lực trong hoạt động của cả một tập thể. Có thể thấy rằng, sự tham gia của Quốc hội ngày càng chủ động, tích cực và hiệu quả; góp phần làm sâu sắc thêm tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam. Sự tham gia của Quốc hội và đội ngũ đa phương cũng ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Tại kỳ họp lần thứ 139 của Liên minh nghị viện thế giới (IPU) tại Thụy Sỹ tháng 10/2018, các nghị viện thành viên IPU đã tín nhiệm bầu tôi giữ chức vụ Phó Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới nhiệm kỳ 2018 – 2019. Đây là chức danh cao nhất tại IPU từ khi Việt Nam trở thành thành viên của IPU (tham gia năm 1979), điều này cũng một lần nữa khẳng định sự đánh giá cao của Nghị viện các nước đối với Quốc hội Việt Nam. Sự tham gia và đóng góp chủ động, tích cực, trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam tại các diễn đàn đa phương đã góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Quốc hội nói riêng và Việt Nam nói chung tại các cơ chế hợp tác đa phương khu vực và thế giới.

PV: Cùng với các hoạt động đa phương, đồng chí có thể đánh giá về hoạt động đối ngoại song phương của Quốc hội năm 2018?

 Đồng chí Nguyễn Văn Giàu: Cùng với hoạt động đối ngoại đa phương, hoạt động đối ngoại song phương của Quốc hội cũng diễn ra rất sôi động, đóng góp tích cực vào thành công chung của đối ngoại Nhà nước, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, giữ môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, đưa quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện/Quốc hội các nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất. Hoạt động đối ngoại song phương của Quốc hội được triển khai theo hướng tiếp tục mở rộng và thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Quốc hội nước ta với Nghị viện/Quốc hội các nước. Trong đó, ưu tiên các đối tác có quan hệ đặc biệt, các nước láng giềng khu vực, đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác truyền thống; tăng cường hiểu biết và tranh thủ sự ủng hộ của Nghị viện, nghị sĩ các nước dành cho Việt Nam thông qua các hoạt động trao đổi đoàn tiếp xúc song phương. Quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam với các nước và giữa Quốc hội nước ta với Nghị viện/Quốc hội các nước được thúc đẩy đi vào chiều sâu, ngày càng hiệu quả và thực chất hơn.

Trong năm qua, Quốc hội nước ta tổ chức đón 52 đoàn nghị viện các nước thăm chính thức, làm việc và dự Hội nghị tại Việt Nam trong đó có 16 đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội. Đồng thời Quốc hội nước ta cũng cử 30 đoàn cấp cao, cấp Ủy ban thăm chính thức, làm việc với nghị viện các nước. Chủ tịch Quốc hội thực hiện ba chuyến thăm chính thức tới Vương quốc Hà Lan, Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc. Trong các chuyến thăm này, bên cạnh mục tiêu nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện/Quốc hội các nước, quan trọng hơn, Quốc hội còn đồng hành cùng Chính phủ trong việc tạo điều kiện triển khai các thỏa thuận hợp tác, hiệp định ký kết giữa Việt Nam và các nước. Đặc biệt, chuyến thăm cuối cùng và kết thúc hoạt động song phương của Quốc hội Việt Nam với một số nước, đó là chuyến thăm chính thức của đoàn đại biểu cấp cao Duma Quốc gia, Quốc hội liên bang, Liên bang Nga, do ngài V. Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia dẫn đầu trong những ngày cuối tháng 12 vừa qua, đã đưa quan hệ hợp tác giữa Quốc hội với nghị viện càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất. Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia Nga ký một thỏa thuận thành lập ủy ban hợp tác liên nghị viện 2 nước. Đây là một sáng kiến mới và cũng là lần đầu tiên Quốc hội nước ta kí song phương về Ủy ban hợp tác liên nghị viện 2 nước. Nội hàm chính, 2 nước sẽ có trao đổi đoàn cấp cao hàng năm để bàn bạc những nội dung hợp tác cụ thể. Nếu năm nay tổ chức ở Việt Nam thì năm sau tổ chức ở Liên bang Nga.

PV: Xin đồng chí cho biết nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại Quốc hội năm 2019 và những năm tiếp theo?

Đồng chí Nguyễn Văn Giàu: Năm 2019, Quốc hội sẽ tiếp tục triển khai công tác đối ngoại với các định hướng trọng tâm: Phát huy vai trò của ngoại giao Nghị viện trong tổng thể ngoại giao Nhà nước; Phối hợp với đối ngoại Đảng, Nhà nước, ngoại giao nhân dân; Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển; Tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, đưa quan hệ hợp tác giữa Quốc hội với Nghị viện các nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất; Tăng cường hoạt động đối ngoại với Nghị viện các nước láng giềng, đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và từng bước mở rộng quan hệ nghị viện với các nước trong khu vực Nam Mỹ, Châu Phi… 

Đẩy mạnh và nâng tầm hoạt động đối ngoại đa phương đến năm 2030, nhằm tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước; giữ vững môi trường hòa bình ổn định bảo vệ vững chắc độc lập, thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm tại các diễn đàn tổ chức Nghị viện khu vực và thế giới mà Quốc hội nước ta là thành viên; chủ động trong công tác vận động Nghị viện các nước ủng hộ quan điểm của Quốc hội Việt Nam về các vấn đề liên quan tại các diễn đàn Nghị viện quốc tế và khu vực, chủ động chuẩn bị để Quốc hội nước ta đảm nhận Chủ tịch AIPA năm 2020.

Tích cực thúc đẩy việc ký kết và phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước nhất là hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU (EVFTA); tăng cường giám sát đối với quá trình hội nhập của Việt Nam đặc biệt hoạt động giám sát của Quốc hội và đại biểu Quốc hội đối với các vấn đề kinh tế đối ngoại và tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, giám sát việc thực thi các thỏa thuận điều ước quốc tế Việt Nam đã ký kết.

Như vậy, phải khẳng định rằng, cùng với xu thế phát triển chung của thế giới, ngoại giao nghị viện đã, đang và sẽ tiếp tục giữ vai trò là một trụ cột quan trong tổng thể ngoại giao Nhà nước. Với sự tích cực, chủ động, trách nhiệm, đối ngoại Quốc hội sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng và thúc đẩy quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới, góp phần nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. 

PV: Xin cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn! Kính chúc đồng chí một năm mới hạnh phúc và thành công hơn nữa trên cương vị của mình!

Thu Lan (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực