Văn hóa – một năm nhìn lại

Thứ bảy, 09/02/2019 15:57
(ĐCSVN) - Năm 2018 đã đi qua đánh dấu một năm với vô vàn các sự kiện văn hóa lớn nhỏ được tổ chức, mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định nhưng nhìn chung bức tranh văn hóa năm vừa qua vẫn chủ yếu là những điểm sáng mang dấu ấn đặc biệt.

Người dân TP. Hồ Chí Minh đón giao thừa Tết Kỷ Hợi 2019 trên phố đi bộ Nguyễn Huệ
(Ảnh minh họa: Phạm Cường)

Điểm nổi bật nhất trong bức tranh văn hóa năm qua có lẽ là mảng màu về thể thao. Năm 2018 có thể nói là một năm thành công nhất của thể thao Việt Nam với những bước tiến vượt bậc tại ASIAD 2018 và nhiều huy chương ở các môn Olympic. Đội tuyển bóng đá nam quốc gia giành Cúp vô địch tại Giải Vô địch bóng đá Đông Nam Á sau 10 năm chờ đợi tiếp nối chiến thắng của đội tuyển U23 châu Á giành ngôi Á quân tại giải Vô địch U23 châu Á đem lại niềm vinh dự, tự hào dân tộc, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Du lịch Việt Nam lần đầu tiên dược vinh danh là điểm đến du lịch hàng đầu châu Á năm 2018; khách du lịch quốc tế tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, đón gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 20% so với năm 2017, tăng 2 lần so với năm 2015.

Trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cũng đã đạt được kết quả quan trọng. Lần đầu tiên, Hội nghị "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững" có sự tham dự và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Trong năm qua, nhiều di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy góp phần phát triển du lịch, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho các địa phương. Năm 2018, Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu, 11 di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng xếp hạng, 22 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Bộ trưởng Bộ VHTTDL cũng đã xếp hạng 14 di tích quốc gia, 43 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tổ chức tốt công tác xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hoàn thiện hồ sơ "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam", xây dựng hồ sơ "Xòe Thái" và "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" trình UNESCO công nhận là di sản của nhân loại….

Năm 2018, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được quan tâm, chú trọng. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội có nhiều tiến bộ, kịp thời chấn chỉnh hoạt động lễ hội phù hợp với thuần phong, mỹ tục, không để xảy ra hiện tượng phản cảm.

Năm qua, các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, định hướng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của từng tộc người thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Bộ Văn hóa cũng đã tập trung xây dựng hồ sơ dự án Luật thư viện trình Quốc hội. Hệ thống thư viện các cấp có nhiều đổi mới, đa dạng hóa các loại hình hoạt động. Công tác xã hội hóa trong hoạt động thư viện được đẩy mạnh.

Trong lĩnh vực điện ảnh, Bộ cũng đã xây dựng hồ sơ "Lập đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi". Tổ chức thành công Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V; Chỉ đạo tổ chức 5 đợt phim chào mừng ngày lễ lớn, sự kiện chính trị lớn của đất nước…

Bước sang năm 2019, mặc dù vẫn còn rất nhiều những khó khăn thử thách nhưng với quyết tâm của toàn ngành, hy vọng bức tranh văn hóa sẽ ngày càng sáng hơn, góp phần tô thắm thêm truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc, tạo động lực quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước./.

K.T
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực