Đặc sắc ngôi làng nghìn năm “cầm kim tay dọc” may áo dài

Chủ nhật, 14/02/2021 16:23
(ĐCSVN) - Cầm kim tay dọc, chỉ may được lấy từ chính mảnh vải dùng để may áo… Đó là những bí quyết độc đáo tạo nên đặc sắc của áo dài truyền thống làng Trạch Xá (Ứng Hòa, Hà Nội) được những người thợ của làng gìn giữ, lưu truyền trong hơn 1.000 năm qua.

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 km, làng nghề may Trạch Xá từ lâu đã nổi tiếng với nghề may áo dài truyền thống.

Áo Xuân đón Tết

Người dân làng Trạch Xá vẫn lưu truyền rằng, năm 968, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi vua, vua Đinh Tiên Hoàng đến vùng đất Sơn Tây để chiêu mộ hiền tài, tướng giỏi và đã gặp bà Nguyễn Thị Sen. Ở tuổi trăng tròn, nết na, xinh đẹp, giỏi may vá thêu thùa, bà Sen đã được vua Đinh phong Tứ phi. Với sự khéo léo và thông minh, bà đã phát triển nghề may trong cung vua mà trước đó chưa từng có. Năm 979, sau biến cố nhà Đinh, bà Nguyễn Thị Sen đã đưa các con từ kinh đô Hoa Lư trở về làng Trạch Xá. Bà đã truyền dạy nghề may cho nhân dân trong làng.

Từ đó đến nay, trải qua hơn 1.000 năm, làng Trạch Xá đã nuôi dưỡng lớp lớp những người thợ may tài hoa. Bằng tình yêu nghề và đôi bàn tay khéo léo, họ tạo ra những chiếc áo dài truyền thống tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt.

Theo ông Đỗ Minh Tám (Trạch Xá, Ứng Hòa), làng Trạch Xá chủ yếu làm áo dài truyền thống, áo ngũ thân. Tùy theo chất liệu, chiếc áo dài nam có giá vài triệu, vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng một sản phẩm.

 Khách diện áo dài ngũ thân do ông Đỗ Minh Tám may đón Xuân Tân Sửu (Ảnh: NVCC)

Các đơn hàng áo dài thường tập trung vào khoảng 7 tháng, từ tháng 8, 9 năm nay đến tháng 3 sang năm. Bởi đây là khoảng thời gian có nhiều lễ hội, trong đó có ngày Tết Nguyên đán. Đây cũng là quãng thời gian có thời tiết mát mẻ nên mọi người đặt may áo dài rất nhiều.

Những ngày cận Tết, hầu như các nhà làm may trong làng đều bận rộn, thức khuya dậy sớm để gấp rút hoàn thành các đơn hàng. Những chuyến xe trả hàng của các hộ làng nghề dường như cũng trở nên tấp nập, gấp gáp hơn để kịp trả hàng cho khách trước Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Bí quyết may áo độc đáo

53 năm tuổi đời, ông Đỗ Minh Tám đã có đến gần 40 năm gắn bó với nghề may áo dài. Theo lời ông Tám, trẻ con làng Trạch Xá, 8, 9 tuổi đã học cách làm quen với cây kim, sợi chỉ. Đến 15, 16 tuổi đã có thể tự may đã thành thạo các kỹ thuật may của làng và có thể tự may được một chiếc áo dài truyền thống. Khác với cách khâu thông thường, người làng Trạch Xá có bí quyết cầm kim tay dọc độc đáo.

“Người Trạch Xá cầm kim mà như không cầm. Lúc khâu, ngón trỏ bàn tay phải người thợ có nhiệm vụ giữ chắc mũi kim, đồng thời dùng lực ngón giữa của tay phải đẩy cây kim còn các các ngón tay trái sẽ làm nhiệm vụ điều chỉnh vải và điều hướng cho mũi kim bằng cách chuyển động mặt vải lên xuống nhịp nhàng”, ông Tám mô tả.

Với kiểu cầm kim tay dọc, người Trạch Xá khi khâu áo không hề nhìn thấy kim. Sản phẩm sau khi hoàn thiện, mép trong áo không lộ đường chỉ mà phẳng như dán hồ, còn mặt ngoài vải, có các mũi chỉ thằng hàng, đều tăm tắp như phô trứng rận. “Trong dán hồ, ngoài phố trứng rận” theo đó trở thành một tiêu chuẩn của người thợ may Trạch Xá.

