|
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi phát biểu tại chương trình Xuân quê hương 2021. (Ảnh: Khánh Linh) |
Đoàn kết nhân dân trong và ngoài nước phòng chống dịch Covid-19 với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”
Bức tranh toàn cảnh năm 2020 mang màu sắc ảm đạm bởi sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu gây ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của mọi người dân trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Với những biện pháp quyết liệt trong phòng, chống dịch và kết quả kiểm soát tốt dịch bệnh, có thể nói Việt Nam là một trong những điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh ấy.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng "Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19!”, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã hướng trái tim về Việt Nam, ủng hộ cả tinh thần và vật chất cho công cuộc phòng chống dịch. Nhiều thiết bị, vật tư y tế và khoảng 37 tỷ đồng đã được bà con quyên góp để hỗ trợ đồng bào trong nước phòng, chống dịch. Mặc dù cuộc sống mưu sinh ở nước ngoài gặp muôn vàn khó khăn do dịch bệnh căng thẳng, cộng đồng ta vẫn luôn đoàn kết, tổ chức phòng chống dịch, hỗ trợ chính quyền và nhân dân sở tại bằng những hành động thiết thực, mang đậm tình người, từ những suất ăn hỗ trợ bác sỹ, những chiếc khẩu trang tự may khi khẩn cấp đến việc hỗ trợ trang thiết bị y tế, đóng góp tài chính. Nhiều câu chuyện, nhiều tấm gương cảm động đã được người dân và lãnh đạo cấp cao các nước ghi nhận và đánh giá cao, thể hiện một Việt Nam bao dung và chia sẻ trong mắt bạn bè quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong thư gửi kiều bào ta ở nước ngoài tháng 4/2020 đã đánh giá cao sự ủng hộ, chia sẻ quý báu, thiết thực cả về vật chất, tinh thần của bà con đối với công tác phòng chống dịch ở trong nước, đồng thời khẳng định: “Những hành động đó thể hiện truyền thống đoàn kết, lòng yêu nước, nhân nghĩa và tinh thần vượt khó của dân tộc ta, nhân dân ta”.
Để hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chống dịch, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Ngoại giao biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn phòng chống dịch dành cho người Việt Nam ở nước ngoài; các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đặt trọng tâm vào công tác bảo hộ công dân, vận động bà con đoàn kết, hỗ trợ nhau chống dịch tại chỗ, không ồ ạt về nước, tránh lây nhiễm trên đường di chuyển... Khi dịch bùng phát mạnh ở nhiều nước, các tổ chức, cá nhân trong nước với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no” đã quyên góp và thông qua Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chuyển nhiều vật tư y tế với giá trị lên tới 175 ngàn đôla Mỹ hỗ trợ kiều bào ở 19 quốc gia trên thế giới. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chi ngân sách hỗ trợ kiều bào khó khăn ở một số địa bàn. Về đối ngoại, Việt Nam đã hỗ trợ khẩu trang, thiết bị y tế cho 51 nước và tổ chức quốc tế, bao gồm các nước láng giềng và Đông Nam Á và các nước chịu tác động rất nặng của Covid-19, kể cả các nước lớn như Hoa Kỳ, Châu Âu.
Nổi bật là công tác tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước, Nhà nước ta đã thực hiện gần 300 chuyến bay đưa hơn 80 ngàn công dân từ 59 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước, trong đó có những chuyến bay từ địa bàn rất khó khăn, tỷ lệ mắc bệnh cao như chuyến đưa 219 công dân Việt Nam trong đó có 128 ca dương tính từ Guinea Xích đạo về nước. Công tác phòng, chống dịch và tổ chức đưa công dân về nước được thực hiện chu đáo, an toàn, phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, không gây quá tải cho hệ thống y tế trong nước, thể hiện chủ trương hết sức nhân văn đúng tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, đáp ứng được nguyện vọng của bà con kiều bào, nhận được sự đánh giá cao của nhân dân ta ở trong và ngoài nước cũng như dư luận quốc tế.
|
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm cùng với kiều bào tiêu biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm Chỉ thị 45-CT/TW. (Ảnh: Khánh Linh) |
Điểm lại chặng đường 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Năm 2020 là năm chẵn kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn của dân tộc. Đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, đây là năm sơ kết chặng đường 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Kết quả 16 năm triển khai đã cho thấy chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài thông qua Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 là hết sức đúng đắn. Tiếp tục thực hiện chủ trương nhất quán coi “cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam”, phương hướng công tác trọng tâm trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham mưu, xây dựng chính sách; tăng cường triển khai công tác hỗ trợ, vận động cộng đồng, đại đoàn kết dân tộc; đẩy mạnh công tác thông tin, văn hoá, dạy và tiếng Việt; tăng cường hơn nữa việc phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan triển khai kết nối kiều bào với địa phương, tạo điều kiện và cơ hội để người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước; đặc biệt chú trọng phát huy nguồn lực của doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.
|
Các thí sinh đạt giải Cuộc thi đổi mới sáng tạo Hack4growth nhằm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước, đồng thời nâng tầm trí tuệ Việt Nam trên thế giới. (Ảnh: Khánh Linh) |
Phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài cho sự nghiệp phát triển đất nước – mục tiêu quan trọng trong công tác đối với kiều bào
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc và học tập tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, với vị thế và uy tín ngày tăng cao. Mang trong mình nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, từng con người Việt Nam ở nước ngoài là đại sứ quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Cũng từ cuộc sống của người Việt, văn hóa ẩm thực, món ăn và hàng hóa Việt Nam dần trở nên quen thuộc với người bản xứ, là điều kiện thuận lợi để từng bước thiết lập hệ thống phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, qua đó thúc đẩy sản xuất hàng xuất khẩu, tăng cường quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước.
Theo công bố từ Ngân hàng Thế giới đến tháng 10/2020, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2020 vẫn ước đạt 15,7 tỷ USD, giúp Việt Nam tiếp tục có tên trong danh sách các nước nhận kiều hối lớn nhất năm 2020.
Hoạt động đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp của kiều bào tại Việt Nam cũng diễn ra rất sôi nổi, với nhiều hình thức khác nhau. Chỉ tính riêng dự án đầu tư dưới hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến tháng 5/2020 đã có 362 dự án với tổng vốn đăng ký 1,6 tỷ USD. Ngoài ra, còn rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư của kiều bào với quy mô vừa và nhỏ, hoạt động trong mọi lĩnh vực tại các địa phương trong cả nước.
Bên cạnh đó, chúng ta có đội ngũ chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với thế mạnh được đào tạo, tiếp cận môi trường khoa học tiên tiến, đã đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp đóng góp vào những vấn đề thiết thực, bám sát xu hướng phát triển của thế giới cũng như nhu cầu của Việt Nam. Trong năm 2020, đã có nhiều cuộc thi, hội nghị, tọa đàm trực tuyến kết hợp trực tiếp được tổ chức, gắn kết và phát huy vai trò của doanh nhân, trí thức kiều bào đặc biệt là giới trẻ kiều bào như Cuộc thi đổi mới sáng tạo Hack4growth, Cuộc thi khởi nghiệp Vietchallenge 2020, chuỗi chương trình Vòng tay nước Mỹ 8, Hội thảo “Quản lý chuỗi cung ứng hậu Covid-19”, Hội thảo “Vai trò của khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong Covid-19”, Hội thảo “Xử lý rác thải sinh hoạt tại Nhật Bản và Việt Nam”, tọa đàm về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Châu Âu (EVFTA), Hội nghị kết nối doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long và doanh nghiệp tiềm năng tại Hoa Kỳ, Hội nghị Kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19…
Với những thành tựu to lớn mà đất nước đã đạt được trong năm 2020, nổi bật là thành công khi đảm nhiệm vai trò kép “Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020” và “Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021”, vị thế của Việt Nam đã và đang ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Năm 2021 hứa hẹn tiếp tục là một năm đầy ý nghĩa khi nước ta bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Trong không khí mùa xuân ngập tràn trước thềm năm mới Tân Sửu 2021, tôi xin gửi tới bà con kiều bào lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc bà con ta dù ở bất cứ nơi đâu cũng được đón một cái Tết đầm ấm, hạnh phúc và bình an, chúng ta hy vọng và cùng bắt tay xây dựng một năm mới với nhiều thành công đang chờ phía trước./.