 Trẻ con làng Trạch Xá, 8, 9 tuổi đã học cách làm quen với cây kim, sợi chỉ. Đến 15, 16 tuổi đã có thể tự may đã thành thạo các kỹ thuật may của làng (Ảnh: KT)

Ngoài kỹ thuật cầm kim tay dọc, áo dài Trạch Xá còn độc đáo khi dùng chỉ may được lấy ra từ chính mảnh vải dùng may áo. “Nếu dùng chỉ công nghiệp khi giặt, là, thân áo sẽ bị co dưới tác động của nhiệt, nước, tà áo dài sẽ bị cứng. Áo dài Trạch Xá bởi thế khác hẳn nơi khác, khi giặt, sản phẩm không bị co rút, tạo thành một khối đồng nhất, tự nhiên, mềm mại”, ông Đỗ Minh Tám cho biết.

Theo ông Tám, trước đây, áo dài của Trạch Xá được làm thủ công hoàn toàn. Thợ may của làng ngày xưa chỉ cần mang theo những dụng cụ cơ bản như kim, kéo, thước, vạch… là đã có thể hành nghề.

Ngày nay dù có sự hỗ trợ của máy may công nghiệp nhưng phần hỗ trợ của máy chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. “Nếu một sản phầm cần thời gian 4 tiếng để hoàn thành, thì thời gian thực hiện trên máy chỉ có 15 phút, còn lại là làm thủ công. Máy cũng chỉ dùng để hỗ trợ những đường khâu giấu đi, còn đường may phô ra ngoài thì bắt buộc phải làm bằng tay”, ông Tám lý giải.

Vì phần lớn các thao tác được làm thủ công nên để hoàn thiện một sản phẩm tùy thiết kế, mất từ một vài ngày đến chục ngày, thậm chí hơn. “Hoàn thiện một chiếc áo, các công đoạn đều quan trọng như nhau từ lấy số đo, cắt, kỹ thuật may, làm khuy… Công đoạn này lại làm nền cho công đoạn sau. Từng công đoạn có được làm cẩn thận, chỉn chu thì sản phẩm cuối cùng mới đẹp được”, anh Lê Văn Duẩn (SN 1970), thợ may làng Trạch Xá cho biết.

Nổi tiếng là làng may với nhiều thợ giỏi, tuy nhiên theo ông Đỗ Minh Tám trước đây, Trạch Xá hoàn toàn không có nhà nào làm may. “Ngày đó, các cụ vẫn gọi vui Trạch Xá là làng nghề lưu vong vì chỉ sinh ra những người thợ may đi làm nghề nơi khác. Mỗi lần đi may có khi phải mất hàng tháng, thậm chí cả năm, đến Tết mới trở về nên ở Trạch Xá lúc đó hầu như chỉ có đàn ông học và theo nghề may áo dài. Chị em phụ nữ do phải chăm sóc gia đình, con cái, lo việc đồng áng, nội trợ, không thể lang thang nay đây mai đó nên không theo nghề”.

Phải từ những năm 2005 trở lại đây, thợ may làng Trạch Xá mới nhận hàng gia công về làng làm. Làng Trạch Xá cũng từ đó mới có người làm nghề tại làng. Lúc này thì lực lượng làm may chính ở làng Trạch Xá lại là người phụ nữ trong gia đình.

 Ngày nay lực lượng làm may chính ở làng Trạch Xá lại là người phụ nữ trong gia đình (Ảnh: KT)

Em Đỗ Thị Thanh Huyền (SN 2000) cho biết, ngoài thời gian học, em lại tranh thủ theo học nghề may. “Ban đầu em theo học vì truyền thống làng Trạch Xá, gần như ai cũng học may, biết may. Tuy nhiên, quá trình học, được nghe các bác, các cô kể về lịch sử của làng, về ý nghĩa của chiếc áo dài, những nét độc đáo của áo dài Trạch Xá, em dần thấy thích nghề này hơn. Mỗi lần hoàn thiện được một chiếc áo dài, em cảm thấy rất hạnh phúc”, Huyền chia sẻ.

Hiện Trạch Xá có khoảng hơn 80% số hộ trong tổng số 520 hộ dân làm nghề may áo dài. Trong đó, khoảng 200 hộ có cửa hàng quy mô để trưng bày, bán sản phẩm và luôn tiếp nhận những đơn đặt hàng khá lớn từ khắp mọi miền đất nước. Với sự tài hoa của người thợ, đã phần tôn vinh truyền thống văn hóa Việt Nam, nét đẹp phụ nữ Việt Nam./.

Minh Thư
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực